Ca sĩ Khánh Ly: 'Người Nhật gọi tôi là công chúa áo dài'

26/04/2017 14:47 GMT+7

'Người Nhật họ thích áo dài Việt Nam lắm. Thời hát ở Nhật Bản tôi hay mặc áo dài gấm. Sau Đại hội dân nhạc châu Á người ta gọi tôi là 'công chúa áo dài', nữ ca sĩ Khánh Ly cho hay.

Ca sĩ Khánh Ly vừa có mặt tại TP.HCM, trong chuyến trở về Việt Nam đúng vào tháng 4 - kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nữ ca sĩ dành cho Thanh Niên một cuộc trò chuyện. Lần này, bà kể về những ngày tháng hát nhạc Trịnh Công Sơn trên đất Nhật, cũng như chuyện nữ nghệ sĩ từng hát Bolero những năm tuổi trẻ.
“Nhật Bản là tình yêu lớn trong tôi”
* Thưa bà, cho đến nay khán giả Nhật Bản vẫn rất yêu mến giọng ca Khánh Ly với những tình khúc Trịnh Công Sơn. Cơ duyên nào cho bà có lần biểu diễn đầu tiên tại Nhật Bản năm 1970?
- Ca sĩ Khánh Ly: Ngày đó phía Nhật Bản có mời tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhưng ông Sơn không đi được. Tôi mời ông Nguyễn Ánh 9 đi cùng, đó là lần chúng tôi hát tại hội chợ Osaka, thành phố Osaka.
Ca sĩ Khánh Ly (thứ 2 từ trái qua) trong lần sang Nhật năm 2004

Người Nhật họ thích áo dài Việt Nam lắm. Thời hát ở Nhật tôi hay mặc áo dài gấm. Sau Đại hội dân nhạc châu Á người Nhật gọi tôi là “công chúa áo dài”, cụm từ này xuất hiện trên hàng loạt các trang báo Nhật mà tôi vẫn còn giữ đến ngày hôm nay.

Ca sĩ Khánh Ly

* Sau đó bà còn rất nhiều lần trở lại Nhật?
Vâng, tôi không nhớ nổi mình đã sang Nhật Bản bao nhiêu lần nữa. Năm 1979, đài NHK của Nhật sang Mỹ mời tôi tham gia Đại hội dân nhạc châu Á, chương trình gồm những đại diện từ Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.
Sau đó, phía Nhật Bản mời tôi thu một CD gồm 10 ca khúc. Tôi hát 8 ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn như Diễm xưa, Ướt mi, Như cánh vạc bay... 2 ca khúc nhạc Nhật. Sau CD này, tôi được biết ca khúc Diễm xưa rất được yêu thích tại Nhật, nó còn được đưa vào giáo trình dạy đại học, được làm nhạc nền cho một bộ phim của Nhật.
Nhật Bản là tình yêu lớn trong tôi. Những chuyến tới Nhật giúp tôi càng thêm yêu đất nước này hơn. Tôi nhớ năm 1997, đài truyền hình NHK qua Mỹ để mời tôi hát cho đêm nhạc Tiếng hát của sự đoàn tụ, trong đoàn có một đạo diễn tên là Hideo Kado. Sau khi lắng nghe tôi hát ông Hideo Kado đã trở về Nhật và viết dự án phim về tôi. Bộ phim được đài NHK thực hiện với những cảnh tại Mỹ và Việt Nam.
Lần gần đây nhất tôi sang Nhật là năm 2004, theo lời mời của Quỹ học bổng quốc tế Hirose.
Ca sĩ Khánh Ly (thứ 3 từ trái qua) trong lần tới Nhật năm 2004
* Khán giả Nhật Bản có lẽ rất hâm mộ bà sau những đêm nhạc Trịnh? Hình như họ cũng rất thích áo dài Việt Nam?
Vâng, đó là một niềm hạnh phúc của tôi. Người Nhật họ thích áo dài Việt Nam lắm. Thời hát ở Nhật tôi hay mặc áo dài gấm. Sau Đại hội dân nhạc châu Á người Nhật gọi tôi là “công chúa áo dài”, cụm từ này xuất hiện trên hàng loạt các trang báo Nhật mà tôi vẫn còn giữ đến ngày hôm nay.
Người Nhật rất trân trọng nghệ sĩ, tôi cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của những nhà tổ chức. Tôi nhớ dịp Đại hội dân nhạc châu Á tôi được trả thù lao 1.500 USD. Tiền không phải là vấn đề quan trọng, cái chính là bản thân tôi ngạc nhiên, tôi không nghĩ mình được đón tiếp nồng hậu như vậy. Tôi hãnh diện, sung sướng vì qua ông Trịnh Công Sơn mà tôi được người ta biết đến. Tôi cũng hãnh diện, hạnh phúc vì tôi là người Việt Nam, và được khoác chiếc áo dài Việt Nam trên sân khấu Nhật.
* Bà đã đọc cuốn sách viết về chính mình “Khanh Ly: Most Famous Singer from Saigon” của tác giả Heido Kato?
Năm 1997 sau bộ phim Tiếng hát của sự đoàn tụ, cuốn sách trên cũng được phát hành tại Nhật. Tôi sung sướng lắm khi biết có một cuốn sách viết về mình. Tôi hiểu rằng, nhờ ông Trịnh Công Sơn, người ta yêu nhạc Trịnh Công Sơn nên tôi được yêu thương như vậy.
Cũng như bây giờ, tôi đã ngoài 70 tuổi, giọng hát không thể như những ngày 20 tuổi nhưng tôi vui vì những người yêu nhạc Trịnh vẫn dành cho tôi những tình cảm, sự trân trọng giống như những ngày đầu họ nghe tôi hát.

tin liên quan

Khánh Ly và cuộc hạnh ngộ âm nhạc sau hơn 40 năm
Tối 2.12, live concert chính thức đầu tiên của danh ca Khánh Ly tại TP.HCM đã diễn ra với niềm hân hoan lẫn xúc động của nghệ sĩ và khán giả của mình, một cuộc hạnh ngộ bằng âm nhạc sau hơn 40 năm xa cách.
* Ca khúc nào bà hát trên đất Nhật để lại những cảm xúc đặc biệt nhất, có phải là Diễm xưa?
Không chỉ ngày xưa, cho tới bây giờ mỗi khi hát Diễm xưa tôi đều rưng rưng, cảm giác như nhớ tới mối tình đầu tiên của tôi. Mỗi ca khúc của ông Sơn đặc biệt lắm, nó gắn với kỷ niệm của mỗi người. Với người này, ca khúc này hay vì nó chạm tới một kỷ niệm riêng. Với người khác, người ta nhớ vì tưởng như ông Sơn viết cho riêng họ. Nhạc của ông Sơn cứ thế sống mãi trong lòng mọi người.
Ca sĩ Khánh Ly và người hâm mộ trước liveshow Gọi tên bốn mùa tại Hà Nội năm 2015
* Gần đây, các ca sĩ hải ngoại thường xuyên về nước trình diễn, có người còn tham gia làm giám khảo cho các chương trình truyền hình. Nếu có lời mời, bà có đồng ý không? Một chương trình cho dòng nhạc Bolero chẳng hạn?
- Ôi, tôi không. Đã có người mời rồi nhưng tôi từ chối (cười). Tôi có cảm giác tôi đã đứng lại rồi, còn lớp trẻ đang đi lên.
Tôi có hát Bolero đấy, trước thì hát nhiều, giờ tôi tự hát cho mình nghe. Nhưng mình hát thì có thể có một vài người khen chê cũng không sao, còn mình làm giám khảo lại khác, trình độ của mình phải hay hơn, giỏi hơn người ta. Tôi là người dốt nhạc, các em bây giờ giỏi lắm, được học hành bài bản nên mình không thể đi nhận xét người khác mà mình không đủ kiến thức bằng người ta được.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Trong trở về Việt Nam lần này, ca sĩ Khánh Ly cùng vơi bạn hữu sẽ mang đêm nhạc vòng tay nhân ái tới thành phố Phan Thiết, Bình Thuận ngày 1.5; Nam Định ngày 12.5, Hải Phòng ngày 19.5 nhằm chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. Bà cũng sẽ có đêm nhạc giao lưu với sinh viên Đại học Đà Lạt, thành phố Đà Lạt vào ngày 7.5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.