Nhưng theo thời gian, khi bươn chải giữa dòng đời, con người ta dần trở nên thực dụng, những cảm xúc văn chương cứ rơi rụng dần. Nhưng may mắn hơn nhiều bạn bè, Lê Công Sơn không “rụng cảm xúc” giữa dòng đời khắc nghiệt. Bằng một cách nào đó, anh vẫn ủ lửa trong tim, xoay trở che chắn giông gió từ nhiều phía, để giữ mình không bị nguội lạnh. Và, đến hôm nay, anh bất ngờ cho ra mắt tập sách đầu tay: Răng mà thương mà nhớ (do Saigon Books & NXB Hội Nhà văn ấn hành, 9.2018).
Răng mà thương mà nhớ được cấu trúc làm ba phần chính: nếu như những truyện ngắn được viết trong giai đoạn sinh viên đầy lãng mạn, thì phần thơ và tạp bút luôn tươi mới, nồng nàn cảm xúc. Trong ba phần đó, tôi thích tạp bút hơn cả. Dường như khi viết tạp bút Lê Công Sơn được là chính mình nhất. Những câu chuyện rất thật với những cảm xúc thật khiến người đọc bị cuốn theo. Lê Công Sơn kể chuyện về quê mùa mưa đi thả lờ, kể chuyện về quê làm đường cùng bà con và vào quán cà phê nhà quê để được sống lại cảm xúc ấu thơ: “Hồi đó không có tiền, mỗi lần đi ké xuống chợ, má hay cho vào hàng ngồi… ăn chè chờ má đi mua đồ ăn. Khoái lắm. Bây giờ, hàng quán vẫn vậy, chỉ khác là ngôi chợ được sửa sang, bề thế hơn, còn cô gái bán chè lúng liếng ngày xưa bây giờ thì trở thành… đàn bà từ hồi nào rồi không biết. Ngồi ở quán cà phê Huỳnh Trang bỗng thấy thêm yêu thương cái bản chất lù khù, chân thật của người nhà quê Quế Sơn quá. Thèm ăn ly chè ở chợ ồn ào, thèm nâng niu bàn tay búp măng bầm dập bùn đất của em gái quê nhà, dẫu đường đời đầy xô ngã gập ghềnh…”.
Vùng quê cằn Quế Sơn, Quảng Nam ấy, đối với Lê Công Sơn là một miền đất ruột thịt, là vương quốc của những cung bậc cảm xúc. Càng đi xa, anh càng quay quắt trở về. Trở về để tìm lại ấu thơ mình. Trở về để nuôi nấng tình yêu của mình.
Tất cả những chuyện ấy, Lê Công Sơn trút hết vào trong cuốn sách này, như một kiểu “tự thú” hay là những tâm sự mộc mạc, chân thành. Tôi thích chất mộc mạc trong văn của anh, đồng thời cũng khoái sự hài hước trong cách nhìn đời. Nói một cách nào đó, Lê Công Sơn không phải là người nắn nót “làm văn”, mà chính cuộc đời anh dệt thành những trang văn đẹp mà anh nguyện dành cho quê hương, vợ con, bạn hữu và những người ruột thịt.
Lê Công Sơn đã sống thật hào phóng với cuộc đời, nhưng lại vô cùng chắt chiu cảm xúc để hòa điệu cùng độc giả trong Răng mà thương mà nhớ bằng những ngôn từ mộc mạc, chân thành: Đưa tay vuốt vội mái đầu/Nhặt thời gian… sợi tóc sâu, giật mình.
Bình luận (0)