'Chạm tay vào hạnh phúc' - ai cũng cần một niềm âu yếm nhỏ

11/12/2017 17:44 GMT+7

Việc bạn yêu thương và bị cuốn hút bởi cuốn sách này cũng giống như đột nhiên muốn nghe và thấy ứa nước mắt trước những bài hát cũ của Richard Marx.

Có những lúc tự nhiên như vậy, sự thành thật đến từ câu chữ, ý tứ, từ cảm xúc hơn là cốt truyện… khiến bạn lay động, giúp bạn nới lỏng bản thân và thành thật với chính mình, rằng u sầu là điều không tránh khỏi, rằng ai cũng từng có cái hố của riêng mình và phải gắng gượng ngoi lên bề mặt, rằng cứ đi, cứ tin, cứ yêu và thả lỏng đôi chút hoặc nhiều chút để được hàn gắn và hồi sinh, bởi "có những lúc cần nới lỏng dây cương để nỗi buồn phi nước đại", Agnes Ledig viết.
Bìa sách Chạm tay vào hạnh phúc của Agnes Ledig
Đọc Chạm tay vào hạnh phúc của Agnes Ledig, bạn phải thực sự kiên nhẫn. Bởi phần đầu của câu chuyện dễ khiến người đọc lầm tưởng với những cuốn truyện cổ tích kẹo ngọt. Julie, người mẹ đơn thân nghèo đang phải vật lộn với công việc thu ngân, được một ông khách già giàu có để mắt tới, mời cô và con trai ba tuổi cùng tham gia một kỳ nghỉ hè. Và cuộc đời cô thay đổi mãi mãi sau cái gật đầu đồng ý đó.
Một đặc điểm của nỗi u sầu là dễ khiến bạn hay nghi ngờ. Người đọc mở đầu câu chuyện với nỗi u sầu của Julie và cảm thấy nghi ngờ với những gì mình đang đọc. Cũng giống như Julie nghi ngờ mục đích của ông già Paul giàu có quyết định chóng vánh đưa cô đến với kỳ nghỉ ba tuần ở biển. Ông già cần gì ở cô gái trẻ sau khi vợ bỏ đi? Và thưa Agnes, chị định thiết đãi độc giả chuyện gì khi lọ lem gặp hoàng tử quá sớm? Nhưng rồi câu chuyện dần dần được mở ra theo hướng không ngờ khi các nhân vật xuất hiện với quá khứ khổ đau và thực tại ngổn ngang, họ là Jerome đang chìm sâu trong nỗi đau mất vợ, là Caroline vụng về và thiếu tự tin, là Romain đơn độc, là Manon vui tươi nhưng vô hướng, là chính Paul luôn dằn vặt về cuộc hôn nhân 30 năm lạnh lẽo… Đám đông mà Agnes tạo nên là một tập hợp của những con người bị tổn thương, thu mình lại trong vạn vạn lớp vỏ hoặc quẩn quanh trong cái hố của chính mình mà chưa ý thức, hoặc ý thức nhưng bất lực về cách vượt thoát. Cho đến khi họ gặp nhau, được kết nối bằng niềm âu yếm, tình yêu và cả những nỗi đau mới toác miệng. Giống như cách nói của Julie, họ là những mảnh lego rời rạc, cố gắng cố kết và bám trụ, người yếu nhất dựa vào người mạnh nhất, và người mỏng manh nhất đôi khi lại là liều thuốc liền sẹo cho người ngỡ là rắn rỏi nhất.
Sự mộc mạc của người phụ nữ nghiệp dư tập viết văn từ năm 2005, bằng thiên khiếu, tính nữ và cả những nỗi đau thực sự từ cuộc sống riêng đã giúp Agnes Ledig gọi tên được một điều vô hình trong cuốn sách của mình: Niềm âu yếm. Đó không hẳn là tình yêu, càng không phải là tình dục, niềm âu yếm là ngọn lửa nhỏ sưởi ấm và đánh thức khao khát được kết nối trong mỗi con người. Niềm âu yếm khiến các nhân vật, và cả người đọc nhận ra rằng vẫn có những điều dịu dàng đợi chờ mình ngoài kia, dù bên trong lớp vỏ này chất đầy những cay đắng. Đó là cái nắm tay và nụ cười bất ngờ Lulu dành cho Jerome, là cử chỉ Romain không nỡ gập lá thư dày nặng tình yêu thương của Julie bỏ vào túi mà khe khẽ để lên bàn, và đặc biệt là đêm đầy sao khi Jerome ôm Julie say ngủ giữa dập dềnh sóng biển. Bạn cần dụi đầu thật sâu vào lồng ngực ai đó, bạn cần một bàn tay ấm nóng chạm nhẹ và sưởi ấm làn da, hay khóc thành thật và không kìm nén để thoát khỏi khổ đau và bắt đầu chạm vào hạnh phúc… Đó là niềm âu yếm riêng mà Agnes Ledig gửi đến cho những người đọc kiên nhẫn của mình. Một cuốn sách tuyệt vời cho những kỳ nghỉ dài trước mắt.

tin liên quan

Nhà văn viết sách 'trả nợ' cho nhân vật
Người Sài Gòn bất đắc dĩ (NXB Trẻ), tuyển tập tác phẩm của Võ Đắc Danh, có thể nói là công trình cả một đời viết của nhà báo - nhà văn “sinh ra và lớn lên ở miền đất tận cùng của Tổ quốc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.