Đình làng kỳ sự: Linh thiêng ngôi đình thờ chữ 'Tổ quốc'

15/08/2018 13:53 GMT+7

Bởi chính 2 chữ Tổ quốc trên bức hoành phi treo trang trọng giữa ngôi đình Xuân Dương (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) mà trong chiến tranh, quân địch không dám đụng vào đình, bằng không đã san phẳng…

Tổ quốc là trên hết

Năm nay đã 79 tuổi nhưng cụ Lê Trọng Bính (nguyên Trưởng ban lễ đình Xuân Dương) vẫn còn minh mẫn và khắc nhớ nhiều câu chuyện về ngôi đình.

Chỉ tay về phía trụ biểu trước đình, cụ Bính đọc lớn: “Nhâm Thân kiến tạo xã cát Bảo Đại thất niên phân sách bộ”, nghĩa là năm Nhâm Thân Bảo Đại thứ bảy (1931), làng Xuân Dương chính thức chia tách khỏi làng mẹ Xuân Thiều. Cũng từ đó mà đình làng được lập nên để thờ thành hoàng làng”.

Theo lời cụ Bính, ban đầu, đình chỉ được dựng tranh tre tạm bợ để có nơi cả làng cùng hướng về trong ngày giỗ chạp. Thế rồi trong thời buổi chiến tranh, đình nhanh chóng xuống cấp khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa. Các bậc cao niên trong làng lúc này mới bàn việc dựng lại ngôi đình bề thế hơn.

Bức hoành phi với 2 chữ Tổ quốc được treo trang trọng tại tiền đường đình Xuân Dương ẢNH: HOÀNG SƠN

Sáu năm sau ngày Xuân Dương được chia tách, cả làng một lần nữa dựng lại đình Xuân Dương. Chiếc đòn đông độc đáo có khắc dòng chữ Bảo Đại Đinh Sửu niên nhị nguyệt thập ngũ nhật cát nhật Xuân Dương xã bổn xã cẩn tạo để ghi dấu năm dựng đình, tức Đinh Sửu (1937).

Không riêng gì cụ Bính mà nhiều người già trong làng đều kể rằng khung đình Xuân Dương hiện tại là do một người phụ nữ trong làng gìn giữ, bảo quản sau khi mua lại nhà thờ ở xã Hòa Liên (H.Hòa Vang).

Chiến tranh ác liệt nổ ra, cảnh nhà tan cửa nát, người dân giữ tính mạng đã khó nên trong suốt một thời gian dài đình làng Xuân Dương không được tu bổ.

Mãi đến năm 1964, ngôi đình mới được đại trùng tu và giữ nguyên trạng cho đến ngày nay với lối kiến trúc “chồng rường giải thủ” độc đáo cùng nghệ thuật chạm khắc gỗ cực kỳ tinh xảo.

Đình Xuân Dương là một trong số ít ngôi đình tại Đà Nẵng có kiến trúc cổ đẹp mắt ẢNH: HOÀNG SƠN

“Tháng Giêng năm 1964, nhờ có kinh phí dành dụm mà các cụ trong làng đã nghĩ đến việc sửa sang cho ngôi đình khang trang hơn. Khi trùng tu thêm lần nữa vào năm 2004, trụ biểu vẫn ghi rõ năm đó là lần trùng tu “đại căn cơ” với đầy đủ hạng mục”, cụ Bính kể.

Cụ Lê Văn Chước (75 tuổi), Trưởng ban lễ đình Xuân Dương chỉ tay vào tấm hoành phi đỏ chót treo giữa tiền đường, góp chuyện: “Cũng từ năm đó mà đình Xuân Dương chúng tôi thờ 2 chữ Tổ quốc. Các cụ lý giải, ai cũng có Tổ quốc và Tổ quốc là trên hết. Đình làng là nơi thờ phụng thì cũng là nơi thờ Tổ quốc”.

Bởi chính 2 chữ Tổ quốc thiêng liêng mà từ sau 1964, dù chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt nhưng đình làng vẫn uy nghiêm tồn tại. Không những vậy, địch có phần ái ngại khi đụng vào mảnh đất đình tọa lạc.

Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp TP được treo trong ngôi đình ẢNH: HOÀNG SƠN

“Động đến đình là động đến Tổ quốc”

Cụ Lê Trọng Bính kể núi Xuân Dương nơi ngôi đình tọa lạc vốn là dãy núi đá kéo dài ra phía biển. Trong thời kỳ Pháp thuộc, một phần dãy núi đã được san bạt để làm tuyến đường sắt. Từ đó, phần núi phía sau lưng đình bị khuyết một vùng lớn. 

Từ năm 1965 - 1966, quân địch cho cày phá ngọn núi Xuân Dương để khai thác vật liệu về làm Sân bay Đà Nẵng khiến cảnh tượng tan hoang. Trong những năm 60 thế kỷ trước, để phục vụ sân bay quân sự, phía Mỹ đã lên kế hoạch san phẳng ngọn núi. 

“Nếu vậy thì ngôi đình chắc chắc sẽ không còn giữ được. Cả làng như ngồi trên đống lửa vì đình chỉ mới vừa trùng tu xong vào năm 1964. Lúc này, cha của ông Đặng Xuân Sơn (nguyên Trưởng ban lễ đình) vốn là quan dưới triều vua Bảo Đại thông thạo Pháp ngữ, Hán văn mới nghĩ ra cách làm bức hoành phi để thờ”, cụ Bính nhớ lại.

Một mặt bỏ ra số tiền 110 đồng để thuê thợ giỏi, một mặt cha ông Sơn nghĩ ra 2 từ Tổ quốc để thợ khắc chữ và sơn son thếp vàng. Khi làm xong, bức hoành phi được treo ngay chính gian giữa ở vị trí trang trọng nhất.

Tuy đang bị xuống cấp nhưng gian chính ngôi đình mang đậm nét kiến trúc cổ độc đáo ẢNH: HOÀNG SƠN

“Nếu thờ chữ Tổ quốc thì bất cứ ai cũng phải dè dặt khi đụng tới ngôi đình”, ông Bính kể. Cũng vì tấm hoành phi mà cha ông Sơn đã bị chính quyền Việt Nam cộng hòa hạch sách. 

Ông liên tục bị mời lên để truy vấn về ý nghĩa chữ Tổ quốc, ẩn ý khi thờ phụng chữ Tổ quốc là gì. Vì là người lý lẽ, nói chuyện thấu tình đạt lý mà chính quyền cũ đã nhượng bộ. 

Cụ Lê Trọng Bính nhận định: “Đình làng thờ chữ Tổ quốc đã khiến chính quyền Việt Nam cộng hòa chùn tay trong việc khai thác ngọn núi. Động đến đình là động đến Tổ quốc. Phía chính quyền cũng nhận thấy nếu bán đá từ ngọn núi sẽ ảnh hưởng đến ngôi đình và nên mọi việc đều dừng lại. Nếu không, quân Mỹ đã lấy nguyên quả núi, bãi đất thì đình chẳng còn cách nào giữ được”.

Năm 2007, đình làng Xuân Dương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp TP. Để có được danh hiệu về kiến trúc, người dân địa phương tin rằng đình Xuân Dương luôn có những điều linh thiêng. Mà bằng chứng là trong chiến tranh ác liệt đến mấy thì ngôi đình vẫn nguyên vẹn từng rường cột, đòn tay như được sự che chở của tiền nhân.

Hai chữ "Tổ quốc" đã cứu ngôi đình
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.