Cần đảm bảo tính chân thực của tranh cổ động

15/07/2020 13:07 GMT+7

Ông Nguyễn Quang Việt - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, những vấn đề bất cập của cuốn sách Khát vọng hòa bình - sưu tập chọn lọc tranh cổ động rất đáng lo ngại.

Khát vọng hòa bình - sưu tập chọn lọc tranh cổ động là cuốn sách mới được Nhà xuất bản Mỹ thuật cho ra đời tháng 6.2020. Sách giới thiệu 81 bức tranh cổ động nằm trong “sưu tập chọn lọc” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cần bảo vệ và lưu truyền tính chân bản

“Tranh cổ động thường gắn với chữ hoặc các con số, hoặc ít hơn, nó chỉ có hình. Và tranh cổ động cũng thường sử dụng chữ hoặc các con số (gọi chung là chữ - PV) theo “ngữ pháp” riêng của nghệ thuật tạo hình. Bởi vậy việc chuyển chữ trong tranh cổ động thành một “văn bản” độc lập (có thể gọi là tranh) luôn luôn là một việc không đơn giản, và đôi khi không thể thực hiện được. Vậy nên, nếu đã là sách in hình ảnh (hình ảnh của tranh cổ động - PV) thì chỉ in hình ảnh kèm theo các thông tin cơ bản như tên tác giả, năm sáng tác là đủ, không nhất thiết phải “chép lại” phần chữ (tiếng Việt) trên tranh”, ông Nguyễn Quang Việt nói.
Đáng tiếc rằng, theo ông Quang Việt, hầu hết các tên tranh trong cuốn sách Khát vọng hòa bình - sưu tập chọn lọc tranh cổ động đều đã bị những người biên soạn thoán từ đoạt ý, thay đổi tùy tiện, can thiệp vào nội dung vốn đã rất cô đọng của thể loại tranh cổ động, làm hỏng đi tính xác thực, tính lịch sử, tinh thần và ý nghĩa của nó.
Sách này được in song ngữ Việt-Anh. Tiếng Anh nhiều khi chỉ dịch mà không “diễn giải”. Ông Quang Việt cho rằng, nếu chỉ dịch mà không “diễn giải” thì người nước ngoài không hiểu được, hoặc hiểu sai, chệch, nhất là khi họ còn biết ít về lịch sử của đất nước chúng ta. Từ đó, điều người nước ngoài đọc được trong sách có thể trở nên “tối nghĩa”.
Mặt khác, tiếng Anh lại được dịch từ nội dung “đã chỉnh sửa” của tiếng Việt, và trong nhiều trường hợp trở thành những nội dung “lệch lạc”. Ông Quang Việt lo ngại có thể khiến cho người nước ngoài hiểu sai về chủ đề tư tưởng của tranh cổ động Việt Nam.

Dễ khiến hiểu sai

Tranh của tác giả Huy Toàn

ẢNH: K.M.S

Họa sĩ Nguyễn Quang Việt nêu ra một số ví dụ: trang 13, tranh của Huy Toàn: “Thi đua lao động Xã hội Chủ nghĩa/Đấu tranh thống nhất nước nhà” (vẽ nhân ngày Quốc khánh 2.9.1958) được “chú” (và “dịch”) thành nội dung: “Thi đua lao động Xã hội Chủ nghĩa”, tức là thiếu hẳn một vế chủ yếu mà chủ đề của sách đã nêu ra: “Khát vọng hòa bình”.

Tranh của Huỳnh Văn Gấm

ẢNH: K.M.S

Trang 21, tranh của Huỳnh Văn Gấm: “Ưu thế tuyệt đối của không lực Huê Kỳ trên miền Bắc Việt Nam” bị cắt và sửa thành “Ưu thế tuyệt đối của không lực Hoa Kỳ”. Ông Quang Việt đánh giá là không chỉ làm mất hẳn ngữ cảnh mà còn làm mất đi ý nghĩa châm biếm. Chữ “Huê Kỳ” ở đây dịch sang tiếng Anh có thể dịch thành “Uncle Sam”.
Trang 34, tranh Nguyễn Xuân Hồng: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” bị sửa thành: “Một người làm việc…”, hiểu sai về ngữ nghĩa của từ.
Trang 48, tranh Trịnh Quốc Trụ, vẽ năm 1970, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin: “... Chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Lê-nin”, có kèm theo dòng chữ “Lời Hồ Chủ tịch” bị sửa thành: “Chân chính nhất - Cách mệnh nhất” và không ghi tên của người nói. Ông Quang Việt bày tỏ là rất “nguy hiểm” cho cách hiểu của người nước ngoài qua lời dịch tiếng Anh.
Trang 58, tranh của Đỗ Hữu Huề, vẽ năm 1973, ca ngợi chiến thắng lịch sử đánh B-52 của quân và dân ta trên bầu trời thủ đô Hà Nội tháng 12.1972. Tranh không lời, chỉ có những chữ B-52 lộn ngược - bị chú thành “B-52”, và được dịch ra tiếng Anh thành “Máy bay ném bom B-52” (The B-52 bomber aircraft).
Trang 78, tranh của Phạm Văn Đôn, vẽ năm 1978, “Theo bước Hai Bà Trưng quét sạch quân thù xâm lược” bị cắt thành: “Theo bước Hai Bà Trưng” làm mất hẳn ngữ cảnh ra đời (đặc biệt của những năm 1975-1979) và mục tiêu cổ động luôn luôn mang tính thời sự của bức tranh.
Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Mỹ thuật - bà Đặng Bích Ngân cho biết: về tên gọi các phiên bản trong sách không sai. Hầu hết các tranh cổ động không có tên. Ở đây, trong hồ sơ lưu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ghi tên tranh là như vậy. Có thể đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) để tra theo list tên tranh của tác giả được lưu tại đây.
Theo bà Ngân, mỗi tên tranh có một hồ sơ lưu liên quan đến các con số cụ thể và mã của tác giả lưu ở Bảo tàng. “Cho nên sách của chúng tôi khi in thì ăn khớp với nội dung bên Bảo tàng Mỹ thuật lưu, chứ không phải cắt chỗ nọ, cắt chỗ kia. Lúc đầu, người trình bày bên Nhà xuất bản Mỹ thuật chép nguyên slogan của bức tranh, nhưng khi đọc bông thì bên Bảo tàng Mỹ thuật đính chính lại là phải trung thành với cái tên của tác giả”.
Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Mỹ thuật nói thêm: “Khát vọng hòa bình - sưu tập chọn lọc tranh cổ động là cuốn sách đầu tiên, nhà xuất bản sẽ còn phát hành những cuốn sách tiếp theo".

Tiếp thu và sửa chữa khi tái bản

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết những góp ý của ông Nguyễn Quang Việt là có cơ sở phần nào. Đơn vị này xin tiếp thu và sẽ sửa chữa ở một số điểm khi tái bản cuốn sách này. Vị đại diện của Bảo tàng chia sẻ, cuốn sách Khát vọng hòa bình - sưu tập chọn lọc tranh cổ động được in 300 cuốn để làm quà tặng và cho đến nay sách tặng đã gần hết.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.