Đời nay mấy mặt - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

11/04/2021 06:19 GMT+7

Ba mươi tuổi cô Thy mới lên xe hoa nhà chồng. Ông Ngũ, cha cô mừng lắm. Tổ bà nó - ông nói - tao tưởng “kẹn hom” luôn là về già không ai cơm ăn nước rót thì có mà chết.

Đến năm ba mươi bốn chả biết mắc cái giống gì mà cô Thy cùng thằng cu ba tuổi đi một hơi về nhà lão Ngũ. Thường thì vợ chồng cô cùng con trai trên xế hộp, năm thì mười họa cô mới một mình một con một tay ga về thăm cha, thăm em và thắp hương cho mẹ. Đằng này cô về bằng xe buýt là có chuyện đa nghe. Cư dân tổ hai ấp một của cái xứ lão Ngũ đang thường trú, già non đoán thôi nhưng trăm phần trăm cô Thy giận bên chồng. Đời mà. Ta bà trên thế gian ô trọc lóc này luôn rách việc bởi rỗi hơi. Đoán đã đời họ quay qua lên án lão Ngũ không biết... sống. Mẹ cha ôi... Sáu mươi lăm tuổi, tóc một màu bạch kim mà không biết sống nghĩa là làm sao? Họ nói con gái giận chồng, giận nhà chồng mà cha ruột chứa chấp là không biết lễ. Làm vậy con gái được nước, mỗi giận mỗi về thì ra cái thể thống gì? Nghe ta bà mổ xẻ chuyện mình trong cà phê cóc Bảy Thả, lão Ngũ bèn tàn tàn ghé làm ly đen nóng nghe chơi cho biết.
Khách của cà phê Bảy Thả không một ai thiệt thọ của xứ này. Ngay Bảy Thả cũng đâu ngoài miền Trung, vào cái năm lũ lụt kinh hoàng nào đó xa lăng lắc, nghe nói xứ này làm ăn được bèn đến đây. Vậy là ra cái tổ hai ấp một.
Chiêu một ngụm cà phê, Ngũ hỏi:
- Ê... Bảy Thả... thằng nào nói tao không lễ nghĩa vậy? Mày hả? Không lễ nghĩa nghĩa là làm sao mày nói tao nghe.
Bảy Thả và lão Ngũ là những kẻ đầu tiên tạo nên tổ hai ấp một này. Chơi với nhau từ thuở mép chưa có ria nên mày mi tau tớ quen rồi:
- Hai Cao nói chớ không phải tao.
Ngũ hỏi Hai Cao:
- Lễ nghĩa sao nói nghe chơi Hai Cao.
- Con tui giận chồng về nhà là tui không chứa.
- Vậy ra con ông có bị chồng thoi vô mặt hay chửi cha mắng mẹ cũng phải cắn răng mà chịu hả?
- Ông có đọc sách mà không nhớ câu “Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử” nghĩa là “con về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái lời chồng” trong bài văn sách có tên Kinh nghĩa của cụ Lê Quý Đôn. Phận gái mười hai bến nước...
- E... hèm - Ngũ dặng hắng - phải chơi không phải xù ở đó mà kính với răn. Với ông thì trong nhờ đục chịu chứ Ngũ Khùng này trong nhờ đục lóng phèn. Con gái tui về không ở nhà tui thì nhà ông chắc? Hay là ra khách sạn? Ông thì việc nhà mình không chứ nhà người ta thì thạo. Bớt xen chuyện người khác giùm cái cha nội.
Lão Ngũ độp vào mặt mà Hai Cao còn im như thóc trong bồ, huống bầy sửu nhi cho đến trung niên. Mà lão nói nghe có lý chớ hả? Thập niên thứ hai của kỷ hai mốt, ở đó mà bến nước với bến tắm ngựa. Nhưng mà chuyện chi mà cô Thy ẵm con về nhà cha ruột vậy kìa? Để hỏi Bảo Cao hay Huy Trọc, hai thằng con trai của lão Ngũ, em của cô Thy xem sao. Bảo Cao thì khó cạy miệng bởi thằng này, đất nước vừa vào đổi mới nó đã mới một cái trời sợ luôn. Ta bà tổ một ấp hai nhiều chuyện rằng vì Bảo Cao nên bà Ngũ sinh bịnh mà qua đời. Bảo Cao bị bốn năm tù vì chém người gây thương tích. Biết vợ vào nhà nghỉ với bồ cũ, Bảo ôm mã tấu đợi. Gian phu dâm phụ vừa ra khỏi phòng là - a lê hấp - một đứa một mã.
Dân tổ một ấp hai ớn lão Ngũ thì ít mà ớn Bảo Cao nhiều. Hỗn với cha nó, nó cho ăn mã tấu thì mệt lắm. Huy Trọc thì khác. Thằng thứ út này hiền kiểu cắn cơm không bể nhưng cắn tiền bể đôi, lại hoạt bát. Nó kể rằng thằng anh rể tên Long tuy phó giám đốc công ty nhưng vẫn tăng ca đêm. Phó xưởng sản xuất, công nhân làm mình về đâu có được. Nửa đêm thằng con đau bụng khóc ngằn ngặt làm cô Thy điếng vía. Bà má chồng đè ra cạo gió. Cạo xong cu con vẫn đau. Vậy là taxi đến nhà đưa hai mẹ con đi bệnh viện huyện. Mở xì mác phôn thì máy hết pin. Cô Thy bèn mượn điện thoại bạn cùng phòng gọi cho chồng. Nghe tiếng nhạc Thy biết chồng đang tăng hai chứ không phải tăng ca. Và cô tràn hông khi kẻ bắt máy là một giọng nữ. Giận quá Thy cắt cái rụp.
Thằng cu chỉ rối loạn tiêu hóa chứ không sao. Sáng. Chồng đến:
- Sao không gọi điện cho anh?
- Lúc mười hai giờ em có gọi.
Long mở máy:
- Đâu có cuộc gọi nhỡ nào của em.
- Lúc đó máy hết pin nên em mượn điện thoại của bạn cùng phòng.
Rồi hai vợ chồng cùng về. Vào phòng Thy thu gom áo quần của hai mẹ con vào va li. Long nói:
- Anh... xin lỗi... Giám đốc công ty rủ rê karaoke không đi không được.
- Khi hôm con Thúy kế toán trưởng bắt máy. Nó nói gì anh hỏi nó thì biết.
Nói rồi cô lên xe buýt về nhà lão Ngũ.
***
Ra là ghen tuông chứ chẳng chi lớn. Thời buổi mà hai vợ chồng bất kỳ, là công nhân của một công ty nào đó trên đất nước này, lương tháng cả hai mười lăm triệu chưa tăng ca là chắc nụi. Nếu cặp vợ chồng ấy có hai con đang mầm chồi lá, thêm tiền nhà trọ cũng chưa đến cái giá ba triệu. Làm công nhân thì công ty đã cung cấp ngày hai bữa ăn. Xài chi thì xài mỗi tháng cặp đôi ấy, chí ít dư cũng năm triệu. Vài tháng họ gửi về giúp ông bà nội ngoại vài đồng ăn trầu hút thuốc lá vặt là chuyện nhỏ xíu. Lâu lâu chồng cùng chiến hữu tranh thủ vợ đang ca đêm bù khú ở kara là ôkê tí chút cho vui. Công nhân còn vậy huống Long là phó giám đốc. Nhất là vụ kara có tay vịn. Từ chân lấm tay bùn bước ra ánh sáng, lực quyến rũ của phồn hoa ai không thích kẻ đó không là người. Mà đã là người thì “không đi không biết đồ sơn, đi rồi mới biết không hơn đồ nhà, đồ nhà tuy có hơi già, nhưng là đồ thật chứ không là đồ sơn”.
Vui chơi tí chút chứ vợ cái con cột luôn là kim chỉ nam phải không Long?
Đời nay mấy mặt - Truyện ngắn của Nguyễn Trí1

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN

Ba ngày sau phó giám đốc Long mới tốp xế hộp trước nhà lão Ngũ. Thằng cu ba tuổi đang chơi với ông ngoại trông thấy ba là ùa vào lòng rối rít ba ơi con nhớ ba. Ba cũng nhớ con, Long ta hun hít thằng cu một thôi một hồi rồi: Ba khỏe chớ hả? Để con thắp cho má cây nhang... Cuối cùng là:
- Vợ con đâu rồi ba?
- Nó ra xã chứng lý lịch và hồ sơ xin việc.
Lão Ngũ nói tỉnh khô không hỏi han chi ráo.
- Con đưa thằng Huân về đi học. Đã ba ngày không đến lớp... ba nói với vợ con chiều nay về con có chuyện cần nói.
Lão Ngũ nhìn con rể một lúc:
- Chuyện ra sao mặc kệ chúng mày. Con vợ mày nhờ tao trông thằng Huân. Lại yêu cầu nếu mày đến thì chờ nó về nói chuyện. Ngồi đi... chuyện ra sao nói nghe được không? Nói cho thiệt nghe.
- Dạ... hôm cu Huân rối loạn tiêu hóa con với ông giám đốc người Đài đi karaoke... Vợ con giận chứ không có chi lớn đâu ba.
- Chỉ vậy thôi?
- Dạ... chỉ có vậy. Ba nói với cô ấy giúp con. Con chơi một chút vì không thể từ chối...
- Nếu chỉ vậy thì chả có chi lớn. Đàn ông thì lâu lâu chán cơm đi ăn phở cũng không sao. Vậy mà con Thy nói...
- Vợ con nói sao ba?
- Nó nói cái hôm kara ca riếc chi đó nó gọi thì con Thúy bắt máy. Thúy nào vậy? Phải con bồ cũ của mày không?
- Dạ... cô ấy là kế toán trưởng của công ty. Quan hệ đồng nghiệp chứ bồ bịch thì xưa rồi ba ơi.
- Nếu vậy thì mày chờ tí. Con Thy sắp về rồi.
- Bà nội nhớ cháu nên bảo con...
- Chờ xíu đi rể. Chuyện không lớn thì gấp gáp gì? Hay còn có chi khác lớn hơn mà mày muốn bắt thằng Huân để áp lực? Con Thy thì mày biết rồi đó. Một một hai hai chứ không giỡn được đâu.
- Dạ...
- Dạ cái gì? Hôm qua con Thy vợ mày viết đơn ly hôn. Tao hỏi thì nó nói con Thúy bồ cũ của mày gặp nó ở...
- .....
- Con Thúy bầu ba tháng đúng không?
Cặp mắt mí lót của Long thiếu điều như chữ o. O hay a chi mặc kệ, lão Ngũ vẫn rằng thì cô Thúy bồ cũ thời cấp ba của Long mời Thy ra cà phê Bonsai tâm sự cho vui đời. Thúy bảo rằng - thậm chí cô để Thy quay phim ghi âm tùy ý - đang mang con của Long được ba tháng. Long bảo cô đi điều hòa nhưng Thúy đã từng dại thì cũng phải khôn một chút. Ngày xưa cô đã ngu si bỏ chân lấm tay bùn Long chạy theo con nhà giàu đẹp trai nên giờ cô dứt khoát không buông. Ai đó dạy biết cách buông tay là người hạnh phúc nhất. Khổ đau không phải do số phận hay người khác tạo ra mà do chính mình, biết buông bỏ bạn sẽ sống đơn giản và hạnh phúc hơn. Những ý trên chỉ dành cho kẻ đang lâm cảnh cùng đường tuyệt vọng. Đời Thúy đang như hoa héo chộp được anh, ngu gì buông.
Đó rồi lão Ngũ đem cái đoạn ghi âm buổi nói chuyện của Thy và Thúy mở cho Long nghe. Long rủ mắt, mặt tái như chàm đổ lặng yên không nói được một lời. Tội nghiệp quá thì thôi. Ca dao dạy đàn ông nông nổi giếng khơi, với Long là sai bét. Long nông nổi cù lao thì có. Ham của lạ. Lúc nào cũng một cái lạ bằng một tạ đường phèn.
Lúc này cô Thy đã về tới. Cu Huân bỏ ông ngoại sà vào lòng mẹ. Hôn hít cu con đã đời cô vào phòng lấy giấy ly hôn nhìn chồng giọng lạnh tanh:
- Tôi giải thoát cho anh. Ký đi. Ai nuôi thằng Huân sẽ do tòa quyết định. Trong khi chờ đợi phán quyết cu Huân ở với tôi. Ở đây cũng có mầm chồi lá nên anh yên tâm. Mỗi chiều thứ bảy tôi cho phép anh rước nó về chơi với ông bà nội. Chiều chủ nhật anh mang nó về cho tôi được không?
- .....
- Anh cũng nên báo cho gia đình anh biết chúng ta ly hôn. Quyết định vậy đi.
Sự việc diễn tiến có mặt của Bảo Cao và Huy Trọc. Bảo - như đã biết - âm thầm ít nói. Huy thì:
- Chị Hai tao giải quyết mọi chuyện nhanh gọn và đẹp như Lý Tiểu Long ra đòn. Anh rể tao về không nói được một tiếng. Mà nói chi được nữa khi mọi chuyện sờ sờ.
- Sờ sờ là làm sao?
- Bà Thúy quyết danh chánh ngôn thuận với ông Long nên hình ảnh đi chơi đi bời ở Vũng Tàu, Long Hải, hình trong khách sạn cũng chuyển hết vào máy cho chị hai tao. Lúc ra tòa lần một không có ông Long...
- Sao vậy?
- Bà Thúy đẻ chớ sao nữa mà hỏi hả thằng ngu.
***
Mọi chuyện xem như ổn. Cô Thy là công nhân phổ thông của một công ty, lương tháng dư đủ để hai mẹ con vùng vẫy với chợ đời. Lão Ngũ có bổn phận đưa đi rước về cháu ngoại đến mầm chồi lá.
Cũng nhắc lại, cô Thy sinh ra và lớn lên trong một gia đình khố rách áo ôm. Trăm phần trăm dân tổ hai ấp một là áo ôm khố rách. Ngày nay họ có ăn có để là nhờ vào cần cù và sự chuyển mình của xã hội. Như cô Thy, trưởng nam hay trưởng nữ của hộ nào cũng phụ cha mẹ kiếm cái bỏ bụng từ rất sớm, dành cái sự học lại cho em út. Cô Thy mới lớp bốn đã ô sin cho nhà giàu. Mười hai tuổi theo cha má vào rừng trông em. Một năm không quá một tháng mới được quét căn nhà lợp lá dừa nước, vách lồ ô nền đất ở tổ hai ấp một nầy. Em trai ở tù, mẹ chết, một tay cô lo cho cha già, nhưng ba mươi tuổi cô mới gật đầu làm vợ Long không phải do cô nghèo và xấu đâu nghe. Cô xinh xắn và duyên lắm đó. Như lão Ngũ đã nói khi con gái cho Long về nhà ra mắt ông:
- Tao tưởng kẹn hom luôn rồi chớ.
Một thằng tre trẻ hỏi:
- Kẹn hom là cái nghĩa lý gì hả bác Ngũ?
- E... hèm - lão Ngũ dặng hắng - đầy đủ của câu này là “già kén kẹn hom” nghĩa là kén chọn quá mức sẽ bị mắc bẫy, sa lồng. Đôi khi lựa chọn kỹ quá rồi chộp phải người tệ hại, phải chịu đựng nhau cả đời. “Già kén kẹn hom” là vậy đó hiểu không?
Sau ly hôn cô bác tổ hai ấp một nói lão Ngũ đúng là tiên tri số một. Cô Thy hơn cả “kẹn hom”. Chồng thiên hạ có sa chước cám dỗ nhiều lắm là chân nam đá chân chiêu ngoài chợ bởi rượu. Hơn tí là cờ bạc, còn gái gú thì tí chút cho vui. Cá biệt có thằng cũng bé cũng mọn nhưng chui nhủi xứ khác chứ chả ai dám ngang nhiên xách bầu đến đôi co với bà lớn.
- Chuyện này cũng thường thôi chứ có chi mà tiên tri - Người nghe nói.
- Mày thì biết cái gì... chuyện con Thy thì có chi mà tiên tri. Chuyện thằng Long mới thiệt là lão Ngũ nói như thánh nói.
- Sao? Nói anh em nghe với.
- Tao nhớ bữa đó ngay tại quán cóc này. Lão Ngũ nói với Năm Lựu Đạn rằng... mày biết đó... hai lão gia này mà tụ lại thì...
- Thì mà là nhưng song le...? Nói mẹ đi. Rê ra mệt quá.
Lão Ngũ nói chắc gì cái con Thúy đang mang là của thằng Long ông Lựu Đạn ơi. Thằng Long ngơ như bò đội nón. Tình cũ nên xa xa mà ngắm nhìn mà lưu kỷ niệm. Ăn cho bằng được, không nghĩ rằng mình có thể bị đổ vỏ... Y như rằng. Sau đó nương vô tình bè bạn cùng quê hương xứ sở, cùng tuổi tác, cùng một thời tụ lại để cho ra tổ hai ấp một, Long khẩn cầu Năm Lựu Đạn nói giúp lão Ngũ một tiếng. Lựu Đạn kể với ta bà cà phê cóc Bảy Thả rằng, cô Thúy lâm bồn chưa tỉnh thì Long đã nhờ bác sĩ phụ khoa lấy giúp một mẫu rốn để xét nghiệm.
- Con làm sao bây giờ chú Năm ơi - Long khẩn khoản - chú giúp con một tay. Con sai quá rồi.
Nhưng Lựu Đạn không dám. Đã có gan ăn cướp thì có gan chịu đòn. Sai thì sửa được chứ Long có tội. Không thành án nhưng nặng trình trịch.
Cô Thy lạnh như tiền mỗi khi Long đến nhà rước cu Huân về thăm nội. Ngoài bốn mươi cô cũng còn mòn con mắt lắm nên không thiếu người đến nhà xin xách dép, nhưng cô nói:
- Em vẫn còn yêu anh Long, ảnh chết em mới thêm bước nữa.
Ta bà nghe mà chẳng dám cười.
Đúng là đời xưa mấy mặt đời này mấy tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.