Theo kế hoạch, đơn vị sẽ số hóa toàn bộ sắc phong để đưa vào lưu trữ; phục chế các sắc phong có giá trị về mặt lịch sử đối với địa bàn Đà Nẵng. “Đây là nguồn di sản Hán - Nôm gắn với câu chuyện lịch sử hình thành và phát triển làng, xã Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Việc phục chế, số hóa là việc làm cần thiết để bảo tồn, bảo lưu các giá trị sắc phong trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa, thời tiết khắc nghiệt cũng như công tác bảo tồn của các địa phương còn hạn chế”, ông Thiện nói.
Bên cạnh số hóa, thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ nghiên cứu và dịch toàn bộ nội dung sắc phong. Sau đó, đơn vị đưa vào lưu trữ, phục vụ bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về lịch sử làng, xã. Hiện đoàn công tác đã thống kê được 150 sắc phong tại các đình làng, trong đó có nhiều đình lưu giữ còn nguyên vẹn nhiều sắc phong từ thời vua Nguyễn, như: đình Nam Thọ có 35 sắc phong, đình Túy Loan có 18 sắc phong… Sau khi số hóa sắc phong, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ thống kê, sao chụp địa bạ, hương ước của 56 xã, phường tại Đà Nẵng.
Bình luận (0)