Theo phản ánh của người dân thôn Hợp Phố (xã Nam Phú, H.Tiền Hải, Thái Bình), đền Hợp Phố trên địa bàn thôn này được xây dựng năm 1922, khi người dân tứ phương về vùng ven biển H.Tiền Hải khai hoang, lập ấp. Ngoài phục vụ tín ngưỡng, ngôi đền còn là một di tích cách mạng, tại đây diễn ra nhiều cuộc họp của lãnh đạo H.Tiền Hải về chỉ đạo kháng chiến, hậu cung đền vẫn lưu giữ hầm bí mật đã từng che giấu 2 cán bộ của Đảng được an toàn khi địch bao vây thôn Hợp Phố năm 1951. Ngày 8.10.2014, đền Hợp Phố được UBND tỉnh Thái Bình công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, di tích này bị ông Bùi Đức Hiền (Bí thư Chi bộ thôn Hợp Phố) và cậu ruột là ông Phan Văn Chương (Trưởng ban Khánh tiết đền Hợp Phố), cùng ông Đặng Ngọc Sơn (Trưởng thôn Hợp Phố), tự ý lập dự án để phá đi xây mới. Ông Trần Thanh Hiên (65 tuổi, trú thôn Hợp Phố), đại diện người dân, cho biết: Đền mới trùng tu, chưa xuống cấp, chưa dột nát, nhưng từ cuối năm 2015, các ông Hiền, Chương và Sơn không hỏi dân mà tự ý đi thuê thiết kế đền, lập dự án xây đền mới có quy mô lớn hơn đền cũ rồi trực tiếp mang thiết kế này lên huyện, lên tỉnh xin ký. Ngày 4.5.2016, ông Hiền chỉ đạo đi thuê máy xúc vào phá toàn bộ ngôi đền cũ. Khi người dân biết tin kéo đến ngăn cản thì ngôi đền chỉ còn chân móng.
Ông Đoàn Ngọc Đức (64 tuổi), một người dân trong thôn Hợp Phố, cho biết: “Để qua mặt người dân và hợp lý hóa việc này, cả thôn có 341 hộ, nhưng ngày 30.4.2016, ông Hiền, ông Sơn chỉ mời 27 hộ đều là họ hàng, người thân đến, yêu cầu các hộ này ký vào biên bản dưới danh nghĩa đã “họp dân”, thống nhất đồng ý xây đền mới”.
|
Người dân thôn Hợp Phố cũng cho biết từ hàng chục năm nay, ông Hiền và gia đình đã tự ý quản lý ngôi đền này, không thông qua người dân về thu - chi cũng như các việc liên quan, việc phá đền cũ, xây đền mới có mục đích muốn sở hữu toàn bộ ngôi đền. Ngay khi phát hiện sự việc, người dân đã làm đơn gửi huyện và tỉnh, nhưng không có phản hồi. “Đầu năm 2016, khi thấy họ lấy chữ ký của 27 hộ để làm biên bản đồng tình phá đền cũ, hàng trăm hộ đã ký đơn phản đối. Sau đó, cán bộ huyện và tỉnh cũng về thôn nhưng không ai có ý kiến và không xử lý. Đến khi họ phá đền, dân uất ức quá mới tự tổ chức đến ngăn cản và giữ nguyên hiện trạng đến hôm nay”, ông Đoàn Ngọc Đức cho hay.
Vi phạm luật Di sản nhưng chỉ “sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”
Theo luật Di sản, muốn tôn tạo, trùng tu di tích phải đảm bảo đủ nguyên tắc là phải được cộng đồng dân cư đồng ý, phải giữ nguyên các yếu tố gốc của di tích. Tuy nhiên, các cán bộ thôn Hợp Phố đã bỏ qua cả 2 nguyên tắc này.
Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã liên hệ Bí thư chi bộ và Trưởng thôn Hợp Phố, nhưng cả hai đều từ chối gặp. Trả lời về việc tại sao lại phê duyệt vào dự án này, đại diện UBND xã Nam Phú cho biết khi tiếp nhận hồ sơ dự án cải tạo đền, đơn vị này thấy có xác nhận của cán bộ thôn và chữ ký người dân nên duyệt dự án.
Trả lời về vấn đề trên, Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Bình thừa nhận trong quá trình thực hiện phê duyệt di tích và chủ trương cho phá và xây dựng lại đền Hợp Phố, đơn vị này đã bỏ qua nguyên tắc trong tu bổ di tích là “giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành di tích” khiến chủ đầu tư làm biến dạng di tích đền Hợp Phố so với nguyên gốc. Về việc không họp dân, lấy ý kiến của người dân, Sở này cho rằng đây là lỗi của UBND xã Nam Phú khi lập, duyệt hồ sơ.
Trả lời về việc sẽ xử lý như thế nào về những sai phạm trên, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Bình, cho biết “sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Bà Hạnh cũng thông tin việc xử lý các vấn đề của đền Hợp Phố hiện được tỉnh Thái Bình giao cho UBND H.Tiền Hải thực hiện.
Trả lời Thanh Niên, ông Hoàng Văn Túy, Phó chủ tịch UBND H.Tiền Hải, cũng thừa nhận UBND xã Nam Phú đã không lấy ý kiến người dân khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, ông Túy cho rằng do đền cũ đã bị phá nên sẽ yêu cầu xã họp dân để lập dự án theo hướng xây dựng lại đền theo nguyên mẫu đền cũ!
Bình luận (0)