Chàng trai 9X 'giữ hồn' văn hóa Tây nguyên

04/09/2018 15:10 GMT+7

Nhiều người gọi Y Lâm Đăng Bing là chàng 'Đam San' thời hiện đại. Anh cũng chính là đạo diễn, biên kịch, quay phim cho MV Thanh niên không tiền 'gây bão' trên mạng gần đây.

Có dịp trò chuyện với chàng trai 9X người dân tộc M’Nông này mới hiểu hết niềm đam mê và một khao khát cháy bỏng đó là làm phim về văn hóa Tây nguyên như một cách để “giữ hồn” nguồn cội.
Ước mơ làm phim từ những câu chuyện ở buôn làng
Ngay từ nhỏ cậu bé sinh ra và lớn lên bên hồ Lắk (Đắk LắK) đã được “tìm về” với thuở xưa của người Tây nguyên bằng những câu chuyện cổ tích, sử thi về các anh hùng được truyền miệng từ các bô lão lớn tuổi trong làng vào những đêm trăng. “Cứ khoảng 7 giờ tối là bọn nhỏ chúng tôi lại tập trung nghe họ kể chuyện. Nghe đến đâu tôi về nhà vẽ lại đến đó. Nhưng cái cảm giác họ kể vẫn chưa tới và tôi lại viết tiếp câu chuyện của họ bằng trí tưởng tượng của mình. Và một mong muốn cháy bỏng khi tôi học phổ thông là làm phim về những điều đã nghe thấy…”, Đăng Bing nói.
Nhà làm phim trẻ Y Lâm Đăng Bing Ảnh: NVCC
Ước mơ ấy cứ nhen nhóm trong đầu của chàng trai 9X mãi những năm học cấp 3 bởi Y Lâm Đăng Bing cho rằng sử thi, huyền thoại và văn hóa của người Tây nguyên là một kho tàng vô giá và đồ sộ mà rất ít người khai thác. Có chăng chỉ là những thước phim tài liệu rất ngắn khiến bản thân anh cảm giác không thỏa mãn và rất tò mò. Để “chữa cháy” niềm đam mê ấy của mình ngay lúc còn là học sinh trung học phổ thông, anh đã tự tập tành làm phim, viết kịch bản, nhờ những trẻ con, người dân của buôn làng làm diễn viên, quay bằng điện thoại để dựng thành những đoạn phim ngắn như một “trò chơi” đầy tính sáng tạo và “giải khát” cho chính mình.
Dù có niềm đam mê và mong muốn thi vào khoa Đạo diễn của Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM của Y Lâm Đăng Bing đã không thành hiện thực sau khi tốt nghiệp cấp 3. “Bố tôi đã xé ngay tờ đơn thi và nộp hồ sơ cho tôi thi vào khoa Quản lý đất đai của Trường đại học Tây nguyên. Đây cũng là ngành mà bố tôi lúc ấy đang làm bởi trong tư tưởng của ông lúc đó đạo diễn là một nghề “không chốn dung thân” ở nơi tôi đang sống. Lúc đó tôi vẫn chọn theo nguyện vọng của bố và trớ trêu là vẫn thi đậu”, Đăng Bing chia sẻ.
Nhưng dường như có một lối rẽ kiểu “nghề chọn người” tiếp thêm ước mơ của chàng trai M’Nông khi vào năm thứ 4 đại học, Bộ Tài nguyên Môi trường phát động cuộc thi Tôi yêu nước sạch. Chàng “Đam San” ấy vượt qua vòng 1 với hơn 100 đội thi, có mặt ở vòng 2 với 5 đội đều là đạo diễn có nghề, những nhà làm phim chuyên nghiệp với máy móc hiện đại để giành giải nhất. “Thực sự tôi đăng ký thi lúc đó chỉ mong muốn góp một chút ý tưởng cho việc bảo vệ nước. Một mình tôi “ôm” trọn nhiều vai trò cho thước phim ngắn 2 phút đó chỉ với máy quay từ máy ảnh du lịch. Tôi thắng họ chỉ vì ý tưởng thôi. Nhưng từ đó tiếp cho tôi thêm khao khát làm phim vốn chưa hề tắt trong ý nghĩ ”.
Đăng Bing quan niệm muốn trở thành một nhà làm phim - đạo diễn khai thác "chất liệu" từ văn hóa dân tộc Tây nguyên... Ảnh: NVCC
... thì phải nghiên cứu văn hóa Ảnh: NVCC
Giữ gìn văn hóa Tây nguyên bằng phim… trên Youtube
Dạo ''một vòng'' trang Facebook của Y Lâm Đăng Bing sẽ xem được rất nhiều đoạn phim ngắn, MV đầy tính sáng tạo của chàng trai trẻ. Và hơn cả là câu chuyện, đời sống, phong tục văn hóa của người Tây nguyên được “giữ lửa” trong các thước phim ấy từ cách làm cối giã, dệt chiếu, tạc tượng… Tất cả đã được Đăng Bing “ghi” lại một cách sống động. Anh đã dùng mạng xã hội để truyền cảm hứng, giúp mọi người tiếp cận, giữ hồn văn hóa dân tộc Tây nguyên.
Theo Đăng Bing để trở thành một đạo diễn, nhà làm phim về Tây nguyên thì đam mê thôi không đủ nên chàng trai đã bỏ ra 3 năm để đi tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa của các dân tộc. “Nói chính xác là tôi đã có 2 năm xuống Sài Gòn học làm phim, bỏ ngang chuyện học. Tôi theo các đoàn phim rong ruổi, làm đủ các khâu như sắp máy quay, ánh sáng, đẩy xe trong đoàn… Tôi muốn tìm hiểu áp lực, khó khăn của người làm phim. Từ đây tôi có thêm các mối quan hệ trong giới showbiz và cũng nhận ra nhiều điều khiến mình nản. Vậy là tôi lại “khăn gói về quê” để tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình bằng nghiên cứu văn hóa”, Đăng Bing nói.
Có những khoảng thời gian chàng trai ấy “theo chân” những người trong buôn làng đi làm rẫy, đi rừng… để tìm hiểu sâu xa cội nguồn bằng chính những gì mắt thấy tai nghe. “Tôi đến tận nơi để gặp các nghệ nhân làm ra cây đàn Chapi, nghe họ kể những “truyền thuyết” về nó, gặp những người dân tộc chơi loại đàn này. Tìm hiểu văn hóa là một quá trình, ghi nhận từ nhiều nguồn để có thể chọn lọc chính xác thông tin cuối cùng”.
Chàng trai trẻ cứ đau đáu về một nền văn hóa Tây nguyên sẽ dần mất đi nếu không được bảo tồn Ảnh: NVCC
Đi nhiều, nhìn và quan sát, chàng trai trẻ cứ đau đáu về một nền văn hóa Tây nguyên sẽ dần mất đi nếu không được bảo tồn. “Nhiều người trẻ không biết đánh cồng chiêng… Họ không quan tâm ông bà mình có những gì cần lưu giữ. Vậy 100 năm sau nữa ai sẽ là người giữ lửa”, Đăng Bing trăn trở.
Đến nay Y Lâm Đăng Bing đã có trong tay “bộ sưu tập” hơn 50 phim ngắn, MV về văn hóa dân tộc Tây nguyên. Và chàng trai M’Nông cho biết đây như một quá trình “chạy thử” để anh chuẩn bị cho mình một dự án chỉnh chu hơn. “Tôi sẽ ra mắt dự án phim làm từ “chất liệu” về người Tây nguyên có chiều sâu, nhân văn và cũng sẽ chuẩn quốc tế về yếu tố điện ảnh”.
Nếu xem kỹ những MV đăng trên trang cá nhân sẽ thấy Đăng Bing luôn lồng ghép yếu tố hài vào nội dung phim dù diễn viên, cảnh quay đều là “cây nhà lá vườn” ở Tây nguyên. “Thật ra mọi thứ tôi đang làm đều phải tự mình lo tài chính. Dù “chất liệu” làm phim của tôi luôn đặt nền tảng văn hóa Tây nguyên lên hàng đầu thì cũng phải tính đến “thương mại hóa” - thu được tiền để tôi “nuôi” những đam mê ấy. Mà khán giả Việt Nam đang rất thích xem phim hài. Nên tôi cũng phải cân nhắc, tất nhiên sẽ xem xét mức độ vừa phải để có thể dung hòa mọi thứ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.