'Chuyện đời Sương': Bi kịch của cô dâu Việt ở xứ Hàn

03/10/2020 10:26 GMT+7

Tác phẩm Chuyện đời Sương của nhà văn Hàn Quốc Suh Song Nan là tiếng nói cho những thân phận phụ nữ Việt mà vì nhiều lý do khác nhau, phải lấy chồng xa - đồng nghĩa với việc ly hương.

Chuyện cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài với những buồn vui, hạnh phúc lẫn khổ đau không còn là vấn đề gì mới mẻ; tuy nhiên, trong khi văn học trong nước gần như đang đứng ngoài cuộc, hoặc nếu có chỉ là những truyện ngắn nhỏ lẻ thì từ Hàn Quốc, một tác phẩm về đề tài này đã được viết nên bởi chính nhà văn của bản xứ. Chuyện đời Sương của Suh Song Nan (Dương Thanh Hoài và Ngô Thị Quỳnh Trang dịch, NXB Phụ Nữ) là tiểu thuyết bestseller ở Hàn Quốc; từng đoạt giải Văn học Sechong 2017 và giải Tác phẩm xuất sắc nhất thành phố Busan.
Sương, tên thật là Nguyễn Thị Sương, một cô gái đương độ hai mươi còn khỏe mạnh và đầy mơ mộng. Lên 6 tuổi ba mất vì tai nạn điện giật, mẹ tái hôn sau một năm; Sương phải sống với ông bà nội từ đó. Như rất nhiều đứa trẻ ở vùng quê miền Tây Nam bộ, Sương phải vào đời sớm bằng công việc bán hoa và thiệp bên dòng sông Cửu Long cho các du khách; học hết lớp 9 thì chuyển sang lái đò đưa khách qua sông.
Bị hấp dẫn bởi những thành phố tuyệt đẹp và giàu có hay những ngôi nhà hạnh phúc trong các bộ phim lãng mạn của Hàn Quốc nên trong Sương đã nhen nhóm ý nghĩ lấy chồng Hàn Quốc để đổi đời. Khi theo bà mối Dung lên Sài Gòn, Sương mới hay rằng, không chỉ mình cô ôm mộng đổi đời bằng cách lấy chồng Hàn Quốc, chỉ riêng trong khu nhà trọ của bà Trâm, Sương đã gặp ba mươi cô gái trẻ cùng chung sống, chờ ngày xem mắt và lấy chồng Hàn Quốc giống như mình. Và phải đến ngày xem mắt lần thứ hai mươi, Sương mới trở thành một trong năm ứng cử viên cô dâu được người đàn ông Hàn Quốc chọn.
Trước khi viết Chuyện đời Sương, nhà văn Suh Song Nan từng có tiểu thuyết Ớt chuông cũng viết về đề tài cuộc sống của cô dâu Việt lấy chồng và sinh sống ở Hàn Quốc. Đã từng sống ở Việt Nam và viết luận văn tiến sĩ về đề tài phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc, nên nhân vật Sương cũng như vấn đề trong tác phẩm được nhà văn Suh Song Nan phản ánh đầy chân thực đến nhức nhối. Vượt qua rất nhiều ứng cử viên khác, nhưng hành trình hòa nhập và thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc của Sương quả thực không hề dễ dàng. Khác văn hóa, khác tiếng nói, chưa kể người chồng của cô vừa nhu nhược lại sa đà rượu chè; để tồn tại, Sương phải làm lụng vất vả gấp đôi người khác.
Đời không như là mơ”. Cuộc đời Sương có lẽ là minh chứng sống động nhất cho câu nói ấy. Giấc mộng của Sương đã tiêu tan thành mây khói, và đến lúc này, cô phải nếm mùi bi kịch: không thể trở thành người Hàn, cũng không thể trở về quê hương. Đó hẳn là một bất hạnh lớn đối với tất cả mọi người không riêng gì với Sương khi căn cước của mình đã bị xóa nhòa.
Bên cạnh chuyện đời éo le của Sương, nhà văn Suh Song Nan còn xây dựng song song chuyện đời nhiều màu sắc của Jang - một nhà văn đồng thời là một giảng viên đại học cùng cô vợ thứ hai cũng là một nhà văn đang nổi có lối sống khá lập dị Lee Ryung. Ba người có sự kết nối lỏng lẻo, rời rạc nhưng đôi lúc lại đầy thân ái. Nhờ đó, cuộc đời của Sương nơi xứ Hàn được tái hiện với đầy đủ những mảng sáng tối, cung bậc khác nhau.
Từ một đề tài mang tính báo chí, nhưng rõ ràng với Chuyện đời Sương, nhà văn Suh Song Nan đã “phù phép” để câu chuyện trở nên lôi cuốn và có phần ma mị hơn. Sức hấp dẫn của tác phẩm với bạn đọc cũng chính là ở đó.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.