Cảm hứng từ mâm ngũ quả ngày tết

24/01/2020 09:00 GMT+7

Ai về giồng dứa qua truông Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em

 Ta hãy cà kê dê ngỗng, bàn phiếm đôi chút với từ “giồng”, vì nếu không thấu hiểu e cũng khó thấy sức hấp dẫn của một vùng đất. Trong Phương ngữ Nam bộ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2015), nhà giáo, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Kiên giải thích, đó là “Dải đất cao chạy dài song song với đám ruộng thấp. Nơi đây người ta cất nhà cửa, trồng cây ăn trái và trồng hoa màu phụ. Đất giồng cao ráo, ít nước trong mùa khô, nhưng khi đào giếng thì nước rất ngọt” (trang 642). Gật gù thích thú lắm đây, vâng ạ, nhưng nếu được nghe thêm ý kiến khác lại càng hay.
Thì đây, học giả Vương Hồng Sển cho biết ở miền Nam đều có giồng: “Và vì mùa hạn luôn luôn thiếu nước cho nên trước cửa nhà đều có một cái lu vàng khè và một cái gáo bằng nửa miếng sọ dừa tra một cán dài, tha hồ cho khách đến nhà, muốn uống nước giải khát hay rửa cẳng cho mát chơn trước khi bước vô nhà thì cứ tự do thò gáo vô lu mà múc. Vả chăng ai ai cũng biết nước là vật quý, không nên xa xỉ nhưng phàm lệ khi rửa cẳng dội thêm vài gáo cho thấy được thêm mát mẻ thì cũng không ai nói gì, ấy mới thật là lòng tốt bụng tốt của người miền Nam” (Tự vị tiếng Việt miền Nam - Nhà xuất bản Văn hóa - 1993, trang 379).
Nếu có câu ca dao: “Mẹ mong gả thiếp về vườn/Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh” thì cũng có dị bản, ta chấp nhận như một lẽ tự nhiên: “Mẹ mong gả thiếp về giồng/Ăn bông bí luộc, dưa hồng nấu canh”. Lại có ý kiến cho rằng, “giồng” tức một cách phát âm “vồng” hàm nghĩa “Luống đất đắp thành dẫy dài giữa cao khum lên: Đánh vồng khoai” (Việt Nam tự vị, 1931). Trong khi đó, trong Nam lại dùng “vồng” để chỉ đến vật gì đó: “Rơi xuống rồi lại tưng lên; gồ ghề làm cho xe chạy không êm (Phương ngữ Nam bộ, trang 1520). Khi về chơi Bến Tre, có lần tôi được nghe câu hát:
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về bưng ăn ốc, về giồng ăn dưa.
Với từ “rẫy”, thú thiệt phân vân quá, sực nhớ câu hát trong nhạc Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Anh Ngọc: “Buổi sáng em làm rẫy/Thấy bóng cây kơ nia”. Muốn có rẫy, có đất trồng tỉa thì người ta phải phát, đốt rừng thường là ở vùng rừng núi, vì thế mới có các từ đất rẫy, phát rẫy, đốt rẫy, làm rẫy... Thế thì, nơi ấy làm gì có còng? Ai cũng thừa biết còng vốn động vật nhỏ, hình dáng như cua thường sống ngoài đồng, ngoài ruộng kia mà? Thiệt vô lý.
Vô lý đùng đùng.
May quá, lúc đó đang lai rai tại đám giỗ nhà người bạn ở Chợ Lách, bèn hỏi, có người nâng ly rượu Phú Lễ ngửa cổ nốc cạn, cười khà một tiếng mà rằng: “Cha chả bạn mình ơi, rẫy là những ruộng nước mặn và lợ. Còng làm hang trên đất rẫy, có còng lửa, còng gió, muốn bắt người ta chờ nước ròng cho rẫy cạn nước, dễ ợt, lấy mũi chân ấn sâu phần dưới hang, lập tức còng chui lên, nó di chuyển nhanh nhưng lỏng khỏng. Vì thế, khi các cô cậu học trò viết láu chữ nguệch ngoạc, chữ ngả chữ nghiêng, chữ xiên chữ xẹo, thầy cô chê “chữ viết như còng quều”, khác với ngoài Bắc ngoài Trung gọi “chữ viết như gà bới”. Lần sau về đây, chơi vào lúc nước ròng, đãi bạn mình một bữa còng ăn kèm muối tiêu chanh, lá quế, lá chùm ruột là hết sẩy con bà Bảy. Hứa nhá?”.
Tất nhiên đã hứa phải giữ lời hứa, đã đành nhưng còn do xuôi về phương Nam ta còn khoái khẩu với trái cây “ngon lành cành đào”. Ai là người có công đem các giống cây trồng từ nước ngoài về, thử nghiệm và thành công? Nhiều tài liệu đã nói đến vai trò của nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký.
Là chuyện thực tế, chứ nào phải hư cấu. Và tôi cũng nghe nói đến vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây khi gieo hạt giống mới về Tin Mừng. Gieo đức tin mới trong lòng người Việt Nam từ những thế kỷ trước. Chợt nghĩ rằng, chính họ còn là những người đầu tiên đã thử nghiệm những giống cây mới ở đây. Thuở ấy, họ đã thử trồng các loại trái cây xa lạ như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... và thành công. Bởi các giống cây ấy thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của một vùng đất thịt, chằng chịt kênh rạch.
Từ hiện thực này, tôi đồ rằng những câu đố về trái cây mới du nhập vào Bến Tre, ra đời chính là từ nơi này: “Mình tròn lông mọc rậm rì/Chẳng hề uống rượu mặt thì đỏ au/Cởi trần da trắng phau phau/Đã chẳng có đầu lại chẳng có đuôi”. Trái gì? Trái chôm chôm. “Bằng trái cà có hoa dưới đít/ Bằng trái quýt dưới đít có hoa”. Trái gì? Trái măng cụt. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ, trái loòng boong là “đặc sản độc quyền” của miền núi Quảng Nam. Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn còn ghi rõ: “Đầu đời Minh Mạng, nhà vua ban cho tên là Nam trân”. Hằng năm, loòng boong phải “tiến vua”. Phương ngữ địa phương có câu: “Nhất trường thi, nhì trường trái”. Ý nói lúc sĩ tử vào trường thi cũng nhộn nhịp như ngày vào mùa hái trái loòng boong: “Trái loòng boong trong tròn, ngoài méo/Trái thầu đâu trong héo, ngoài tươi/Thương em ít nói, ít cười/Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng”.
Khi đến Cái Mơn, tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết Bến Tre cũng có loòng boong. Lâu nay từng biết đến, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian: Trong một lần giao tranh với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn phải trốn chạy lên vùng đất phía tây Quảng Nam. Trong lúc ngặt nghèo, nguy khốn nhất, bốn phía bị bao vây, lương thực không còn, đang đói rã họng thì chúa tôi gặp một loại trái cây chín mọng. Chưa dám ăn ngay, chúa lấy tay bấm thử, thấy trái mềm, nếm vị ngon ngọt lạ thường. Nhờ trái cây này mà họ thoát khỏi cảnh đói khát. Truyền thuyết này góp phần lý giải (dẫu mơ hồ) vì sao khi cầm loại trái cây này, lột vỏ mỏng, ta đều thấy có dấu móng tay. Ở Bến Tre, người ta cũng kể vậy, chỉ có khác ở địa danh ở Nam bộ. Biết thêm điều này, tôi nghĩ lan man, phải có cách giải thích khác về tên gọi loòng boong. Liệu có phải đó là phát âm của người Cà Tu thuộc vùng Hiên, Giằng ở Quảng Nam như cách giải thích lâu nay?
Về trái loòng boong, truyền thuyết thì cứ truyền thuyết, vì chẳng ai có thể biết cụ thể vị chúa Nguyễn nào. Ngay cả trái muồn quân cũng thế, ông Trương Vĩnh Ký giải thích trong Thông loại khóa trình (số 3.1888): “Muồn quân là tiếng nói trại, chính nó là buồn quân vì tục truyền xưa có người đem quân đi mà hết lương đói lắm, quân gia buồn bực, may đâu gặp cây có trái ấy tròn như viên đạn, sắc tím bầm, mùi ngọt ngọt ăn đỡ đói. Vì vậy nên trong chư kêu là ngộ quân”.
Ngày tết ngồi nhìn mâm ngũ quả sung túc phúc lộc thọ, nghĩ lan man đôi điều như thế này, há chẳng phải cũng là cái thú vui xuân chơi tết đó sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.