Các nước không cào bằng mức thu tác quyền âm nhạc trên tivi ở khách sạn

13/09/2017 15:53 GMT+7

Theo Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), các nước không cào bằng mức thu tác quyền âm nhạc trên tivi tại khách sạn.

Cục Bản quyền tác giả cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CISAC), việc thu tác quyền âm nhạc với các tivi tại khách sạn là việc nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
Theo đó, các nước trong khu vực nhà Thái Lan, Malaysia, Singapore, Phillipines hoặc các nước ở châu lục khác như Mỹ, Anh, Pháp, Úc... đều quy định phải trả tiền bản quyền cho việc sử dụng âm nhạc, bất kể là chủ khách sạn sử dụng âm nhạc ở khu vực công cộng trong khuôn viên khách sạn, hay ở trong các phòng nghỉ khách sạn.
"Tuy nhiên, cách thu của các nước không giống nhau", ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nói.  Chẳng hạn, Hàn Quốc quy định thu tiền tác quyền tác giả khi khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn và khu chung cư theo nhiều cấp độ, dựa theo số lượng phòng. Dưới 50 phòng sẽ trả mức phí tiền hàng tháng là 20.000 won; trên 50 phòng đến dưới 100 phòng là 40.000 won/tháng; trên 100 phòng đến dưới 200 phòng là 80.000 won/tháng... 
Nhật Bản lại quy định 1% doanh thu hoặc 100 yên/tháng/tivi. Trong khi đó, Tây Ban Nha thu mỗi tháng theo sao của khách sạn. Anh chia theo gói 15 phòng, theo loại hình phát sóng/năm. Nếu quá 15 phòng thì thu thêm 145,5 bảng cho mỗi 5 tivi vượt quá. Cách tính này chỉ cho trường hợp phòng ngủ áp dụng không quá 20 ngày. Với gói này, trường hợp thỏa thuận trước khi sử dụng thì áp dụng với truyền hình mặt đất là 64,35 bảng/năm; truyền hình cáp, vệ tinh là 96,87 bảng/năm. Trường hợp đã sử dụng, chưa thỏa thuận thì áp dụng với truyền hình mặt đất là 96,53 bảng/năm; truyền hình cáp, vệ tinh là 145,31 bảng/năm. 
Ở nước ta, hiện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang đơn phương đưa ra mức giá 25.000 đồng/phòng/năm với các phòng khách sạn từ 2 - 5 sao có tivi. Điều đó có nghĩa là VCPMC đang đưa ra giá cào bằng cho mọi khách sạn từ 2 - 5 sao. VCPMC cũng không phân loại các trường hợp khác nhau để áp các mức giá khác nhau.
Về việc thu tiền “cào bằng” này, ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, lý giải: “Với chúng tôi, không thể cụ thể được thì phải khái quát”. Thậm chí, ông Phương còn cho rằng, đòi hỏi xuất trình chứng minh ủy quyền từ phía các cá nhân tổ chức bị VCPMC yêu cầu trả tiền là vô lý. “Chúng tôi không thể mang xe tải đi chở các văn bản ủy quyền đi được”, ông Phương nói.
Mặc dù vậy, theo ông Bùi Nguyên Hùng, yêu cầu chứng minh này là hoàn toàn chính đáng, vì theo luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, chỉ được thu hộ tác quyền với các tác phẩm có ủy quyền.
Trước đó, hồi tháng 6, VCMPC đã phát đi văn bản yêu cầu các khách sạn 3 sao tại Đà Nẵng nộp khoản tác quyền âm nhạc với tivi và bị phản đối mạnh mẽ. Cũng trong tháng 6, Cục Bản quyền tác giả đã làm việc với VCMPC và có biên bản, trong đó chính thức yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của VCPMC và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng.

Cũng theo Cục Bản quyền, trên cơ sở xác định này, VCPMC phải tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch theo quy định. Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, việc tổ chức thu tiền quyền tác giả tại phòng nghỉ khách sạn mới có thể được thực hiện.

Ông Bùi Nguyên Hùng cũng cho biết khi VCMPC thực hiện được những điều trên thì có thể thực hiện tiếp việc thu tiền. Tuy nhiên, nếu việc thu tiền không đạt được thỏa thuận mà lại tiếp tục gây bức xúc dư luận thì Cục Bản quyền tác giả có thể lại yêu cầu dừng thu lần nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.