Nguyên liệu tốt nhất
Năm 1887, chính phủ Đông Dương ra đời, toàn quyền đầu tiên là Constant. Tuy nhiên, phải đến nhiệm kỳ của Toàn quyền Lanessan (1891 - 1894) thì bộ máy hành chính để cai trị mới hoàn thiện. Ban đầu họ dự định xây dinh toàn quyền trên một khu đất rộng ở phố Ngô Quyền, nhưng khu đất này không đủ rộng để phô diễn kiến trúc Pháp và thể hiện quyền lực của nước Pháp nên họ trì hoãn và sau đó xây Phủ Thống sứ Bắc Kỳ ở đây (nay là Bộ LĐ-TB-XH).
Khi công việc phá dỡ tường thành Hà Nội hoàn thành năm 1897, chính quyền Pháp quyết định lấy một phần đất phía tây bắc thành và một phần đất của Vườn thực vật (thành lập năm 1890, nay là Bách thảo) để xây dinh. Công việc quy hoạch dinh giao cho KTS người Pháp gốc Nga Vladimir de Gontcharoff. KTS này sử dụng 12.000 m2 đất cho công trình với một tòa nhà chính và các công trình phụ. Vẽ phối cảnh, thiết kế tổng thể do KTS Henry Vildieu đảm nhiệm trên tinh thần tân cổ điển và những bản thiết kế hoàn thành vào năm 1899. Dinh chính cao 4 tầng gồm: tầng hầm, tầng trệt và 2 tầng gác. Tổng chi phí cho công trình (kể cả những lần sửa chữa) là 1.228.386 đồng Đông Dương.
Bảng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng công trình do Lichtenfelder lập để đấu thầu gồm những vật liệu tốt nhất. Gạch phải lấy từ nhà máy gạch Hà Nội và Đáp Cầu (Bắc Ninh). Đá xây móng lấy ở vùng Đông Triều (Quảng Ninh) và Kẻ Sở (Hà Nam). Cầu thang ngoài trời dùng đá hoa cương trắng Thanh Hóa. Đá mảnh nhỏ dùng để ghép là đá Biên Hòa. Cầu thang, cửa dùng gỗ lim, gụ Thanh Hóa, Nghệ An; gỗ lát sàn là lãnh sam (họ của gỗ thông) nhập khẩu từ Mỹ và Na Uy. Xi măng, sắt thép, kính, tôn... sản xuất ở Pháp. Lichtenfelder cũng đưa ra những yêu cầu rất khắt khe, chi tiết, như gỗ phải thẳng thớ, không có mắt, không có mấu, phải khô. Từng viên gạch phải nung đủ chín, vuông vắn. Xi măng chở từ Pháp sang phải đóng trong thùng kín. Với vôi, nhà thầu phải vận chuyển đến công trình và tỷ lệ chưa chín chỉ là 10%, sau khi các kỹ sư chấp thuận mới cho tôi...
Tòa nhà chính được khởi công tháng 5.1903. Trong quá trình thi công, KTS Lichtenfelder mới thiết kế chi tiết nội thất các phòng và lập bảng tiêu chuẩn để đấu thầu. Phong cách trang trí của dinh thự rất cầu kỳ và tỉ mỉ. Bàn họp, ghế ngồi sơn men trắng có đường chỉ mạ vàng. Đèn chùm, đèn vách, đèn góc, đèn tường theo nhiều phong cách: đế chế, phục hưng, Louis XIV. Riêng đèn chùm 5 bóng có quạt trần theo phong cách hiện đại. Đá ốp lò sưởi ở phòng khánh tiết là đá hoa cương màu. Bản thiết kế bếp do Hãng Ateliers Briffaut (Pháp) cung cấp với bệ rửa bát hoàn toàn bằng bạc đã giành được giải vàng Triển lãm quốc tế kiến trúc năm 1900.
Bí mật về đám đông và lời hứa của toàn quyền
Có một chuyện diễn ra ở dinh toàn quyền cho đến nay vẫn còn bí mật chưa được lý giải rõ ràng. Tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’Eveil économique de L’Indochine) số 516 năm 1927 viết “Vào khoảng 9 giờ tối ngày 30.6.1909 có một đám đông dân chúng không rõ bao nhiêu người nhưng đông lắm kéo đến trước hàng rào phủ toàn quyền. Một hạ sĩ quan Pháp ra cản họ lại nhưng đám đông tràn qua cửa và trèo qua hàng rào, tiến lên bậc thềm. Toàn quyền Bonhous và Chánh văn phòng Pierre Pasquier ra trước công chúng hiểu dụ, hứa xét đơn thỉnh cầu của mọi người. Đám đông giải tán”. Không rõ đám đông thỉnh cầu chuyện gì và toàn quyền hứa gì.
Không rõ là tôn trọng tín ngưỡng người Việt hay “nịnh” Toàn quyền Paul Doumer (ông này tỏ thái độ không đồng tình với việc phá thành Hà Nội) mà trong quy hoạch, Gontcharoff đã giữ lại ngôi miếu có tên là Hội đồng xây năm 1841. Từ 1914 đến 1944, dinh được sửa chữa 20 lần không kể quét vôi và sơn cửa. Tháng giêng năm 1922, Toàn quyền Maurice Long có ý định sửa sang lại khu vực này đã giao cho KTS Hebrard vẽ lại kiểu thành một tổng thể kiến trúc. Tuy nhiên trên đường về Pháp, Maurice Long chết dọc đường nên công việc bị bỏ dở.
Khi Nhật đảo chính Pháp, dinh trở thành dinh toàn quyền Nhật từ 3.9.1945. Sau Hiệp định sơ bộ 6.3.1946, quân Pháp tiến vào Hà Nội chiếm dinh. Từ năm 1948 - 1954, dinh thành dinh quốc trưởng. Ngày 10.10.1954, Việt Minh tiếp quản thủ đô, dinh trở thành phủ chủ tịch từ đó đến nay.
Bình luận (0)