Diễn viên Hoàng Mập: Từng 'bầm dập', phải bán nhiều nhà để làm phim

14/02/2020 06:49 GMT+7

Hoàng Mập thẳng thắn chia sẻ câu chuyện cá nhân cũng như tiết lộ nhiều điều bất ngờ về việc sản xuất phim trong chương trình Chuyện cuối tuần.

Bị cư dân mạng chửi, ném đá nhiều về vấn đề nhà cửa

Hoàng Mập là diễn viên hài quen thuộc của TP.HCM. Anh từng tham gia rất nhiều bộ phim, thời gian gần đây, nam nghệ sĩ chuyển sang sản xuất phim. Hãng phim của anh từng sản xuất nhiều dự án tiêu biểu như Lọ lem Sài Gòn, Cưới chạy, Đời như ý, Valy tình yêu... Số tiền nhiều nhất mà Hoàng Mập từng bỏ ra khi làm phim là 20 tỉ đồng. Đó là một bộ phim mà Hoàng Mập hợp tác với một hãng phim của Hàn Quốc. Chia sẻ về công việc của mình, nam diễn viên cho biết trong lĩnh vực diễn xuất, anh biết mình không bao giờ lên được sao hạng A, chỉ là sao hạng B, C, D. Song, về tài sản thì anh tự tin mình có thể ở mức “hạng A”. Tuy nhiên, nam diễn viên từ chối chia sẻ nhiều về điều này vì “từng bị cư dân mạng chửi, ném đá rất nhiều về vấn đề nhà cửa”.
Hoàng Mập cho biết điều anh tự hào so với các nhà sản xuất phim khác, đó là anh không bao giờ nợ tiền diễn viên. Nhiều nhà sản xuất chỉ ứng trước một số tiền cho diễn viên khi nhận vai, đến khi phim công chiếu và thu lời thì mới trả tiếp. Còn Hoàng Mập, mỗi khi phim đóng máy là diễn viên cầm “tiền tươi thóc thật” về nhà. Thậm chí, anh còn sẵn sàng cho nhiều người vay tiền mua nhà, xe mà không sợ bị “xù” vì: “Sống trong giới này chỉ vài người, biết nhau hết thì anh em ai làm thế. Nếu làm vậy thì đâu có cơ hội hợp tác tiếp nữa”.
Hoàng Mập cũng tiết lộ, không chỉ khi mời diễn viên đóng phim của mình, anh mới sòng phẳng chuyện tiền bạc, mà ngay cả khi casting vai diễn. Anh luôn thuê nguyên một quán cà phê, trả hết toàn bộ tiền nước, ăn uống hôm đó và yêu cầu chủ quán không được nhận bất cứ đồng nào của các diễn viên. “Nhiều em nghệ sĩ trẻ sĩ diện muốn được mời vai nên nhận trả hết. Nhưng nhỡ mình casting xong không chọn em đó, sẽ rất tội. Ai cũng biết diễn viên không nổi sống thế nào. Các em phải thuê nhà, ăn uống tạm bợ mà còn để trả tiền thì mang tiếng. Nhiều người không hiểu nghĩ mình lợi dụng họ”, anh tâm sự.
Chia sẻ về công việc của một nhà sản xuất phim, Hoàng Mập cho biết nó khác rất nhiều so với làm diễn viên. Anh nói: “Làm diễn viên nắng thì ra chỗ mát ngồi, hết phân đoạn của mình thì ngủ. Nhưng làm nhà sản xuất không như vậy, cực vô cùng. Khi mất điện, rồi công an tới hỏi giấy tờ đều phải có mặt. Mỗi khi qua được một công đoạn nào thì mới có thể thờ phào một cái”. Hoàng Mập cho biết với anh việc mời ngôi sao không khó, không phải vì cát-sê ngôi sao cao hơn các nghệ sĩ bình thường vài trăm triệu là không mời được. Nguyên nhân chủ yếu là bởi các ngôi sao thường quá bận, lúc thì đến trễ, khi thì lại xin nghỉ khi quay được vài ngày, điều này gây khó khăn cho đoàn phim.
“Phim càng nhiều ngôi sao càng mệt. Mỗi người chỉ cần xin nghỉ 1, 2 ngày thôi là đã khó sắp xếp rồi. Đến khi tất cả cùng xin nghỉ thì làm sao quay được. Tuy nhiên, sau khi làm nhiều bộ phim, tôi đã rút ra kinh nghiệm để xử lý những việc này. Tôi không còn bực khi ngôi sao xin nghỉ nữa, tôi vẫn đi uống cà phê và tỉnh bơ. Tôi yêu cầu mọi người khi nghỉ phải quay bù, trả nợ cho tôi. Tôi nghĩ rồi từ từ mọi người sẽ trả lại, chứ có cáu cũng không được gì”, anh nói. 

Từng bán nhiều nhà để làm phim

Nói về các nhà sản xuất phim hiện nay, Hoàng Mập cho biết có rất nhiều kiểu nhà sản xuất. Có người tự bỏ tiền túi ra làm phim, có người vay ngân hàng, có người có tiền của tập đoàn đầu tư. Có người lại thuộc dạng “lừa đảo” luôn kêu gọi dự án để làm phim nhưng làm được một nửa hết tiền nên bỏ trốn. Cũng có dạng nhà sản xuất giả bộ casting để cầm dự án phim đi xin tiền đầu tư, có người thì thuộc dạng “liều” khi làm phim cần 10 tỉ nhưng chỉ có 2 tỉ, quay được đoạn đầu đã dừng. Tất cả những điều đó đều gây ảnh hưởng đến diễn viên và ê-kíp bởi: “Nghệ sĩ thường sống rất tình cảm. Phim dừng giữa chừng thì họ sống bằng gì? Dù sao cũng mất công đóng vài tập rồi. Thế là không ít người dù không được trả tiền cũng quay tiếp với hi vọng sau này nhà sản xuất có tiền sẽ trả”.
Hoàng Mập cũng tiết lộ thêm, để đầu tư một bộ phim tốn rất nhiều tiền, ít nhất cũng phải vài tỉ. Nhưng tiền thu lại thì rất nhỏ giọt và phải qua rất nhiều công đoạn: “Từ khi có kịch bản, rồi tổ chức sản xuất, tiến hành quay, đến khi làm hậu kỳ, duyệt phim rồi công chiếu phải mất đến 2 năm. Tiền thu về thì nhỏ giọt, không bằng tiền lãi gửi ngân hàng, thậm chí nhiều khi còn lỗ, mất trắng”. Chính vì thế, các nhà sản xuất thường phải biết rõ phim làm ra sẽ được chiếu ở đâu, kênh nào hay bán được cho đơn vị nào thì mới tổ chức sản xuất phim. Song Hoàng Mập thì khác: “Duy nhất tôi làm điều người khác không làm. Đó là tự bỏ tiền túi ra làm phim. Tự đầu tư hình ảnh, thuê resort hàng trăm triệu để quay. Đến khi phim hoàn thành tôi mới mang đi chào bán. Dù không biết phim sẽ được phát sóng ở đâu tôi vẫn làm xong mới bán”.
Hoàng Mập cũng tiết lộ, chính vì làm phim tiền bỏ ra thì nhiều, thu về thì chậm nên không hiếm nhà sản xuất bị “gãy” giữa chừng, dẫn đến lỗ, bị người này người kia tố thiếu nợ. Có những dự án phim 100 tập, chi phí khoảng 40 - 50 tỉ, kêu gọi được 2 - 3 nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi chiếu được vài tập không thu được quảng cáo. Nhà sản xuất thấy vậy chấp nhận lỗ vài tỉ chứ không dại lỗ thêm nữa. Và như vậy, người đứng ra kêu gọi đầu tư sẽ là người gánh chịu hết: “Tôi từng ở trong hoàn cảnh đó nên hiểu. Mình là người chường mặt, đứng tên ra nên mọi người chỉ biết mình. Ai biết những người đứng sau là ai để đòi nợ. Vì thế, kinh nghiệm của tôi là phải đủ tiền thì mới sản xuất phim, không bao giờ được nghĩ tháng sau họ đưa tiền cho mình thì làm tiếp. Nếu tháng sau họ không đưa thì làm gì được họ? Chỉ cái gì ở trong tay mình mới là của mình”.
Hoàng Mập cũng cho biết thêm, tùy vào uy tín của người sản xuất mà có thể làm được phim với chi phí đắt hoặc rẻ. Nếu nhà sản xuất có mối quan hệ tốt có thể được diễn viên ngôi sao bớt cát-sê, có thể kêu gọi được trang điểm, trang phục giá rẻ hơn thị trường. Hoặc như bản thân anh, thay vì làm phim mất 40 ngày với giá thấp, anh sẽ đòi chi phí cao hơn và tiết kiệm thời gian làm chỉ mất khoảng 33 ngày. Thừa nhận từng “bầm dập te tua” quá nhiều với nghề, Hoàng Mập cho biết anh từng phải bán rất nhiều căn nhà để làm phim, nhưng may mắn, căn nhà đầu tiên thì anh vẫn giữ lại được nên giờ không phải “ra đường”: “Tôi bán không biết bao nhiêu căn nhà. Đó là những nhà tôi mua được nên khi làm phim phải bán đi. Rất may tôi vẫn giữ được căn nhà đầu tiên của mình”.
Chia sẻ về việc các nhà làm phim hiện nay thường nói quá về doanh thu sau vài ngày công chiếu lên đến 50-70 thậm chí hàng trăm tỉ, Hoàng Mập cho biết đó chỉ là những con số “bay bổng” khiến người nghe “hết hồn” chứ sự thật thì không được như vậy: “Nếu làm phim mà thu lời mấy trăm tỉ như vậy thì cả giới đại gia ở TP.HCM nhảy vào làm phim ngay, ai cũng sẽ đi làm phim hết. Đừng bao giờ tin các con số, phim vừa chiếu vài ngày lấy đâu ra mà mấy chục tỉ. Tuy nhiên, người ta vẫn phải “nổ” như vậy để thu hút tiền cho các dự án sau. Cũng có trường hợp, người ta kêu gọi được 15 tỉ, nhưng làm phim chỉ mất 12 tỉ, như vậy là họ được lời 3 tỉ rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.