Cả trăm di tích làng hầm bị bỏ hoang

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
19/02/2019 06:42 GMT+7

Với hàng trăm địa đạo chằng chịt dưới lòng đất, làng hầm Vĩnh Linh (Quảng Trị) từng làm thế giới kinh ngạc và đã được công nhận đặc cách là di tích cấp tỉnh từ hàng chục năm trước. Thế nhưng 100% số di tích này không có sổ đỏ, đang bị bỏ hoang.

Di tích nằm bên... chuồng lợn
Hệ thống làng hầm ở Vĩnh Linh gồm 114 địa đạo, trong đó địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) và hệ thống làng hầm (gồm 8 địa đạo) đã được Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt từ năm 2015. Còn lại hơn 100 địa đạo khác, từng là nơi trú ngụ của người dân Vĩnh Linh trước bom đạn của quân thù nay đang rơi vào cảnh đáng buồn, dù đã lần lượt được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 1996 và 2004.
Hàng trăm địa đạo bị bỏ hoang
Ở xã Vĩnh Tú, có 4 di tích địa đạo ở các thôn Tây 1, Tây 2, Mỹ Duyệt và Mỹ Tú. Tất cả hiện đều xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn thấy một phần miệng hầm, lấp ló trong vườn nhà dân. Dù được cán bộ xã dẫn đường nhưng PV Thanh Niên phải mướt mồ hôi mới tìm thấy được cửa hầm địa đạo thôn Tây 2, vốn đang bị bao bọc bởi cây bụi um tùm.
“Mẹ tôi là một trong những người đào địa đạo này. Chúng tôi lớn lên ở đây, hồi đó không được xuống dưới vì người lớn không cho nhưng chúng tôi vẫn chơi ở miệng hầm. Hòa bình thì người dân làm nhà trồng cây, san lấp gần hết. Giờ còn miệng hầm thôi. Chẳng ai biết trong lòng địa đạo đã sập hay chưa”, ông Nguyễn Văn Hoài, Xã đội trưởng xã Vĩnh Tú, nói.
Xót xa hơn, di tích địa đạo ở thôn Tây 1 nằm trong vườn một hộ dân, cách chuồng heo chưa tới 2 m. Địa đạo này giờ chỉ còn phần miệng, đã bị lấp. Theo lời kể của cụ Trần Đức Trí (82 tuổi, ngụ thôn Tây 1) thì địa đạo này độ sâu 10 m, hệ thống đường hầm dài 420 m, đường hầm hình vòm 1,6 x 1 m, có 1 cửa, 4 giếng thông hơi.
Cả trăm di tích làng hầm bị bỏ hoang1
Miệng hầm địa đạo nằm trong rú Đường Hào nhìn ra
Tại xã Vĩnh Kim, phải băng qua khu rừng rậm rạp mới đến được một địa đạo ngay giữa rú (rừng) Đường Hào. Lối đi dẫn vào di tích cũng không có. Không một tấm biển báo, không dấu hiệu nào để nói rằng cửa hầm đen ngòm dẫn xuống lòng đất đó là một di tích lịch sử. Ông Thái Văn Đoàn, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Kim, thở dài: “Cả xã Vĩnh Kim có hơn 30 di tích địa đạo nằm ở rú Đường Hào, các khe và khu dân cư. Tất cả đều lâm cảnh hoang phế như nơi đây, chẳng ai tới lui, không tham quan gì được... Di tích có giá trị rất lớn nhưng càng ngày càng mai một”.

Xung đột quyền lợi người dân và công tác bảo tồn

Có một số hệ thống làng hầm hầu như không còn gì, trở thành bình địa

Ông Lương Ngọc Ninh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin H.Vĩnh Linh

Dù được công nhận di tích nhưng cả trăm địa đạo ở Vĩnh Linh không hề có một mét đất nào được pháp luật công nhận. Những địa đạo tồn tại trong vườn nhà dân thì vài chục năm sau hòa bình, chính quyền đã cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho chính người dân đó.
Theo ông Tô Ngọc Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú, việc di tích không có sổ đỏ làm công tác bảo tồn khó khăn mà bản thân người dân có địa đạo nằm trong vườn nhà cũng không vui vì họ không thể xây dựng nhà cửa hoặc phát triển sản xuất. “Bà con ủng hộ việc bảo tồn các giá trị lịch sử, nhưng nếu chính quyền và ngành chức năng muốn lấy đất để mở rộng làm bia, bảo tồn thì phải có chính sách đền bù, hỗ trợ phù hợp”, ông Thành nói.
Lý lẽ là như vậy, nhưng để thực hiện việc đền bù hỗ trợ là rất khó vì không có kinh phí. Nên hiện có không ít vụ kiện tụng kéo dài ở H.Vĩnh Linh liên quan đến nhập nhằng “sổ đỏ” cho di tích làng hầm. Ông Lương Ngọc Ninh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin H.Vĩnh Linh, cho biết: “Có một số hệ thống làng hầm hầu như không còn gì, trở thành bình địa; ngành văn hóa nên tham mưu cho UBND huyện chọn lọc lại những làng hầm thực sự có giá trị lịch sử để khôi phục đúng giá trị của nó, chứ nếu đưa vào ồ ạt quá thì cũng khó cho chính quyền trong bảo tồn sau này”.
Cả trăm di tích làng hầm bị bỏ hoang2
Miệng hầm địa đạo thôn Tây 2 (xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh) bị cây cỏ phủ kín ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng (Sở VH-TT-DL Quảng Trị), thừa nhận những rắc rối bây giờ có yếu tố lịch sử khi trong quá khứ các di tích làng hầm đều được công nhận đặc cách nên không lập hồ sơ khoa học và đất đai. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với H.Vĩnh Linh để tháo gỡ dần. Trung tâm sẽ viết hồ sơ khoa học bổ sung cho di tích đã được xếp hạng, còn phía H.Vĩnh Linh sẽ hoàn thành hồ sơ pháp lý về đất đai. Có được 2 hồ sơ này mới có cơ sở kêu gọi xã hội hóa bảo tồn di tích”, ông Chức nói.
Cũng theo ông Chức vì đất đai khó khăn nên hướng xử lý sắp tới là cố gắng ở mỗi di tích chỉ làm những điểm lưu niệm với diện tích đất rất nhỏ, từ 100 - 300 m2. “Hoặc vận động người dân hiến đất, hoặc chính quyền thu xếp để đổi đất cho bà con có di tích nằm trong đất”, ông Chức gợi ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.