Chờ cú bật của nhạc kịch

Tố Tâm
Tố Tâm
15/04/2018 06:21 GMT+7

Vở Tiên Nga đang ăn khách, nhóm Buffalo đã khẳng định tên tuổi về nhạc kịch, các dự án đầy nhiệt huyết của đạo diễn trẻ... Những điều ấy cho thấy nhạc kịch hy vọng sẽ có một cú bật mạnh mẽ trong thời gian tới.

Niềm tin vào những đạo diễn trẻ
Đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy (trưởng nhóm nhạc kịch Buffalo) chia sẻ: “Trong lần tham gia khóa học ở Thái Lan về nhạc kịch, Duy thấy diễn viên của mình không thua kém các bạn ở Đông Nam Á, chỉ thua họ về điều kiện. Tuy nhiên, không phải thiếu điều kiện thì chúng ta không làm nhạc kịch được, vẫn có thể làm theo cách của mình”.
Duy đã có một Chicago phiên bản Việt để tốt nghiệp thủ khoa Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh (TP.HCM) cách đây nhiều năm. Đây là vở nhạc kịch mà đạo diễn Trần Đăng Nhân khi nhắc lại phải tấm tắc: “Bài tốt nghiệp của Khắc Duy khi ấy đã rung động trái tim tôi. Tôi và Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM), ngồi với nhau và nói rằng phải chi mình có tiền để… hốt hết nhóm này về, đầu tư để các bạn được thoải mái sáng tạo”.
Nhiều kịch bản để làm nhạc kịch hay
Đạo diễn Trần Văn Hưng khẳng định: “Nguồn kịch bản trong nước có rất nhiều đề tài có thể làm nhạc kịch hay như Trọng Thủy - Mỵ Châu, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga... Câu chuyện có thể đơn giản nhưng phần nhạc phải hay. Và cái khó là trong phong cách dàn dựng phải tạo nên sự hấp dẫn, khán giả xem kịch không chỉ nghe mà còn thích xem múa, nghe hát”.

Buffalo đến nay đã gây dấu ấn với nhiều vở nhạc kịch thuần Việt thu hút khán giả như Tuyết đỏ, Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám…(trong đó, Khắc Duy là tác giả và đạo diễn của các vở). Duy và nhóm Buffalo cũng đang chuẩn bị cho một vở nhạc kịch thuần Việt mới là Thủy Tinh - Đứa con thứ 101, dự kiến ra mắt vào tháng 7.
Cũng giống như Duy, đạo diễn trẻ Trần Minh Tuấn cách đây 7 tháng đã tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh (TP.HCM) với vở nhạc kịch hoành tráng Những người khốn khổ phiên bản Việt dài 5 tiếng. Vở nhạc kịch mà Tuấn tự hào vì: “Có dàn nhạc giao hưởng đều live với 16 nhạc cụ, diễn viên cũng hát live. Dù vẫn có những thiếu sót, sơ suất nhưng điều để lại là mình đã dám làm, vượt qua chính bản thân mình để tìm đến kết quả cuối cùng”.
Bill Nguyễn, một đạo diễn nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện, cũng chia sẻ một số dự án nhạc kịch mà anh hy vọng có thể thu hút khách du lịch nước ngoài khi đến TP.HCM. “Đó là kết hợp nhạc kịch với xiếc, loại hình nghệ thuật không mang nhiều ảnh hưởng của yếu tố ngôn ngữ để dễ tiếp cận với khán giả nước ngoài. Ngoài ra, tôi có ý tưởng làm một vở nhạc kịch VN nhưng hát bằng tiếng Anh, biểu diễn hằng đêm ở một sân khấu ngay trung tâm TP.HCM như Sen Hồng, nơi có nhiều du khách”.
Nhạc kịch hóa cải lương
“Xem nhạc kịch Tiên Nga, thấy một không khí cải lương tràn ngập. Vẫn trình thức đó, bộ tịch đó, hình thức quần áo đó và cả âm nhạc cũng vậy, nhạc sĩ Đức Trí phối lại những bài cải lương thành tiết tấu mới thì lại được nhiều bạn trẻ thích xem. Điều đó chứng tỏ rằng bản thân cải lương đi vào đời sống và len lỏi từ lâu nhưng có chỗ nó phù hợp và có chỗ nó chưa phù hợp, quan trọng là làm mới nó đúng cách. Tôi tâm đắc với ý tưởng làm nhạc kịch cải lương cho tốt, vì đó là loại hình nghệ thuật truyền thống của mình”, đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ.
Tiên Nga (hợp soạn: NSND Năm Châu - Nguyễn Thị Minh Ngọc - Nguyễn Hồng Dung; đạo diễn: Thành Lộc; âm nhạc: Đức Trí) là vở nhạc kịch có nội dung nói về câu chuyện Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga trong chuyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Vở diễn của Sân khấu kịch IDECAF này từ lúc ra mắt đến nay, các suất diễn vẫn luôn đắt khách, trong đó có khá đông khán giả trẻ. Đạo diễn Trần Đăng Nhân nói: “Thành công của Tiên Nga cho thấy khán giả bắt đầu có xu hướng chuyển thị hiếu thưởng thức nghệ thuật sân khấu. Tương lai hình thành nhạc kịch VN vừa hiện đại nhưng đồng thời gắn kết với nhạc dân tộc như thế nào là điều mà giới chuyên môn và cả công tác đào tạo phải lưu tâm ngay từ bây giờ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.