Trong đoạn phóng sự phát trên CNN, những hình ảnh lộng lẫy của chương trình Tứ phủ do đạo diễn Việt Tú sản xuất được giới thiệu rất rõ ràng. Trong đó, CNN cho biết đây là vở diễn đặc sắc lấy cảm hứng từ di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - nghi lễ thờ Mẫu của người Việt. “Đó là một gợi ý cho du khách khi đến Hà Nội - xem vở diễn liên quan đến di sản UNESCO công nhận. Điều này cho thấy danh hiệu di sản tầm quốc tế là rất quan trọng trong việc quảng bá văn hóa dân tộc, và các nhà sản xuất sản phẩm du lịch, các nghệ sĩ cần nhanh nhạy nắm bắt để không bỏ phí cơ hội quảng bá tuyệt vời. Hiện tại sau hơn 400 buổi diễn liên tiếp, Tứ phủ nằm trong top 3 show diễn văn hóa phải xem khi đến Hà Nội”, ông Việt Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho rằng di sản phi vật thể UNESCO công nhận được chuyển hóa thành sản phẩm du lịch chưa nhiều và cũng chưa được như Tứ phủ đã làm. “Thực ra, các di sản phi vật thể UNESCO công nhận cũng có tham gia du lịch. Nhưng để chúng nổi đình nổi đám thì chưa, vì kết hợp giữa du lịch và văn hóa chưa tốt. Bên du lịch người ta cũng có biết đến di sản kỹ càng đâu để mà giới thiệu cho khách. Và nếu cả hai bên đều làm trên tinh thần muốn có lợi nhuận ngay thì rất khó”, ông Loan nói.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết hiện Hà Nội cũng chưa thể hỗ trợ một điểm biểu diễn ca trù thường kỳ nào để các nghệ nhân có thể giới thiệu nghệ thuật này đều đặn. Trong khi đó, hát xoan, theo ông Loan, tuy đã khôi phục được trong dân, nhưng vẫn chưa có một sản phẩm du lịch nào gắn bó cùng. Quan họ và ví giặm cũng không khá hơn.
Ghép trong “chùm” sản phẩm du lịch
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết hiện tại nhã nhạc cung đình Huế vẫn được biểu diễn hằng ngày ở Duyệt thị đường, bán vé đều. Nhã nhạc cũng được phối hợp biểu diễn tại các dạ tiệc hoàng cung về đêm như một hình thức dịch vụ. Trung tâm của ông Hải cũng tổ chức biểu diễn phi lợi nhuận cả tiểu nhạc và đại nhạc tại sân điện Thái Hòa và Thế Miếu. “Ngày nào cũng có suất diễn phi lợi nhuận. Cái này đã được tính toán trong vé tham quan rồi. Chúng tôi cũng bù tiền cho nghệ sĩ, vì các hoạt động phi vật thể thì khó hạch toán kinh doanh lắm”, ông Hải nói.
Cũng theo vị ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia này, trên thế giới khó có nước nào sử dụng di sản phi vật thể để kinh doanh dịch vụ mà sống được. “Các nước phát triển quan niệm di sản văn hóa truyền thống có giá trị cao hơn rất nhiều so với giá trị hiện tại có thể nhìn thấy, vì nó là kết tinh của cả dân tộc. Họ xác định trách nhiệm của hiện tại là gìn giữ di sản đó cho tương lai. Vì thế, họ vẫn chuyển tải nó thành sản phẩm du lịch để giới thiệu, nhưng để tôn trọng văn hóa thì họ hạn chế tối đa việc thương mại hóa. Vì như thế sẽ dễ dẫn đến rẻ rúng hóa”, TS Hải phân tích.
Cần đưa di sản phi vật thể vào trong gói sản phẩm du lịch nói chung để di sản sống cũng là ý kiến của ông Loan. Ông cũng cho biết: “Phú Thọ đã làm một trung tâm du lịch về hát xoan, có thể thu hút khách nhưng khách lại chỉ đến đền Hùng rồi về. Cái đó không phải khuyết điểm của khách đâu mà là khuyết điểm của tổ chức tour. Thí dụ như hát xoan đưa lên đền Hùng thì sẽ hút khách hơn”.
Trong việc phát triển sản phẩm du lịch này, điều quan trọng, theo các nhà nghiên cứu, là cần tạo dựng không gian phù hợp cho di sản. Chẳng hạn, biểu diễn cồng chiêng Tây nguyên không thể ngoài đường ngoài chợ. Quan họ cũng nên được tổ chức ở các địa điểm thích hợp. “Nếu di sản không được đặt đúng môi trường của nó thì cũng rất dễ bị rẻ rúng. Nên trước đây cũng có đề nghị mang nhã nhạc đi diễn ở sân bay, cảng tàu khách, chúng tôi thấy không phù hợp nên từ chối”, ông Hải nói.
VN hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nhã nhạc - âm nhạc cung đình triều Nguyễn (2003), không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên (2005), dân ca quan họ Bắc Ninh (2009), hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (2010), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2013), dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), nghi lễ và trò chơi kéo co (2015), thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016) và nghệ thuật Bài chòi Trung bộ (2017). VN cũng có di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là: ca trù (2009), hát xoan Phú Thọ (2011). Riêng hát xoan đã được đưa ra khỏi tình trạng khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2017
|
Bình luận (0)