Chuyện quanh quanh Dâm Đàm: ​'Chòi ngắm sóng' và cuộc đời bà Vũ Bội Trâm

07/03/2020 06:27 GMT+7

Năm 1981, Trường phổ thông trung học Chu Văn An - nơi nhà giáo Vũ Bội Trâm dạy học, thương tình cấp cho vợ chồng bà một gian nhà cấp 4 rộng hơn chục mét vuông phía sau trường gần hồ Tây.

Gian nhà chật chội, con học bài phải ngồi trên giường và chờ con học xong vợ chồng Phùng Quán mới được đi ngủ. Không có chỗ riêng ngồi viết lách nói gì đến chuyện bạn đến chơi và... uống rượu. Thế là Phùng Quán nảy ra sáng kiến làm cái chòi trước nhà. Ðứng trên chòi, phóng tầm mắt có thể bao quát cả hồ Tây nên ông đặt tên là “chòi ngắm sóng”. Chòi không rộng nhưng đủ chỗ cho năm bảy thi sĩ uống rượu đàm thi.

“Biết lấy anh tôi sẽ khổ mọi đường nhưng tôi chấp nhận”

Nhà văn Phùng Quán sinh năm 1932, quê gốc ở Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. 14 tuổi đã rời xa mẹ làm anh lính Vệ quốc trong Trung đoàn Trần Cao Vân chiến đấu khắp chiến trường Trị Thiên. 17 tuổi có những câu thơ yêu nước cháy bỏng và cực kỳ lãng mạn:
“Ðất ơi, con nguyện yêu người với tất cả máu xương
Với tất cả cuộc đời con mười bảy tuổi...”
Năm 1954, Phùng Quán ra Bắc làm chân kéo phông màn của Đoàn văn công Liên khu 4 do nhà thơ Thanh Tịnh làm trưởng đoàn. Rồi sau đó về Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ở đây Phùng Quán quen với em trai bà Vũ Bội Trâm, nhạc sĩ Vũ Hướng. Anh chàng nhà văn cao lớn, đẹp trai thường qua lại số nhà 3 phố Hàng Cân chơi với Vũ Hướng và Bội Trâm bị dính “tiếng sét ái tình”. Hai người yêu nhau. Ở Tạp chí Văn nghệ quân đội được một năm thì Phùng Quán buộc phải rời khỏi đây vì “tội” tham gia nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Ông bị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi Hội nhà văn. Bạn bè cũng không ai dám gần.
Nhưng cô giáo Bội Trâm nết na, dịu dàng đang dạy văn ở Trường cấp 3 Chu Văn An, ngôi trường xưa là Trường Bưởi nổi tiếng thì quyết chỉ yêu Phùng Quán Nhân văn - Giai phẩm. Sau này bà bộc bạch: “Ðể yêu và lấy anh Quán, thật không đơn giản, tôi trăn trở và khóc nhiều đêm ròng vì biết lấy anh tôi sẽ khổ mọi đường nhưng tôi chấp nhận”.
Vì yêu Phùng Quán bà bị nhà trường kiểm điểm, gia đình họ hàng phản đối. Mẹ bà uất ức vừa khóc vừa mắng. Nhưng Bội Trâm vẫn không từ bỏ người mình yêu, bà nói với mẹ: “Nếu bố mẹ không cho con lấy, con xin vâng lời, nhưng con sẽ không lấy người đàn ông nào khác nữa”. Cuối cùng mẹ bà cũng phải đồng ý cho lấy.

Yêu chồng, quý cả “nàng thơ” của chồng

Không có bà Bội Trâm có lẽ khó biết cuộc đời Phùng Quán sẽ như thế nào vì trong giai đoạn khủng hoảng, có lúc ông muốn về Quảng Bình sống bằng nghề câu cá trên sông Nhật Lệ rồi từ đó tìm cách về quê. Lại có những lúc bế tắc tột cùng, Phùng Quán đã không muốn sống. Sợ ông tự vẫn, bà càng gắn bó động viên. Khi sinh con, tiền mua sữa, sắm tã lót cho con, tất cả trông nhờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của bà.
Ngay cả sau này khi sóng gió cuộc đời tạm lắng và Phùng Quán có lúc yếu mềm, gục ngã trước cái đẹp, bà Bội Trâm vẫn có những cử chỉ, lời nói bênh chồng. Trong một bài báo nhà thơ Ngô Minh viết: “Mùa hè 1984, sau 30 năm Nhân văn, và sau gần 40 năm trốn mẹ đi theo Vệ quốc đoàn, Phùng Quán mới trở về Huế quê hương. Những ngày đó ông bị người đẹp Nguyễn Khoa Như Ý (nhà văn Hà Khánh Linh) hớp hồn. Phùng Quán đã bị vẻ đẹp đài các, dịu dàng của người con gái Huế mê hoặc, không cưỡng lại được.
“Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em?
Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa đại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương...”
Thơ tặng “nàng thơ” say đắm thế, nhưng bà Bội Trâm vẫn không tỏ ra ghen tức. Nhà văn Hà Khánh Linh ra Hà Nội đến thăm Phùng Quán, bà vẫn làm cơm thết đãi đàng hoàng. Sau khi Phùng Quán mất, bà tập hợp bản thảo của chồng để Nhà xuất bản Văn học in tập Thơ Phùng Quán dày hơn 300 trang. Bà gửi một cuốn tặng Hà Khánh Linh với lời đề tặng rất đẹp: “Yêu quý tặng Hà Khánh Linh và cảm ơn em đã có những ngày cho anh Quán hồi sinh với thơ ở Huế”.
Khi Phùng Quán được phục hồi tư cách hội viên Hội nhà văn, được in sách với tên thật của mình, thì bà Bội Trâm mắc căn bệnh hiểm nghèo là ung thư vú. Bệnh tật là thế, song bà vẫn cơm nước hằng ngày chăm chồng con. Và nhà văn Phùng Quán qua đời tháng 1.1995 vì bệnh. Rồi người ta mở đường quanh hồ Tây, con đường mới giờ đã đè lên cái “chòi ngắm sóng” năm nào. Nhờ có tiền đền bù giải tỏa, bà Bội Trâm mua được căn hộ ở chung cư Vĩnh Phúc, Ba Ðình. Bà dành một phòng để thờ chồng và trưng bày các kỷ vật của ông chuyển từ “chòi ngắm sóng” về.
Năm 2010, nhà giáo Vũ Bội Trâm đi theo chồng. Sau đó, gia đình và anh em văn nghệ đã đưa di hài vợ chồng bà về Huế để hai người được mãi bên nhau. 
(Lược trích từ Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, NXB Trẻ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.