Chuyện đêm muộn ở sân bay - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền

13/11/2016 05:11 GMT+7

Em chào chị. Chắc chị không nhớ em đâu. Mười sáu năm rồi còn gì. Máy bay lại hoãn. Chán thật chị nhỉ? Chị có vội không, em thì không vội, bề gì khuya nay cũng về đến nhà, có sớm cũng lỡ cỡ chẳng làm được gì. Mình ra kia uống nước đi chị, em mời.

Chị ngại vì không biết em là ai hả? Thì cứ thư thả rồi em kể chuyện. Trông chị không khác xưa mấy. Vẫn vóc dáng thon thả ngày nào và đặc biệt giọng nói không thể quên được, lúc chị hỏi cô nhân viên ở quầy làm thủ tục, em liền quay lại và nhận ra chị ngay.
Chị uống gì? Ở đây không có nhiều lựa chọn mà giá lại đắt chị nhỉ. Chị nói đúng, những thứ mang vào bán nơi này phải chịu nhiều chi phí, rốt lại chỉ có người tiêu dùng là thiệt. Em bắt chước chị chọn ca cao nóng vậy. Em gọi thêm gói bánh nhé. Nhấm nháp tí bánh ngọt với ca cao nóng trong không gian lành lạnh vầy dễ chịu đó chị. À, mà chị ăn gì chưa? Lúc chiều vội quá em ăn qua loa, cứ nghĩ về nhà sớm sẽ ăn thêm, vậy mà giờ còn ngồi đây. Ôi, chín rưỡi tối rồi chứ ít ỏi gì. Lúc nãy họ thông báo mười một giờ mới bay phải không chị? Từ từ rồi em kể chị nghe. Sao mà chị cứ nôn muốn biết em là ai. Chị ăn bánh đi, bánh này ngon lắm. Em thích mùi quế, thoảng thôi nhưng ấm áp và nhẹ nhàng. Bánh không ngọt, vừa phải cho phụ nữ chúng mình ăn đêm mà không sợ mập chị ạ. Chị có phom người chuẩn không lo chứ em sợ lên cân lắm. Sao, chị mà cũng phải ăn kiêng à? Thôi, chị đừng để gầy, vầy là vừa rồi. Em thật, không bao giờ em quên được cái dáng chị cao, thanh mảnh, mái tóc dài trông thật dịu dàng đến nhà thăm chồng em những ngày tháng ấy. Gương mặt chị hiền hòa và thân thiện lắm. Thêm nữa, chính bởi cách sống tích cực và lạc quan, nói theo ngôn từ bây giờ là “rất chất” của chị đã kéo được chồng em khỏi những mặc cảm và hòa nhập với cộng đồng dù khi ấy bệnh anh đã chuyển qua giai đoạn không còn hy vọng gì nữa!
Đấy, chị nhận ra em rồi phải không? Vâng, chính xác là năm cuối cùng của thế kỷ. Trước đó, cuộc sống của chúng em tuy không khá giả nhưng cũng dễ chịu. Chị đến nhà em rồi, chị biết đấy. Cũng khang trang, sạch sẽ chị nhỉ. Đúng rồi đó chị, khi ấy chồng em chạy taxi. Chiếc xe do chị chồng em mua cho anh làm kế sinh nhai. Vâng, chị nhớ câu chuyện buồn của em rồi chứ gì. Bỗng nhiên chồng em sanh tính sa vào cờ bạc rồi bán xe, rồi theo đám thanh niên trong xóm chơi ma túy. Giai đoạn đó quả là địa ngục đối với em chị ơi. Em buôn bán có đồng nào bị anh ấy lấy sạch, giấu chỗ nào ảnh cũng tìm được, nhét tiền trong hốc tường, chặn cục gạch che lại mà ảnh cũng biết moi ra, tiền học cho con gái ảnh cũng không từ...
Chị hỏi con gái em hả? Cháu tuyệt vời lắm chị ơi. Chị nhớ năm ấy khi mà kết quả xét nghiệm của chồng em dương tính, chị bảo em phải chú ý lo cho con gái. May mà em và cháu không sao. Em thuộc lòng bài học chị dạy em về cách chăm sóc chồng và con gái; sống vui vẻ, chan hòa, không để anh ấy mặc cảm, nhưng phải an toàn cho hai mẹ con... Chị nhớ không?
Vâng, để em kể về con gái chứ dông dài hoài khiến chị sốt ruột. Sau khi chồng em mất, chị chồng kêu hai mẹ con em vào Sài Gòn sống với chị, phụ buôn bán. Chị ấy có một xưởng sản xuất bao bì ở ngoại thành và một cửa hàng công nghệ phẩm trong phố. Ban đầu chị ấy giao cho em trông coi xưởng bao bì. Hai mẹ con em ở luôn trong xưởng. Con gái em năm ấy học lớp năm. Sang lớp sáu, cháu thi đậu vào trường chuyên, chị chồng em thấy điều kiện sống trong xưởng ồn ào, nóng nực không phù hợp cho cháu học tập mới kêu hai mẹ con em về ở cùng, gần trường con em học. Em có điều kiện chăm sóc con, phụ buôn bán, cơm nước cho cả nhà. Chị chồng thương em lắm. Chị ấy quý em bởi những năm cuối đời của chồng, em không bỏ ảnh mà ngược lại chăm sóc ảnh chu đáo, sạch sẽ. Bố mẹ chồng em chỉ có hai người con thôi. Dù chồng em phá của chị ấy không biết bao nhiêu, vậy mà ruột rà làm sao bỏ được, chị nhỉ! Chị chồng cưng con gái em lắm, nói bé giống hệt ba lại học giỏi nữa nên càng quý. Học xong lớp 12, cháu đậu vào đại học dược chị ạ. Thủ khoa đó chị. Học được hai năm, cháu nhận học bổng đi học ở Mỹ. Tâm nguyện của cháu là làm sao có thể bào chế được nhiều loại thuốc chữa bệnh cho người. Cháu luôn nói, bệnh của ba cháu một ngày nào đó sẽ có thuốc chữa.
Chị vừa nhắc đến cà phê Gypsy, đúng rồi, đêm ấy lần đầu tiên em đến tham gia chương trình của các chị. Hồi ấy vui, chị nhỉ. Lúc mới nghe cà phê Gypsy em cứ nghĩ đó là một quán cà phê, sau chị giải thích em mới hiểu, Gypsy có nghĩa là du mục hay còn gọi là “Đội truyền thông lưu động”, tổ chức các chương trình truyền thông ở các quán cà phê trong thành phố, chủ đề về HIV/AIDS, phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục...
Em nhớ hồi ấy đội có 11 thành viên, chị làm trưởng nhóm. Mỗi tuần hai đêm diễn. Nhờ chị động viên mãi mà chồng em mới tham gia ban nhạc. Chồng em chơi trống hay, chị nhỉ. Giai đoạn đó quá hạnh phúc với mẹ con em. Nhờ tham gia các chương trình của các chị mà em mới hiểu được các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ cho người nhiễm bệnh trong cộng đồng... Em mới hiểu ra cái gánh mình đang gánh hay phải chịu đựng không còn nặng nề nữa. Quan trọng nhất là chồng em, ảnh không mặc cảm bị bỏ rơi, hay bị người ta coi rẻ. Hơn nữa, anh còn tìm lại được niềm vui từ âm nhạc, giúp anh sống nhẹ nhàng hơn và đến khi mất tuy đau đớn nhưng anh hiểu rằng cuộc chơi đến lúc kết thúc, thanh thản nhắm mắt ra đi.
Như em đã nói với chị, sau khi chồng mất, em vào Sài Gòn đến giờ luôn. Sau đó các chị vẫn duy trì các đêm diễn ở các quán cà phê trong thành phố chứ? Em tiếc là khi ấy giá có điều kiện, em tham gia với các chị, truyền kinh nghiệm từ chính bản thân trong việc chăm sóc người bệnh, phòng chống lây nhiễm... Ra đi mà em ân hận lắm vì không đỡ đần được gì cho các anh chị. Em vẫn nhớ có một lần ở quán cà phê Ngọc Dung, chương trình hấp dẫn và vui đến mức khách từ tầng hai đổ xô xuống hết tầng một cùng tham dự. Đêm đó, chồng em chơi trống xuất thần luôn, khán giả vỗ tay quá trời! Lần đầu tiên sau mấy năm bệnh tật em thấy ảnh vui đến như vậy!
Chị nói sao? Hết năm đó Gypsy không hoạt động nữa hả chị? Uổng quá vậy! Các chị không có kinh phí để hoạt động à? Tiếc quá. Đúng là đầu tiên là tiền đâu. Nhóm phải giải tán, buồn chị nhỉ!
Kìa, chị uống nước đi, nguội hết rồi! Chị ăn thêm cái bánh nữa nhé. Em thích mùi quế này lắm đó chị, nó gợi cho mình cảm giác êm đềm, vương vấn, tâm trạng... và tự nhiên muốn thổ lộ, tâm sự... Chị cười vì em sến xẩm hả. Đời, đôi lúc phải sến một chút để cân bằng chị ạ. Tỉnh táo, thông minh, xuất chúng, hàn lâm hay cảnh giác quá cũng không hay, chị à!
Nói gì thì nói, mẹ con em biết ơn các anh chị nhiều. Tuy chỉ là những quan tâm về tinh thần nhưng là nguồn động viên hết sức to lớn. Nhất là xóa đi sự ngăn cách giữa mẹ con em và cộng đồng. Con gái em nhờ vậy mà có những suy nghĩ trưởng thành hơn.
Chị biết không, hôm cháu làm hồ sơ xin học bổng, người ta đánh giá bài viết của cháu rất cao. Cháu viết về quá khứ gia đình, về những cảm nhận của người trong cuộc, về hoạt động của các anh chị một thời đã giúp đỡ gia đình cháu, về ý thức cộng đồng... Hiện tại, ở trường đại học, con gái em là một trong những thành viên tích cực được đánh giá có tinh thần chia sẻ tốt đó chị. Còn điều đặc biệt nữa chị biết không, nickname hay email của cháu đều là Gypsy đó chị. Lát nữa chị ghi cho em địa chỉ email, em sẽ gửi chị những trang có các hoạt động của Gypsy chị đọc để hiểu hơn về cháu và mừng cho cháu chị nhé. Thành quả của cháu hôm nay một phần nhờ có chị đấy, em không nói nịnh chị đâu!
Ôi, chị ơi, huyên thuyên mãi về em mà chưa hỏi gì về chị. Thế chị vào Sài Gòn có việc gì? Chị thăm con á. Con chị đi làm hết rồi à. Vậy là chị có một cháu ngoại rồi. Chị mới nghỉ hưu năm ngoái nên giờ chị rảnh phải không? Chị sống với con trai là tốt rồi. Cháu chưa lập gia đình hả chị? Không sao, con trai thì từ từ, ba mươi vẫn chưa muộn. Cháu ngoại lâu lâu có bà vào thăm là nhất. Em mong con gái em ra trường, lập gia đình để em có cháu bồng bế. Em thích trẻ con lắm chị ạ. Hồi đó chồng em bệnh chứ không, mộng của em ít nhất phải ba đứa con. Đời số hết, chị nhỉ! Nhiều lúc nghĩ lại em thương chồng em quá. Tuổi thơ cơ cực, đến khi chị gái làm ăn có tiền giúp đỡ cho thì nhẹ dạ nghe theo bạn bè xấu. Phải chi ảnh còn sống, thấy con gái học hành giỏi giang, xinh đẹp, chắc ảnh hãnh diện lắm! Nghĩ đến đó em lại buồn thấu tâm can. Trời chẳng cho ai được tất cả chị nhỉ. Mà thôi, cũng không nên oán trách số phận. Em nhớ ngày xưa chị hay nhắc bọn em như thế. Chị lúc nào cũng động viên em biết vượt qua để vươn lên. Thương, quý chị ghê vậy đó! Ngày xưa, chúng em ngưỡng mộ bản lĩnh của chị lắm. Mỗi lần gặp chị như có chỗ dựa, ấm áp, cởi mở, chân tình. Cứ nghĩ, sao trời cho người hiền hậu, dễ thương, bao dung, tốt bụng đến thế. Chúng em hay nói với nhau, các anh chị phải là những người hạnh phúc lắm mới chia sẻ được với những hoàn cảnh bất hạnh của chúng em.
Vâng, chị nói đúng, mười sáu năm qua nhanh như cái chớp mắt. Chưa kịp làm gì đã thấy đời nhuốm màu hoàng hôn, bánh xe bắt đầu lăn xuống dốc. Nói tiếc thời tuổi trẻ thì không đúng vì có những tuổi trẻ quá buồn như hoàn cảnh em, nhưng cũng khiến ngậm ngùi vì chưa kịp trẻ đã thấy mình già, chị nhỉ!
Chị nói sao? Chị cũng có nhiều bệnh trong người hả. Chị ơi, máy móc nào chạy riết mà không rơ? Em đây cũng đủ thứ bệnh, nhưng em thấy chị còn trẻ và khỏe lắm. Nhìn bề ngoài của chị vẫn thấy nét lạc quan, yêu đời, tràn sức sống.
Ôi, sao gần nửa đêm rồi mà chưa thấy thông báo vào cửa lên máy bay chị nhỉ. Cũng may mà máy bay hoãn, em mới có cơ hội gặp chị để giãi bày chuyện bao nhiêu năm. Nhiều khi cuộc sống cứ cuốn mình đi, không có thời gian nhìn lại, bắt mình quên, đóng chặt quá khứ buồn để tiến về phía trước. Nhưng cũng có những lúc đầy tâm trạng lại chẳng biết thổ lộ với ai; nói ra không khéo họ lại không hiểu, thấy nghi ngại mình, đâm ra xa cách. Gặp chị đêm nay, thốt lên được những điều giữ chặt trong lòng mười mấy năm, thấy nhẹ nhàng làm sao. Chị lại cười em rồi. Ngày xưa chính chị hay bảo em là đứa tồ tồ, “phổi bò”, khóc cười dễ như nhau mà, phải không?
Kìa, trên bảng điện tử thông báo giờ bay rồi đó chị. Mình chuẩn bị xếp hàng vào chị nhé. Chị cho em số điện thoại để có gì em liên lạc, với lại em sẽ nhắn tin mấy trang mạng của Gypsy. Chị nhắn cho em địa chỉ email luôn nhé. Em sẽ bảo Gypsy viết thư cho chị. Em có kể cho cháu nghe chuyện các anh chị đã giúp đỡ ba cháu thế nào, cháu còn phải học hỏi kinh nghiệm của chị nhiều!
À, mải nói chuyện này kia mà em quên hỏi thăm chị về anh nhà. Anh còn đi làm không, anh vẫn khỏe chứ? Chị nói gì? Trời, anh cũng mất vì bệnh AIDS hả, trước chồng em có một năm thôi sao? Sao những năm ấy em vô tình thế nhỉ. Em xin lỗi chị, cứ nghĩ chỉ có mình tuyệt vọng, hóa ra... Mà sao khi ấy chị vững vàng vậy. Trong hoàn cảnh đó chị vẫn vui vẻ mở lối thoát cho mọi người. Em phục chị quá! Chị làm em ngỡ ngàng quá đây nè. Và thêm xấu hổ nữa chứ, chỉ biết mình mà không biết đến người khác. Chị bảo em đừng áy náy là chị lại bao dung với em rồi, như nào giờ chị vẫn thế! Nhất định khi nào về em sẽ gặp lại chị một lần nữa.
Chị ngồi ghế mấy? Vậy là chị em mình ngồi cách xa nhau. Vâng, mình chia tay từ đây. Sợ lát nữa xuống sân bay chộn rộn không gặp lại nhau. Chị giữ gìn sức khỏe nhé. Em cầu chúc cho chị luôn mạnh khỏe. Từ đáy lòng, em biết ơn chị nhiều lắm và cũng thật ngượng ngùng vì những ngày tháng ấy chỉ biết có mình, chỉ nghĩ có mỗi mình đau khổ mà không hiểu những người giúp mình họ phải chịu đựng những mất mát đôi khi còn hơn mình nữa!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.