Chiếc vé cải lương giá 2 triệu đồng

Tố Tâm
Tố Tâm
08/10/2019 16:31 GMT+7

Cải lương đang bị cho là “chết lâm sàng”, cần giải cứu, nên trong mắt nhiều người, cải lương có vẻ thật đáng thương. Vậy vì sao một chiếc vé cải lương vẫn bán được với giá 2 triệu đồng?

Live show Thánh đường sân khấu của NSƯT Kim Tử Long có giá vé hàng VIP tới 2 triệu đồng và hạng vé này đã hết 10 ngày trước khi chương trình diễn ra tại Hà Nội vào 12.10. Vở Đam mê và quyền lực vừa công diễn, vé hạng VIP cũng có giá 1 triệu đồng. Còn chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, hạng vé cao nhất cũng ở mức 800.000 đồng.

Những con số này nói lên điều gì?

Đó là cải lương vẫn bán được vé, thậm chí với giá cao. Khán giả vẫn có thể móc hầu bao trả một giá vé cao cho cải lương, cho thấy họ rất trân trọng và hiểu công sức của người nghệ sĩ, của nhà sản xuất. Ở chiều ngược lại, người làm nghề cũng cảm thấy rất cảm kích với sự trân trọng đó của khán giả dành cho mình, khiến họ tự cảm thấy cần phải hết lòng hết sức với sân khấu nhiều hơn nữa để đáp lại tấm thịnh tình đó.

2 triệu đồng là một giá vé cao, nhưng không phải như thế mà cho rằng người làm cải lương giàu. Không phải vậy, vì cải lương còn nhiều khó khăn lắm!

Bởi lẽ, trong hầu hết các chương trình, vở diễn, nếu bán hết vé (bao gồm nhiều hạng vé) thì thường chỉ đủ hòa vốn, khó thể có lời vì để đưa được một vở cải lương ra mắt khán giả, cần rất nhiều khoản đầu tư cho nhà hát, thiết kế sân khấu, phục trang, cát-sê… Trong khi các vở thường chỉ diễn 1-2 suất. Bởi vậy, hoạt động của các sân khấu cải lương xã hội hóa hiện nay, hầu hết vẫn sáng đèn với tấm lòng yêu nghề của nghệ sĩ là chính.

Chương trình 'Cải lương - Trăm năm nguồn cội' vẫn thu hút khán giả mua vé xem

ẢNH: TỐ TÂM

Thế nên chuyện Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, với sự hỗ trợ kinh phí của UBND và Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, mở cửa miễn phí, “xả giàn” 2 lần mỗi tháng đã dấy lên nhiều tranh luận và cả những tâm tư của chính người trong nghề. 

Họ buồn!

Buồn vì bỗng dưng cải lương trở thành món hàng "tặng không biếu không", trong khi vẫn có khán giả đến với mình qua những chiếc vé, cho dù giá thấp hay cao. Buồn vì công sức của những người làm nghề dường như không còn được trân trọng khi xếp vào hàng miễn phí.

Lý giải cho chuyện miễn phí này là để tạo thói quen khán giả đi xem cải lương khó thuyết phục khi vấn đề không nằm ở chỗ giá vé thấp hay cao, hay cần miễn phí thì người ta mới đi xem cải lương. Vì sao có những chương trình bán giá vé cao mà khán giả vẫn tìm đến? Những sân khấu như Chí Linh - Vân Hà, Huỳnh Long, Kim Ngân… có những suất diễn họ thuê rạp cũng ngay tại Nhà hát Trần Hữu Trang, có miễn phí đâu mà khán giả vẫn đến kín rạp, kê cả mấy hàng ghế súp?

Vậy điều gì khiến những đoàn thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang khó bán được vé, trong khi đoàn khác đến thuê rạp lại đông kín? Điều gì khiến họ khó bán được vé trong khi những sân khấu xã hội hóa vẫn đang sống bằng chính những chiếc vé?

Đó chính là điều mà lãnh đạo nhà hát cần suy nghĩ và tìm giải pháp hiệu quả, chứ không thể cậy mãi vào sự hỗ trợ của nhà nước để kéo khán giả đến xem cải lương bằng cách “xả giàn”.  Và Nhà hát Trần Hữu Trang cũng cần hiểu rõ hơn mình đang gặp khó ở đâu để sử dụng nguồn kinh phí mà nhà nước đã ưu ái hỗ trợ cho mình hiệu quả nhất.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.