Chuyện quanh quanh Dâm Đàm: Nhịp chày tắt lịm, Yên Thái cũng mất tên

06/03/2020 07:28 GMT+7

Xưa trên đất Việt có nhiều nơi làm giấy như: làng Xuân Ổ còn gọi là làng Ó ở Tiên Sơn (Bắc Ninh) làm giấy bản ; làng Lộc Tụy và Ðại Phú (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) làm giấy bằng vỏ cây niết; làng Từ Vân (H.Thanh Oai, Hà Nội) làm giấy bìa bổi... Nhưng không đâu nổi tiếng bằng giấy vùng Bưởi. Vậy giấy ở kẻ Bưởi có từ bao giờ?

Sách Việt sử lược đã đưa ra những chứng cứ về nghề làm giấy tại Thăng Long: “Năm 1215 vua Huệ Tông cùng mẹ cạo đầu từ dinh Thái Hòa đến nhà viên quan là Ðỗ Ban ở ngõ Chỉ Tác (ngõ làm giấy) cạnh cầu Tây Dương1 để dựng thảo điện đi tu”. Như vậy nghề làm giấy ở Thăng Long muộn nhất đã có từ đầu thế kỷ 13. Trong Dư địa chí (1435), Nguyễn Trãi chép: “Phường Yên Thái huyện Quảng Ðức làm giấy” và nghề này xuất hiện ở Yên Thái muộn nhất là đầu thế kỷ 15.
Ca dao xưa có câu:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
Nhịp chày Yên Thái trong câu ca dao là tiếng chày giã dó, một nguyên liệu chính để làm giấy. Thực ra làm giấy xưa là nghề của cả vùng kẻ Bưởi gồm các làng: Yên Thái, Hồ Khẩu, Ðông Xã, Nghĩa Ðô. Mỗi làng chuyên làm một loại giấy. Yên Thái làm giấy bản, giấy lĩnh (một loại giấy chuyên dùng chép gia phả, ngọc phả vì bền và viết mực không nhòe), giấy lệnh dành riêng cho triều đình. Năm 1736, đời vua Lê Thuận Tông, chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ thư, Ngũ kinh bằng giấy này. Làng Hồ Khẩu chuyên làm giấy moi (từ nguyên liệu thô hơn, mặt giấy ráp, sử dụng để gói hàng). Ðông Xã chuyên làm giấy quì, loại giấy mỏng và dai bán cho làng Kiêu Kỵ để dát vàng quì. Giấy này nức tiếng về độ bóng, mịn như lĩnh Bưởi, vò xong vuốt ra lại phẳng, hai lớp rất dai, xé không rách. Ðặc biệt tuổi thọ của giấy lên đến hàng trăm năm dù khí hậu miền Bắc nóng ẩm. Họ Lại ở Nghĩa Ðô, chuyên làm giấy sắc còn gọi là giấy nghè vì thế làng Nghĩa Ðô còn gọi là làng Nghè.
Nghề làm giấy tốn rất nhiều nước. Thời còn sông Tô Lịch, dân làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị mang dó ra sông đãi và khi nấu xong họ đổ bọt giấy xuống sông. Khi sông Tô Lịch bị lấp họ lại đổ bọt xuống ao, lâu ngày nước kết váng gây ô nhiễm nên Yên Thái có một ao gọi là “Ao Bựa”. Thời thịnh của nghề giấy có phiên chợ Cầu Vuông nổi tiếng. Cầu Vuông ở ngay đầu làng Yên Thái, là trung tâm của các làng giấy. Chợ họp bảy ngày một phiên.
Cầu Vuông một tháng bốn phiên
Ðể em xeo giấy cho chàng bút nghiên
Năm 1958, các hộ gia đình sản xuất giấy ở Hồ Khẩu, Yên Thái, Ðông Xã phải nhập vào hợp tác xã. Và các hợp tác xã giấy Cộng Lực, Ðông Thành, Ðông Hòa ra đời với sản phẩm chính là giấy bản. Dấu ấn đáng nhớ là giấy dó Yên Thái được chọn để in bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó được gia đình ông Nguyễn Thế Ðoán ở Yên Thái làm. Bìa của bản Di chúc là giấy dó được bóc kép 6 lần, còn giấy ruột được bóc kép 3 lần.
Ðối diện với cổng làng Yên Thái là giếng Mắt Rồng sát bên đền Long Tỉnh thờ Ðức Chúa Cả. Giếng xây bằng đá xanh được đẽo gọt rồi xếp thành từng lớp từ đáy lên đến miệng. Ðiều lạ là vào mùa khô, trong khi các giếng khác cạn nước thì giếng Mắt Rồng vẫn đầy nước. Khi người Pháp làm bến tàu điện họ không kéo dài đến chợ Bưởi vì nếu làm sẽ phải phá bỏ đền Long Tỉnh và lấp giếng Mắt Rồng. Sau năm 1954, một số cán bộ đã cho đổ tấm đan bằng xi măng có lỗ đặt xuống đáy để hằng năm đỡ công nạo vét giếng nhưng kết quả ngược lại, vào mùa khô nước giếng rất cạn, không đầy như xưa. Khi mở rộng đường, người ta không dám phá đền Long Tỉnh nhưng lại lấp giếng và vị trí giếng xưa nay là vỉa hè. Con đường chạy qua làng Yên Thái dân gọi là phố Yên Thái. Năm 1986, chính quyền bỏ tên phố Yên Thái do dân gọi và đặt đoạn đi qua đây là Thụy Khuê. Như vậy, phố Thụy Khuê bắt đầu từ đầu đường Thanh Niên kéo dài cho đến chợ Bưởi. Có lẽ không phải họ sợ trùng tên với phố Yên Thái của Q.Hoàn Kiếm (từ phố Hàng Mành ra Ðường Thành) mà họ muốn đặt thế cho gọn.
Hà Nội đã nhiều lần đổi tên phố. Và tên phố ngày hôm nay có nhiều chuyện để bàn. Tên đất, tên làng không chỉ để gọi mà nó còn là di sản. Yên Thái, Hồ Khẩu, Ðông Xã xứng đáng là những di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội vậy mà nỡ xóa nó đi. Ngày nay nhiều người thuộc câu ca dao nhưng không biết Yên Thái ở đâu, người Hà Nội cũ liệu có đau lòng? 
(Lược trích từ Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, NXB Trẻ)
1 Nay là Cầu Giấy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.