CGV bị tố chèn ép phim Việt

Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia thương mại, luật sư cho rằng hành vi nâng tỷ lệ ăn chia của chủ hệ thống rạp CGV là cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm luật Cạnh tranh của VN.

Câu chuyện “đả nữ” Ngô Thanh Vân (đạo diễn, nhà sản xuất) bật khóc trong buổi họp báo ra mắt bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể khi phim phải rút ra khỏi hệ thống 34 rạp (chiếm 40% thị phần) của CGV (Hàn Quốc) là “giọt nước tràn ly”. Lý do, nhà sản xuất và nhà phát hành phim không thống nhất được tỷ lệ ăn chia doanh thu. Cụ thể, trong khi nhà sản xuất đề nghị tỷ lệ ăn chia với chủ rạp theo thông lệ là 50/50 như tại các rạp khác thì CGV đòi hưởng tỷ lệ cao, lên tới 55%.
Đòi chia phần hơn
Thực tế, CGV đã có tiền lệ đòi chia tỷ lệ cao, từng bị nhiều doanh nghiệp (DN) “tố” vì hành vi cạnh tranh bất bình đẳng này. Như hồi tháng 5 vừa qua, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và VAA đã có đơn khiếu nại gửi đến Cục Điện ảnh, Cục Quản lý cạnh tranh... khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu bán vé và hình thức chiếu phim ở rạp. Trong đơn, các DN này nêu CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý. Cụ thể, phim VN do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác thì đơn vị này hưởng tỷ lệ 55%. Ngược lại, phim VN do các DN trong nước phát hành tại hệ thống rạp CGV thì CGV cũng hưởng tỷ lệ 55%, cao hơn nhiều mặt bằng chung mà các cụm rạp khác trong nước đưa ra.
Nhà sản xuất MV Thái Bá Dũng cho biết: “Thường thì doanh thu giữa chủ rạp và nhà sản xuất phim là 50 - 50, trong khi CGV gây sức ép cho Tấm Cám - Chuyện chưa kể với tỷ lệ 55 - 60 - 65 - 70/100 cho tuần 1, tuần 2, tuần 3, tuần 4 tính từ khi phát hành. Trong khi nhà sản xuất phim chỉ mong nhận được 50 - 50”. Ca sĩ Thủy Tiên, nhà sản xuất phim Vợ ơi em ở đâu than thở: “Tỷ lệ ăn chia 55 - 45 đối với phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể là đã được ưu ái, chứ như phim của tôi, CGV đòi lấy tỷ lệ cao hơn mức 55% nhiều nên cuối cùng phim đã không được chiếu ở hệ thống rạp CGV”.
Tỷ lệ 55% mà CGV đang áp dụng với phim Việt không chỉ cao so với các hệ thống rạp trong nước mà còn cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Brandon Cordy, nhà làm phim hoạt hình Mỹ, cho biết chủ rạp phim tại Mỹ thường được nhận từ 40 - 50% doanh thu phòng vé đối với phim nội địa. Còn theo nhà biên kịch - phê bình phim Mark Hughes (Mỹ), phần lớn nhà sản xuất phim được nhận 50% doanh thu phòng vé nội địa và khoảng từ 30 - 40% doanh thu từ rạp phim nước ngoài.
Trở lại với trường hợp của CGV, đại diện một nhà sản xuất và kinh doanh phim tại VN chua chát thú nhận, nhiều DN phải chấp nhận sự ép tỷ lệ ăn chia này bởi không còn sự lựa chọn nào khác. “Số lượng rạp của CGV quá áp đảo và nếu không đồng ý mức ăn chia này thì không vào được hệ thống rạp này thôi”.
Ngô Thanh Vân bật khóc tại cuộc họp báo Ảnh: P.C.T
Gây thiệt hại cho khách hàng
Đáng nói là trong khi các nhà sản xuất và phát hành phim Việt bức xúc, chịu ấm ức thì các cơ quan chức năng khá dửng dưng. Trả lời đơn khiếu nại của 8 DN nói trên, đầu tháng 6 vừa qua, đại diện Cục Điện ảnh nói không có chức năng giải quyết khiếu nại. Còn Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) có Công văn 615 cho rằng việc khiếu nại cạnh tranh chưa đúng thủ tục, chưa rõ ràng và chưa có bằng chứng… Với trường hợp phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh “chưa có ý kiến gì”.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Công ty luật Hồng Long, khẳng định hành vi của chủ cụm rạp CGV là cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho khách hàng. Cụ thể, theo điều 11, luật Cạnh tranh 2004, DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Hiện CGV đang nắm giữ hơn 40% thị phần, là đã ở vị trí thống lĩnh của thị trường chiếu phim. Với vị trí này, điều khoản CGV đưa ra nhằm buộc nhà sản xuất phim phải chấp nhận tỷ lệ cao hơn mức ăn chia trung bình được coi là hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nhằm hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ… gây thiệt hại cho khách hàng”. Hơn nữa, theo Nghị định 116 hướng dẫn luật Cạnh tranh, hành vi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ được coi là bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng nếu nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ không tăng đột biến…
Luật sư Châu Huy Quang, Hãng luật RAJAH & TANN LCT, phân tích: “Nếu tỷ lệ ăn chia lợi nhuận thông thường đối với các bộ phim được công chiếu tại các hệ thống rạp khác thấp hơn, chẳng hạn thông thường hệ thống rạp hưởng 45%, thì việc CGV áp đặt một tỷ lệ cao đột biến CGV 55% có thể có dấu hiệu của hành vi “Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh”. Theo quy định hiện hành, Cục Quản lý cạnh tranh có thẩm quyền điều tra các hành vi hạn chế cạnh tranh. Việc khởi xướng điều tra một vụ việc cạnh tranh được thực hiện trên cơ sở khiếu nại của tổ chức hay cá nhân, thường là bên bị thiệt hại, hoặc cũng có thể do cục này chủ động tiến hành. Nếu xác định CGV có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, CGV phải chịu các chế tài theo quy định”.
CGV nói “không có phân biệt đối xử”
Liên quan chuyện 8 nhà sản xuất khiếu nại hồi tháng 5, bà Lưu Hạnh, đại diện truyền thông của Công ty CJ CGV VN, nêu ý kiến: “CGV hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bất kỳ công ty phát hành nào. Đơn vị chiếu phim có số lượng rạp và phòng chiếu cao hơn, giá vé cao hơn sẽ mang về lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất mặc dù tỷ lệ phân chia có thể chênh lệch 5 - 10%”.
Về việc phát hành phim Tấm Cám - chuyện chưa kể, phía CGV cho rằng đã nhiều lần trao đổi với BHD (đơn vị phát hành phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể - PV) , đề nghị xem xét điều chỉnh tỷ lệ ăn chia cho phù hợp. “Tuy nhiên, BHD đã chính thức từ chối cung cấp phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể cho hệ thống rạp CGV vì không đạt được thỏa thuận kinh doanh như BHD yêu cầu”, thông cáo của CGV viết.
Cần có quy định về ưu tiên phát hành phim trong nước
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong xem xét duyệt dự án đầu tư, nguyên tắc thường được đặt ra đối với nhà quản lý là đặt ưu tiên DN, nhà sản xuất, người tiêu dùng trong nước trước. Chẳng hạn, đầu tư vào bán lẻ, nhà đầu tư ngoại phải cam kết phân phối bao nhiêu phần trăm lượng hàng nội địa, hoặc sản xuất gia công phải sử dụng lao động trong nước thế nào, bao nhiêu phần trăm nội địa hóa... Với điện ảnh cũng vậy, ưu tiên phát hành phim của các nhà làm phim trong nước cũng nên đặt ra ở đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.