Chuyện ít biết về Hà Nội: ​Vua Lê bị 'nhốt' 34 năm

15/09/2017 07:53 GMT+7

Tượng vua Lê Thái Tổ ở phía tây hồ Gươm (số 16 phố Lê Thái Tổ hiện nay) do Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải dựng vào năm 1894 (một số sách viết tượng dựng năm 1888 là không chính xác, vì năm này Hoàng Cao Khải mới được bổ làm tổng đốc tỉnh Hải Dương).

Có ý kiến cho rằng Hoàng Cao Khải cho dựng tượng là để đối trọng với tượng tổng trú sứ Paul Bert ở phía đông hồ. Lại có ý kiến khác chia sẻ việc dựng tượng đơn thuần chỉ là để tưởng nhớ Lê Thái Tổ với truyền thuyết trả gươm báu cho thần Kim Quy để rồi hồ Tả Vọng mang tên hồ Gươm.
Tượng vua Lê được đúc bằng đồng, trong tư thế đứng, tay phải cầm kiếm hơi chúc xuống, tay trái chống vào hông. Đầu đội mũ bình thiên, bốn góc có treo kim tòng, mặc áo long bào, đeo đai lưng. Tượng cao khoảng 1,2 m, đặt trên trụ đá tròn, có 3 cấp bệ xếp bằng đá; phía dưới cũng được lượn tròn theo thân trụ với đường kính to nhỏ khác nhau. Tượng dựng trên mặt bằng bao gồm: cổng, sân vườn, nhà phương đình và tượng đài dựng trên một cấp nền cao hơn 0,8 m. Ngoài cùng có cổng xây gạch dạng trụ biểu. Nhà phương đình bốn mái cong ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ. Toàn bộ các hạng mục trên nằm trong một khuôn viên riêng, hòa cùng khung cảnh của hồ Hoàn Kiếm tạo nên vẻ trang trọng song cũng rất nên thơ. Kể từ khi tượng được dựng, việc bảo quản và hương khói do các quan nhà Nguyễn ở Hà Nội chịu trách nhiệm.
Nhưng từ khi chính phủ Pháp xóa bỏ Nha Kinh lược thì không còn ai chăm sóc tượng và khu di tích bị bỏ hoang. Trận bão xảy ra vào tháng 7.1902 gây hư hại tượng, nên ngày 4.10.1902 chính quyền Hà Nội gửi công văn xin ý kiến thống sứ Bắc Kỳ cho sửa chữa. Năm 1924, chính quyền cho xây hàng rào và làm cổng ra vào bằng sắt.
Ngày 5.8.1964, Mỹ ném bom miền Bắc, khu tưởng niệm vua Lê bị đóng cửa từ đó cho đến năm 1998. Ngày giỗ vua Lê Thái Tổ (22 tháng 8 âm lịch), ngành văn hóa cũng không mở cửa cho dân vào thắp hương nên họ chỉ còn cách đứng ngoài vái vọng. Trước sự phản ánh của báo chí “vua Lê bị nhốt”, ngành văn hóa mới lập dự án cải tạo nâng cấp. Ngày 7.10.1999, họ tiến hành tôn tạo khu vực quanh tượng, ngày 29.7.2000 tổ chức khánh thành. Từ đó đến nay, tượng vua Lê được “thả” cho dân chúng, khách du lịch vào thăm viếng.
Lệ đi chơi sau giao thừa quanh hồ Gươm
Ngày 5.2.1919, thống sứ Bắc Kỳ đã cho phép thành lập Hội Rèn luyện trí thức và đạo đức cho người VN (Association pour la formation intellectuelle et morel des Annamites) nhưng người ta gọi là Khai trí tiến đức. Chính quyền cho xây một khối gồm hai tầng và đến hôm nay nó vẫn như lúc mới xây (nay là 79 Hàng Trống). Ở góc nhọn của công trình, giữa phố Lý Thái Tổ và Hàng Trống, họ xây bồn hoa hình tròn đường kính khá rộng, dưới có chân đỡ rất đẹp.
Cuối năm 1966, người ta phá bồn hoa để lấy chỗ trưng bày xác chiếc máy bay trinh sát của Mỹ bị bắn cháy rơi xuống xã Trung Hòa (nay là P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy). Bên cạnh bồn hoa, họ vẫn giữ nguyên hai chiếc ghế đá do cô Tư Hồng trúng thầu phá tường thành Hà Nội mang ra cho dân ngồi từ năm 1897. Sau này, một chiếc bị mang đi đâu mất và một chiếc bị ô tô lùi vào đâm vỡ đêm 6.2.2015.
Với danh nghĩa một tổ chức văn hóa, hội thu hút những người có chức sắc trong chính quyền thực dân, tầng lớp trí thức Bắc Kỳ cùng nhiều giới khác trong xã hội. Thi thoảng tại Khai trí tiến đức, người ta tổ chức diễn thuyết về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ban Tu thư cũng đã soạn cuốn Từ điển tiếng ViệtNgữ pháp tiếng Việt, hai cuốn từ điển đầu tiên do người Việt Nam biên soạn. Ban Văn học đã cho tạc bia ghi công lao Nguyễn Du đặt trong sân và tấm bia vẫn còn cho đến hôm nay.
Sau Cách mạng Tháng 8, hội bị giải tán. Câu lạc bộ trở thành trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc. Tiếp đó, sau tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6.1.1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tòa nhà trở thành trụ sở Ban Thường trực Quốc hội. Thời kỳ Pháp tạm chiếm, đây là trụ sở của cơ quan Nha Thông tin Bắc Việt.
Năm 1955, nhà 16 Lê Thái Tổ dành làm câu lạc bộ Thống Nhất, đón tiếp cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết đến giao lưu, sinh hoạt, tìm và gặp gỡ đồng hương. Cán bộ, đồng bào miền Nam khi kết thúc liên hoan gặp mặt đón giao thừa và nghe Bác Hồ chúc tết trên đài ở câu lạc bộ Thống Nhất (do Ủy ban Thống nhất Chính phủ tổ chức), xong không muốn về nhà. Mọi người đi chơi quanh hồ cho bớt nỗi nhớ quê. Tình cảm đó được nhiều người Hà Nội trân trọng và chia sẻ bằng cách ra hồ Gươm đi chơi cùng bà con, từ đó thành tục lệ đẹp cho đến hôm nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.