Đẩy lùi văn hóa tiêu cực

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/06/2018 07:14 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, khủng hoảng giá trị và văn hóa tiêu cực đang lan rộng. Việc xác định hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người VN sẽ giúp thay đổi hiện thực này.

Hội thảo khoa học Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người VN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế do Bộ VH-TT-DL và Hội đồng lý luận T.Ư tổ chức tại Hà Nội chiều 31.5.
Giả dối tiêu cực lan rộng
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, Học viện Quản lý giáo dục, mở đầu phát biểu tại hội thảo về hệ giá trị con người và hệ giá trị văn hóa: “Hệ giá trị cũ đang mất đi, còn hệ giá trị mới chưa hình thành. Chúng ta đứng trong vùng trắng đục”. Cũng theo ông Tiến, không ít giới trẻ đang rơi vào lối sống vội, làm vội, kiếm tiền vội, lười lao động. Chúng ta cũng đang không bảo vệ thiên nhiên. Chưa kể, một nghiên cứu điểm yếu của thanh niên nông dân và doanh nhân VN cho thấy: 75% ăn chơi đua đòi, 74% có xu hướng thực dụng, 68% dao động vì lý tưởng phấn đấu… “Văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng lan rộng trong nhà trường với sự len lỏi và dung túng của các phi giá trị như sự giả dối, bệnh thành tích, bệnh hình thức, bệnh bè phái, bệnh đối phó, thói khôn vặt, thói tùy tiện, thói vô cảm, sự lười nhác”.
GS-TS Hồ Sĩ Quý, Viện Thông tin khoa học xã hội, cho rằng vấn đề lớn nhất của văn hóa VN hiện nay là lệch lạc giá trị, giả dối được coi là bình thường. Các vụ đại án đã phơi bày nhiều hiện tượng xã hội quá sức tưởng tượng. “Giả dối đã phổ biến đến mức được coi là bình thường, làm nản lòng sự trung thực, tử tế. Bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả, chất lượng sản phẩm giả, biểu quyết giả, đạo đức giả... gần như có ở khắp nơi và không còn là điều xấu hổ nữa. Nhiều công trình dự án thành phương tiện, công cụ cho bòn rút, tham nhũng. Làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến việc xà xẻo. Vấn đề tất nhiên là do suy thoái phẩm chất làm người”, ông Quý nêu ý kiến.
GS-TS Đinh Xuân Dũng, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, cho biết thượng tôn pháp luật là yêu cầu tất yếu của nhà nước pháp quyền, nhưng gần đây lại có quá nhiều hiện tượng người vi phạm giao thông sẵn sàng đánh người thi hành công vụ, người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ, phụ huynh bắt cô giáo quỳ trước mặt mình.
PGS-TS Trần Thị An, ĐH Quốc gia Hà Nội, lại lo lắng cho giá trị gia đình. Theo một nghiên cứu của bà, một số nhà thờ họ bị bán để chia tiền; các dòng họ bị mất mát gia phả vì không được giữ gìn; thành viên trong họ chỉ còn gặp nhau vào ngày giỗ tổ nhưng tình thân không đậm đà như trước. Nó khiến vốn văn hóa dòng họ trở thành một thứ “vốn chết” hóa thạch trong ký ức, lâu lâu được người già đưa ra nhấm nháp tìm lại hoài niệm xưa.
Hình mẫu cũ, chuẩn mực mới
Tuy có nhiều biến đổi theo chiều xấu, mọi việc cũng không hẳn đã xấu cả. Nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho thấy một số hình mẫu cũ vẫn tiếp tục được đánh giá cao trong thời kỳ mới. Ông Bền đã phát 400 phiếu điều tra xã hội học ở Bến Tre, với câu hỏi giáo dục con cái theo gương ai, có tới 59% người được phỏng vấn lựa chọn giáo dục con cái theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khi đó, với câu hỏi những người được tôn trọng trong cộng đồng, việc ưu tiên là những người có đạo đức (79%), sau đó mới đến người cao tuổi (40%), người hiểu biết (25%). Như vậy, theo ông Bền: “Hệ giá trị xã hội vẫn thiên về các giá trị truyền thống như đạo đức hay tuổi tác”.
PGS-TS Lê Thanh Bình, Học viện Ngoại giao, lại nhấn mạnh việc cần kết hợp vốn văn hóa cổ với hệ giá trị văn hóa mới khi hội nhập. TS Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra giải pháp cho văn hóa là vai trò đi đầu nêu gương của hiệu trưởng và giáo viên. Cũng cần hoàn thiện chế độ, chính sách để nhà giáo yên tâm sống được bằng lương.
GS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, cho rằng thực hành nghi lễ tâm linh ở gia đình sẽ tạo sự linh thiêng ăn vào suy nghĩ lớp trẻ. Điều này sẽ ngăn họ không quyết định làm một việc sai trái. “Nếu họ nghĩ mình làm việc này là có tội với tổ tiên, với thần linh, đặc biệt là hậu quả sau việc làm của họ thì bố mẹ, anh chị em, họ hàng sẽ suốt đời mang tiếng, xấu hổ với thiên hạ rằng gia đình có một người con như thế thì họ sẽ không làm”, ông Lý cho biết.
Nghiên cứu của PGS-TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cũng cho thấy có 5 giá trị văn hóa VN được cho là cần thiết nhất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là: pháp quyền, dân tộc, dân chủ, nhân văn và ý thức cộng đồng. “Điều đó nói lên sức mạnh trường tồn của những giá trị truyền thống”, bà Loan cho biết.
Phạt lao động công ích đối với hành vi ứng xử thiếu văn hóa
Ngày 31.5, tại cuộc tọa đàm Văn hóa giao tiếp ứng xử của người Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức, ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 43 về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, việc xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng tại TP vẫn còn nhiều bất cập. Còn trường hợp đâm chém nhau vì những xích mích, va chạm nhỏ; tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân. Một bộ phận giới trẻ, chưa tự giác thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa đơn giản nơi công cộng... Theo ông Vỹ, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt những hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa; kiên quyết thực hiện hình phạt như lao động công ích cho các vi phạm. Cần tạo tính đồng bộ trong dư luận và xử phạt các hành vi thiếu văn minh công cộng để có sự tác động của hệ thống mang tính cưỡng chế toàn xã hội.
Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, nhận định: Người dân góp ý kiến để xây dựng thì nền tảng văn hóa của TP sẽ tốt hơn. Từ những giải pháp khắc phục được đề cập tại hội thảo, ban tổ chức ghi nhận và báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Đà Nẵng để thực hiện tốt Chỉ thị 43 về năm văn hóa, văn minh đô thị. Hoàng Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.