Đợi gái hay là giữ trọn chữ tín?

01/04/2018 06:58 GMT+7

Tháng 11.2017, chúng tôi có nhận được bức thư của một bạn đọc giấu tên, gửi qua Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, nguyên văn như sau:

“Trong cuốn Câu chữ Truyện Kiều (ảnh) của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, ở trang 78, từ dưới đếm lên, hàng thứ 2, về câu 328 của Truyện Kiều: Trần trần một phận ấp cây đã liều, tôi cho rằng không phải tích giữ cây đợi thỏ [守株待兔], mà là tích ôm trụ cầu đợi gái của Vĩ Sanh [尾生抱柱], mong ông xem lại và đính chính. Chúc mạnh khỏe! Một độc giả ở Bình Dương”.
Bạn bảo chúng tôi đính chính còn chúng tôi thì băn khoăn, không biết bạn có thực sự rõ tích Vĩ Sinh bão trụ và cách dùng nó hay chưa. Nói vắn tắt thì nó như thế này: Vĩ Sinh có quen với một cô gái xinh đẹp rồi hai người hẹn ước chuyện trăm năm với nhau. Nhưng cha mẹ cô gái chê Vĩ Sinh nhà nghèo nên không chấp nhận. Cô gái quyết giữ đúng lời thề, định cùng Vĩ Sinh bỏ trốn. Hai người hẹn gặp nhau tại một chiếc cầu gỗ ở phía ngoài Hàn Thành để cùng nhau trốn đi. Lúc trời về chiều, Vĩ Sinh đến chiếc cầu đợi trước. Không ngờ phút chốc mây đen phủ kín trời, gió to thổi mạnh, sấm vang chớp giật rồi nước lũ từ núi tràn về cuốn theo bùn đất làm ngập cả cầu nên Vĩ Sinh cũng bị ngập tới đầu. Nhớ lời hẹn ước, Vĩ Sinh quyết không gặp không đi. Nhưng chung quanh chỉ có nước cuộn trào mà không thấy bóng dáng cô gái. Sinh một tấc không đi, một li không rời, dù có chết cũng ôm lấy trụ cầu nên bị nước lũ dìm chết. Phần cô gái thì bị cha mẹ nhốt chặt trong nhà nhưng đến nửa đêm nàng cũng trốn đi được. Đội gió gội mưa, nàng ra đến nơi ước hẹn thì cũng vừa lúc nước đang rút dần và nhìn thấy Vĩ Sinh ôm chặt trụ cầu mà chết. Cô khóc lóc thảm thiết rồi cũng trầm mình xuống dòng nước đang chảy mà chết theo chàng.
Đấy, câu chuyện lâm ly, bi đát như thế mà bạn lại hạ cho mấy tiếng “ôm trụ cầu đợi gái” thì còn ra cái thể thống gì! Đây nào phải chuyện đợi gái. Cái tích này đã thành điển trong Hán thư - Cổ kim nhân vật biểu, Nghệ văn loại tụ, Sử ký - Tô Tần truyện, Chiến quốc sách, Hoài Nam tử, Luận ngữ, đặc biệt là trong chương “Đạo Chích” của sách Trang Tử. Nhiều tác giả khác cũng đã vận dụng nó, riêng Lý Bạch thì nhắc đến nó trong thiên “Trường Can hành” (câu “Thượng tồn bão trụ tín”). Nó là sự tích của câu thành ngữ Vĩ Sinh bão trụ [尾生抱柱], với nhiều khúc biến tấu như Vĩ Sinh chi tín [尾生之信], bão trụ tín [抱柱信], tín như Vĩ Sinh [信如尾生]..., để chỉ việc kiên thủ tín ước [堅守信约], nghĩa là quyết giữ vẹn lời thề. Thậm chí người ta chỉ dùng hai tiếng bão trụ để chỉ cách hành xử này. Đây mới là hàm nghĩa chính xác của thành ngữ Vĩ Sinh bão trụ. Nó tuyệt đối chẳng có liên quan gì đến việc chờ gái, đợi gái cả. Huống chi, ngoài lần đầu tình cờ gặp mặt trong lễ tảo mộ thì, cho đến câu 328, Kim Trọng mới gặp lại Kiều chứ trước đó đã gặp nàng thêm lần nào đâu mà đính ước, hẹn hò, để “ôm trụ cầu đợi gái”!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.