Đình làng kỳ sự: Độc đáo 'ngôi đình' với lễ hội tắt bếp

13/08/2018 08:08 GMT+7

Với người dân Trà Kiểm (xã Hòa Phước, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), miếu Ông ngay giữa làng không khác gì ngôi đình gắn liền với lễ hội có một không hai - lễ hội tắt bếp.

Bữa cơm chung của cả ngàn người

Với mỗi gia đình, bếp lửa trong nhà đều đóng vai trò quan trọng, biểu tượng cho sự ấm êm, hạnh phúc. Bởi vậy, thoạt nghe cái tên lễ hội, cũng như chúng tôi nhiều người rất băn khoăn: tắt bếp thì chuyện cơm nước mỗi gia đình sẽ thế nào? Tắt bếp để làm gì?

Phó thôn Trà Kiểm Nguyễn Hữu Thắng cho biết không riêng gia đình nào mà đúng ngày 12.2 âm lịch hằng năm, cả làng không ai bảo ai đều tự tắt bếp lửa, tập trung về ngôi đình giữa làng để cúng tiền hiền rồi cùng nhau vui hội. “Đến nay nhiều bậc cao niên trong làng cũng không nhớ lễ hội có từ lúc nào. Chỉ nghe các cụ kể lại rằng từ trong chiến tranh, bom rơi đạn lạc có thế nào thì người làng chúng tôi cũng tắt bếp đúng giờ, đúng ngày để tưởng nhớ những người khai khẩn lập làng…”, ông Thắng kể.

Ông Thắng cho biết làng Trà Kiểm xưa có tên xóm Rừng với chỉ 40 hộ dân thuộc vài tộc họ. Trong ký ức của ông Thắng, lễ hội tắt bếp là dịp ông được theo cha lê la dọc đường làng ăn quà vặt. Thời kỳ khốn khó, trước ngày diễn ra lễ chính thức, đêm 11.2 âm lịch là thời điểm vui nhất.

Những bà già, bà chị quẩy gánh ra đường rồi chong đèn dầu bán bánh gói, bánh xèo… hình thành nên một khu chợ ẩm thực đậm tình quê.

Trưởng thôn Nguyễn Thanh Quý cho biết nhờ lễ hội tắt bếp mà thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Thắng tiếp lời: “Hồi đó ai cũng nghèo khó nhưng lễ hội thì ấm áp vô cùng. Tôi nhớ trước lễ hội vài ngày, những người lớn tuổi họp lại để bàn việc nấu cỗ cho làng. Sau đó nhà ai có gì thì cứ đem đến nấu chung. Người khá giả thì mang con gà, người trung bình thì góp chục lon gạo nếp, khó khăn hơn thì chục quả trứng vịt, mắm muối, dưa cà… Bữa cơm của hàng trăm người không phân biệt sang hèn, chức tước…”.

Ngày nay, lễ hội vẫn giữ ngày cử hành và cách thức đóng góp chỉ khác là xã hội hiện đại nên việc đóng góp được huy động bằng tiền mặt.

Và dĩ nhiên số tiền đóng góp không hạn định, ai có điều kiện thì đóng nhiều, ai khó khăn thì góp số tiền phù hợp với gia cảnh.

Ông Nguyễn Thanh Quý, Trưởng thôn Trà Kiểm cho biết với người làng, miếu Ông không khác gì ngôi đình thờ tiền hiền, thành hoàng ngoài ngôi đình chính Quá Giáng.

Vào tối 11.2 âm lịch, cả làng trên xóm dưới của thôn Trà Kiểm quây quần về miếu Ông làm lễ tế rước tiền hiền, tổ tiên… Trong đêm, thanh niên quây quần hát hò, biểu diễn văn nghệ còn người lớn tuổi thì rộn ràng hô hát bài Chòi.

Ngày tắt bếp đoàn kết

Ngày hội chính của lễ hội diễn ra vào sáng sớm 12.2 khi cả làng tập trung tại nhà văn hóa thôn để tổ chức lễ chính tế thần, thành hoàng với cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng no đủ…

Lễ tắt bếp bắt đầu từ sáng sớm. “Chúng tôi không phải nhắc nhở nhà nào phải tắt bếp bao giờ và cũng không phải phạt ai không theo lệ làng. Chỉ cần đến sáng là cả làng đã tập trung đông đủ từ già trẻ, gái trai… Không khí vui vẻ của lễ hội tưng bừng nên ai cũng muốn có mặt”, ông Nguyễn Thanh Quý nói.

Ông kể người làng luôn ý thức đó là dịp đoàn tụ, sum vầy sau 1 năm làm việc vất vả nên dù ở xa, có người Hà Nội, TP.HCM… cũng cố gắng trở về đúng dịp lễ hội. Người không về được cũng góp của để cả làng chung vui. “Lễ hội vừa qua, làng góp được cả trăm triệu đồng. Bữa cơm chung cả làng đến cả 70-80 mâm cơm với 700-800 người cùng vui. Sau lễ, làng còn dư được vài chục triệu đồng để làm quỹ tương trợ lẫn nhau…”, ông Nguyễn Hữu Thắng góp chuyện.

Đối với người làng Trà Kiểm, ngôi miếu giữa làng không khác gì ngôi đình linh thiêng mà họ tôn thờ, nhang khói thường xuyên ẢNH: HOÀNG SƠN

Nhiều năm diễn ra lễ hội với hàng trăm người tham dự chưa khi nào làng Trà Kiểm để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự… Trong bữa cơm chung, mọi người trò chuyện vui vẻ với nhau đủ điều, từ năng suất cây trồng cho đến việc xây dựng đường làng, ngõ xóm thêm khang trang. Con cháu đi làm ăn xa cũng được người già hỏi han, động viên những khó khăn trong cuộc sống. Dưới mái đình, mọi người thêm hiểu nhau hơn.

Kết thúc một ngày tiệc tùng, văn nghệ sôi nổi, ai về nhà nấy. Bếp lửa “gia đình lớn” tạm tắt để bếp lửa của mỗi gia đình nhỏ lại đỏ lên.

Ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết thêm, trước đây, lễ hội tắt bếp chỉ diễn ra trong ngày 12.2 âm lịch, tuy nhiên nhận thấy tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn sau ngày hội, làng đã quyết định có thêm một ngày tắt bếp vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân (18.11 hằng năm) với quy mô nhỏ hơn.

Nhờ tình đoàn kết và nếp sống chân tình mà những chương trình xây dựng thôn văn hóa tại Trà Kiểm luôn đạt được kết quả “kỷ lục”. Năm 2010, thôn Trà Kiểm là 1 trong 3 thôn của Hòa Vang đón nhận bằng khen của Bộ VH-TT-DL tặng trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa 20 năm”.

Năm 2012, Trà Kiểm được chọn là thôn điểm để nâng cấp, mở rộng giao thông kiệt hẻm xây dựng nông thôn mới. Và không mấy bất ngờ khi các hộ dân tình nguyện hưởng ứng hiến cả 1.000 m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng mở rộng 1,7 km hẻm…

Nhà nào cũng ý thức, chăm chút đoạn đường trước nhà mình nên đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng đầy hoa, cây cối xanh mát. Ở Trà Kiểm, hễ nhà nào có hiếu hỉ, ma chay là người làng xúm lại phụ giúp. Người lạ vào làng luôn được đón tiếp nhiệt tình, chan hòa đến kỳ lạ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.