Diễn viên Hoài An đối mặt với nguy cơ bị cắt bỏ tuyến lệ

23/12/2017 12:21 GMT+7

Được mệnh danh là 'nữ hoàng nước mắt' của màn ảnh nhỏ Việt Nam, Hoài An chuyên trị những vai bi, nội tâm nặng nề. Sau thời gian dài 'khóc như mưa', cô bị khô tuyến lệ và có nguy cơ không thể khóc được nữa.

* Xin chào diễn viên Hoài An, chị có thể cho biết tình hình mắt của mình hiện tại?
- Diễn viên Hoài An: Do dạo trước tôi đóng nhiều vai khóc quá nên mắt bị khô tuyến lệ, bây giờ bác sĩ dặn là phải để cho mắt nghỉ ngơi chứ nếu còn khóc nữa thì mắt sẽ bị nhiễm trùng nặng, bắt buộc phải cắt tuyến lệ, không thể khóc được nữa. Với lại tôi bị dị ứng với keo dán mi giả, nên bây giờ đi sự kiện này nọ tôi đâu dám dán mi giả nữa đâu. Trường hợp cần kíp quá phải xài thì bác sĩ nói thôi cứ dán đi rồi vô bệnh viện họ cho toa thuốc ba ngày để chữa trị.
Nói chung là bây giờ mình phải sống chung với thuốc thôi, mắt mình không còn được như ngày xưa nữa, diễn một cảnh khóc là mắt đã mờ. Ngày xưa người ta gọi tôi có đôi mắt khóc theo rắc-co (raccord - thuật ngữ điện ảnh diễn tả sự tương thích của các cảnh nối liền nhau), nghĩa là một cảnh đó diễn 4-5 lần tôi vẫn rơi nước mắt đúng cái câu đó, từ đó. Còn bây giờ thì mắt tôi yếu lắm, đâu có được như vậy nữa, nhiều khi khóc nó không có rơi trúng cái nhịp đó, có thể sớm hoặc trễ hơn. Mà đóng mấy vai nội tâm quen rồi, giờ gặp những vai không có khóc mình cũng không muốn nhận. Giờ sợ bị cắt tuyến lệ nên phải đánh tiếng với các đạo diễn thân quen là cho những vai ít phải khóc lại.
* Khả năng khóc trong diễn xuất của chị là do rèn luyện hay bản năng?
- Cái đó có nhiều cái khóc lắm, tôi chia các cảnh diễn khóc của mình làm ba kiểu khác nhau. Kiểu khóc thứ nhất là khóc xuất thần, nghĩa là nhân vật không muốn nhưng bỗng đến cảnh đó cảm xúc dâng trào phải khóc. Cái khóc thứ hai là khi mình diễn đi diễn lại nhiều lần, thí dụ đến cảnh thứ ba quay lại thôi là đã “khô” cảm xúc rồi. Lúc đó mình sẽ vận dụng một cái kỹ năng gọi là hồi tưởng ký ức. Nghĩa là ai cũng có những chuyện buồn, chuyện gia đình, như bản thân mình có một mẹ một con nhiều khi mình cũng buồn nhưng đâu thể khóc với ai thì tôi vận dụng những cảnh quay đó để khóc “xả” một lần cho đã và giúp vai được chân thực hơn.
Thứ ba, là nhiều khi tệ quá thì tôi sử dụng nước mắt nhân tạo. Đó là những cảnh quay rưng rưng rồi khóc từ đời nào rồi ấy thì mình được đạo diễn cho đặc cách sử dụng nước mắt giả tra vào mắt. Chứ đâu có người diễn viên nào ở đâu sẵn nước mắt và cảm xúc mà kêu khóc cái là khóc được liền đâu. Những lúc đó đạo diễn người ta sẽ cho ngưng để mình tập trung lại. Như tôi có một lần lúc luyện tập đã khóc quá nhiều và dùng hết cảm xúc nên đến khi diễn thật thì không còn nước mắt nữa. Thì lúc đó anh đạo diễn có cho tôi 15 phút để tập trung cảm xúc, mà mình thấy cả đoàn phải chờ mình thì mình càng sốt ruột càng không khóc được.
Nhìn Hoài An không ai có thể tưởng tượng được cô đã hơn 40 tuổi, đã trải qua một cuộc hôn nhân nhiều sóng gió và từng mưu sinh bao nhiêu nghề như bán thẻ cào điện thoại, có ý định bán dép và chạy xe ôm… để nuôi con Ảnh: ĐPCC
Hết chiêu thì tôi bảo đạo diễn hãy ráng tận dụng khoảnh khắc vì tôi cố lắm chắc được có một giọt thôi. Có lẽ đó là lúc mắt tôi bắt đầu khô tuyến lệ rồi. Đó là cảnh quay mà sau lần đó tôi tự thấy hổ thẹn nghĩ chắc không dám nhận vai khóc nữa, chắc là mình tệ rồi, kém cỏi dần rồi.
Nhưng mà sau này mình phải tập dần dần, với tôi được cái là kinh qua nhiều phim rồi nên mình có đủ kinh nghiệm để nhận biết đâu là cảnh cao trào của mình. Những vai ác mà kêu tôi khóc tôi sẽ không khóc được, khó lắm, vì nhìn thấy nhân vật thôi đã ghét rồi sao mà khóc được. Nhưng cho tôi vào những vai như bà vú, người đàn bà bị chồng đánh đập thì tôi khóc rất dễ, khóc ngon lành. Đối với những vai ác, đạo diễn bắt buộc khóc thì mình bắt buộc dùng đến kỹ năng là tìm cảm xúc ở những cái phân đoạn “đinh” của kịch bản. Kịch bản nào thì cũng có một số phân đoạn mà đọc đến đó là cảm xúc rụng rời. Nếu buộc phải khóc ở vai ác tôi sẽ lật kịch bản đến những phân đoạn đó để tìm cảm xúc. Như trong bộ phim Những khúc sông dậy sóng thì phân đoạn ở gần cuối, ở các tập hai mươi mấy thì vai của tôi có cảnh cao trào, khi cần cảm xúc tôi sẽ lật kịch bản đến đó để đọc lại. Chẳng hạn như có một cái cảnh mà nếu bạn đọc vào thấy bình thường nhưng tôi sẽ cảm thấy rất muốn khóc là cảnh cha của nhân vật nữ ác chết, những chuyện “động trời” sắp bị bại lộ mà chỉ còn một bà mẹ nuôi là do chị Ngân Quỳnh thủ vai thôi. Cô ấy cố gắng thuyết phục mẹ mình đi theo mình dù không biết có lo được cho mẹ hay không. Thì lúc này mình cũng thấy xúc động với hoàn cảnh của nhân vật, nhận thấy cô này cũng có những cái éo le thì mình nuôi cảm xúc đó để khóc khi cần.
* Có những diễn viên trẻ mà nhiều khi bắt khóc họ lại khóc không được thì chị có cách nào để giúp đỡ họ không?
- Khó lắm, tại làm diễn viên thì kỹ năng đầu tiên là phải biết khóc, khóc tự nhiên thôi chứ tôi không ủng hộ khóc bằng nước mắt giả. Vì nếu không có cảm xúc, bạn có cố gắng nhăn nhó như thế nào cũng không cảm động được. Bởi vậy nếu có bạn diễn viên nào thật sự có tâm với nghề, muốn cố gắng nâng cao tay nghề thì khó khăn cỡ nào để diễn đi diễn lại nhiều lần để mồi tâm lý cho bạn đó diễn mình cũng sẵn sàng, có khi là kêu gào, la hét như thế nào đó. Chứ còn mấy bạn mà nói với mình thôi cảnh này cũng nhỏ nước mắt giả thì thôi. Mình rất trân trọng những bạn trẻ có tâm với nghề, sống hết lòng với nghề giống như mình hồi xưa vậy đó, sẵn sàng truyền kinh nghiệm lại cho mấy bạn đó để kinh nghiệm nó được kéo dài kéo dài mãi vậy (cười).
Hoài An và đạo diễn Nhâm Minh Hiền Ảnh: ĐPCC
* Nếu bác sĩ buộc không được đóng phim nữa thì sao?
- Ngày đó chắc là ngày tận thế đối với tôi (cười). Thì tôi cũng có đánh tiếng với các đạo diễn quen như anh Nhâm Minh Hiền, Lê Nam là không khóc được nhiều nên có thương thì giao cho mình cái vai nào nhẹ thôi chứ đừng nặng quá. Thí dụ sắp tới bạn có thể sẽ được xem phim Hoa vẫn nở mùa đông, vào vai Vú Lài. Vai tôi 200 phân đoạn mà tôi khóc hết 185 phân đoạn rồi chứ không phải 180 thôi đâu, nghĩa là nó khóc dữ dội vậy đó. Và tôi nói là sau này giao cho tôi vai nào mà nó cũng có đất diễn nhưng ít khóc lại một chút để tôi vừa có thể dưỡng mắt vừa có công việc kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Phòng trường hợp tệ nhất không khóc được nữa thì tôi cũng đang thử nghiệm ở một số phim sitcom, tiểu phẩm hài. Sắp tới tôi sẽ làm khách mời dẫn chương trình để chia sẻ thì tôi sẽ chuyển hướng như vậy đó.
* Nếu phim này đóng vai ác thì chị có sợ khán giả ghét mình không?
- Tôi đã nhận dù vai ác mấy thì nhân vật này cũng phải có cái gì đó để níu kéo được tình cảm khán giả. Dù họ có ác thế nào thì đến cuối cùng vẫn có chút xíu gì đó mà khiến khán giả có thể cảm thông được với những hành động của nhân vật.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.