Vịt quay - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

16/02/2020 06:35 GMT+7

Hôm ấy tôi đang lếch thếch trên đường Điện Biên Phủ, trong tay là xấp vé số. Ba giờ chiều mà còn những năm mươi trong tổng số một trăm tờ, quá xá là ế. Đang rầu thì một chiếc Mẹc-xê-đì đen bóng loáng dừng lại.

Trên xe bước xuống một phu nhơn rất chi quyền quý. Bà vận một váy dài tận gót chân một màu của kim cương đen. Tôi tiếp tục bước vì biết chắc chắn trăm phần trăm quý vị nhà giàu không bao giờ mua vé số. Nhưng quý phu nhơn chận lại không cho đi. Theo quán tính, tôi đưa xấp vé số, năn nỉ mời:
- Cô mua giúp vài tờ. Ế quá cô ơi. Làm ơn… gần đến giờ xổ rồi...
- Anh Minh… Minh Tàn… bộ quên em rồi hả?
Trời đất! Tôi cực kỳ ngạc nhiên. Sao mà quý phu nhơn quyền quý biết cái thằng bán vé số đen thùi Minh Tàn nầy vậy kìa? Tôi ngây ra như một ngố rừng, rồi nhìn ngang nhìn dọc nhìn xuôi, hai mắt thao láo mà đố nhớ phu nhơn là ai. Ai vậy kìa?
- Em… Lan nè… nhớ hông? - Giọng phu nhơn ngọt như mật ong thiệt.
Thấy tôi nhíu trán sau đó lắc đầu, nàng gọi một cô khác trên xe:
- Thúy… xuống đây… coi thử cha nội Minh Tàn nhận ra không.
Thêm một người đẹp bước xuống. Nàng thứ hai sang trọng trong âu phục màu tím và cà-la-oách màu xanh dương. Cô cười:
- Đừng nói là anh không nhớ tí gì về em nghe?
Biết tên tôi thì chắc chắn hai cô là người quen cũ. Cái tên Minh Tàn vận vào đời tôi lâu lắm rồi. Hai cô nầy ở đâu trong cái quá khứ lẫn hiện tại rất chi là tiêu điều của đời tôi vậy kìa? Vắt muốn nát óc mà không nhận ra nên thú thiệt:
- Chịu. Hai cô là ai?
- Chời ơi là chời - giọng miền Nam ngọt ngào kêu lên - Anh nhớ cà phê bà Tư Mứng ở cây số mười rưỡi trên kinh tế mới Tà Lài hông?
- À…. - tôi kêu lên rõ to - Ây da… hai chị em mày đây hả Lan. Trời đất ơi! Chu cha mẹ ơi! Hai đứa bây làm cái gì mà đẹp vầy? Lái Mẹc-xê-đì là giàu dữ nghe? Hai đứa con mày sao rồi?
- Lên xe tui kể cho ông nghe.
Tôi nhìn xấp vé số:
- Tao đang đi bán…
- Đưa hết đây tui. Bữa nay ông nghỉ bán tui cho ông một triệu. Lên xe tui đưa ông đến Dzìn Ký cho ông ăn vịt quay. Nhớ vịt quay không?
Tôi lên xe ngồi ghế trước. Và cái đận 80 của kỷ 20 ở vùng đất Tà Lài hiện về.
***
Gia đình Lan là dân Sài Gòn chính hiệu. Sau giải phóng phố thị khó sống quá nên ông Thanh - chủ gia đình gồm một vợ năm con, ba trai hai gái, trong đó có Lan và Thúy - bán nhà ở xì phố lên kinh tế dân lập Tà Lài kiếm miếng đất gọi là làm lại đời. Lúc lên Tà Lài, Lan mới mười ba và Út Thúy tám tuổi. Năm 1980 tôi ghé Tà Lài kiếm sống và gặp chị em Lan trong khu Sáu gia đình. Ở vùng nầy có hai nơi thu nhận dân làm mướn, một là sáu gia đình, hai là mười gia đình. Hai khu nầy đều là người gốc Hoa từ Định Quán vào lập nghiệp. Hộ nào cũng dăm ba mẫu đất nên rất cần dân làm công cho họ. Thấy cái bụng Lan lặc lè, tôi hỏi:
- Chồng đâu em?
- Xù rồi.
- Nhà đâu mà ở ké chòi?
- Bị con mẹ Tư Mứng cướp rồi.
- Sao cướp?
Lan ráo hoảnh hai con mắt kể rằng tháng mười năm 1976 cha cô chết vì sốt rét rừng, tháng mười một mẹ cô cũng sốt rét lôi đi. Sau đó ba ông anh theo hầu cha mẹ cho tròn đạo hiếu. Ông thì bị cây đè chết khi khai thác rừng, ông thì rắn độc cắn… trong ba tháng nhà Lan chết năm người:
- Lúc đầu cha má chết em còn khóc. Đến ba ông anh thì hết khóc được luôn. Biết sao không? Nước mắt đâu nữa mà khóc.
Tôi nghe Lan nói về sự chết của người thân bằng cái giọng lạnh tanh mà thương cô quá. Nhìn cái bầu mới thiệt sự thương. Cô đi làm khoán cỏ cho chủ rẫy. Con Thúy phụ chị được chút nào hay chút đó. Vừa làm vừa lượm than hoa trong rẫy bỏ vô bao. Cô nói:
- Lụm than để ba bữa nằm ổ có cái hơ cho em bé.
Rồi Lan nói về bà chủ quán cà phê có tên Tư Mứng. Rằng chỉ năm cái quan tài bằng gỗ tạp, năm cái huyệt và một một ít đồ lề cúng người chết mà bà ta cấn trừ hết năm sào rẫy của gia đình cô. Lại kể về tình đầu. Nó hứa lèo cho đã miệng, được rồi là quất ngựa dông luôn:
- Nay mai đẻ rồi ở đâu hả Lan?
- Tới đâu hay tới đó chớ lo chi anh Minh Tàn. Chòi hoang trong rẫy khối cha gì mà sợ.
Cô nói tỉnh queo trong nỗi sợ của tôi.
Nửa đêm nửa hôm Lan đau đẻ. Tôi phải tháo cái võng giang hồ của mình, chặt cây làm cáng cùng một thằng bạn khênh cô ra trạm xá. May quá. Lan mẹ tròn con vuông. Có lẽ khi bầu bì cô làm việc nhiều nên sanh nở thuận buồm mát mái.
Nhưng cô luôn làm tôi choáng váng. Choáng muốn ngất.
Lan sinh đôi. Hai nhóc trai.
Tôi chả hảo hớn hào hiệp chi, làm mướn kiếm ăn từng bữa mà lo chi chuyện bao đồng? Nhưng bỏ chị em Lan trong lúc nầy là không phải đạo. Chả là từ miền Trung xa xôi ghé xứ nầy, không có chị em Lan thì tôi chết vì sốt từ đời tám hoánh. Thấy tôi rên hừ hừ, không thuốc không men, Lan bèn điều trị cho tôi bằng thuốc gia truyền. Chị em cô lấy rễ ớt hiểm lâu năm. Loại ớt nầy chỉ có trong rừng già Cát Tiên - nơi mà xưa kia bộ đội đóng quân. Cây nào cây nấy to bằng cổ chân người lớn. Lan băm nhỏ phơi khô sao vàng hạ thổ cho tôi uống. Thuốc thiệt là hay, sau khi nốc hết cả ba cây ớt hiểm, con vi trùng sốt chạy mất dép.
Cái sự nghiệp nuôi đẻ người dưng của tôi kể cũng nhiêu khê. Làm thuê ăn cơm với thịt cọp (muối hột giã nghe cộp cộp nên gọi thịt cọp) muốn nhọn mỏ mà nay phải bỏ tiền mua sữa Ông Thọ cho con Lan bú dặm, sản phụ phải cơm trắng và thịt kho tiêu. Năm ngày trạm xá, bao nhiêu dụm dành của Lan sạch bách. Tha nhân mở miệng ra là “giúp nhau lúc ngặt nghèo mới quý chứ có thì ai thèm?”. Nhưng cạn đìa mới biết lóc trê. Anh em trong chòi ai cũng có khó khăn riêng. Ai cũng vợ đẻ con đau nhà hết gạo. Tình thì có chứ tiền đâu mà giúp? Tôi tiếc lắm đồng bạc thuê mướn nay rứt ruột bỏ ra, nhưng cũng đành chứ biết làm sao? Nhưng mà không lý tôi cắc ca cắc củm đi làm chỉ để nuôi người dưng? Cả chị em và hai thằng nhóc mới là khốn nạn.
Đầy tháng trông Lan cũng phởn phơ, trắng da dài tóc:
- Cám ơn nhe Minh Tàn - cô nói - vài bữa đi làm tui trả lại tiền cho ông.
- Yên tâm đi. Khỏe đã chứ giờ mà làm lụng chi - Tôi trả lời.
- Ông còn tiền không?
- Mới lãnh lương. Chi vậy?
- Tui thèm vịt quay quá Minh Tàn ơi.
- Ở đây làm sao có? Có, anh mua cho Lan liền.
- Mai ông ra Tư Mứng sớm nhờ bả mua giùm một con. Sao mà tui thèm quá.
Từ rẫy tôi lội ra chợ cả hai cây số để gặp Tư Mứng. Bà nội nầy ngoại trừ là chủ một cửa hiệu tạp phẩm còn là chủ nhân một xe than chạy Tà Lài - Hàng Xanh. Vừa gặp tôi mụ buông một câu:
- Ê… Minh Tàn, “vợ mày” phẻ chớ hả?
Vụ tôi giúp Lan mà bị mang tiếng vậy đó. Oan không? Tôi tính cự lại nhưng thôi lơ.
- Bà mua giúp tui con vịt quay nghe.
- Tiền?
- Mua về bao nhiêu tui trả cho.
- Không. Tiền trước mày ơi.
Xe than ậm ạch bò đi, mịt mờ tối mới ậm ạch bò về. Tôi đem vịt về đến chòi hoang cho sản phụ là tám giờ tối. Trong tù mù ánh sáng đèn hột vịt, tôi băm thịt bỏ vào đĩa cho Lan. Vừa cầm lên một miếng, cô đã chửi:
- Bà nội cha con mẹ Tư Mứng.
- Gì vậy Lan?
- Thịt cũ. Ôi rồi anh Minh ơi.
Tôi cầm một miếng lên ngửi thử. Đúng là đã có mùi. Nếu Tư Mứng trước mặt dám tôi phang cho con mẹ cú đấm quá. Thiệt là ác quá đi thôi. Tiền sạch và thơm mồ hôi lao động mà mua của ôi thì quả đáng giận:
- Để anh chiên lại - tôi nói - chiên cho săn lại là ăn được thôi mà.
- Bỏ đi anh. Em mà ăn là mệt cho con em lắm.
Tiếc quá tôi nổi lửa lên chiên. Bỏ sao được? Con vịt cả một ngày công lao động của tôi chứ ít à? Cả mấy thằng chung chòi cũng nhào vô làm ba sợi sương sương giải mỏi. Lâu lâu mới có vịt quay. Có ôi cũng quay chứ không phải vịt thường. Than ôi! Thật là tội nghiệp cho tôi quá. Đêm hôm ấy nếu không có chai rượu ngâm Kỳ Nam của thằng bạn là tôi chết vì Tào Tháo rượt. Cả bọn mà chỉ một mình tôi bị mới đúng là xui tận mạng.
Hôm sau tôi mò ra chợ. Chủ nhật nào bọn tôi cũng bù khú cho quên kiếp tha phương cầu thực. Mụ Tư Mứng đi ngang:
- Vịt quay ngon chớ Minh Tàn?
Có rượu nên tôi nào biết sợ chi:
- Bà chơi không đẹp. Con vịt bị ôi. Mua bán kiểu đó cũng có ngày...
- Ngày gì mậy? Ôi sao không đem ra tao trả lại tiền… dộng hết rồi nói ôi là ôi làm sao?
- Bà đừng có mà gian manh. Gian quá trời không dung đâu.
Thằng con Tư Mứng trờ tới:
- Ông nói lại câu đó một lần nữa tui nghe coi.
Tôi văng tục:
- Gian manh kiểu gia đình mày có ngày sét đánh đen thui như cái xe than.
Ông con nhào vô. Có rượu tôi nhào ra chứ sợ à?
Tôi bị gô cổ lên xã rồi tống ra huyện. Đi lao cải làm cỏ mía trong nông trường, cán bộ sơ hở nên tôi bỏ trốn. Lăn lê bò toài ở các miền kinh tế mới từ Phú Hòa, Đồng Hiệp, Suối Nho. Chán. Tôi bò lên Tùng Nghĩa, Lâm Đồng, sau đó là Tân Uyên, Sông Bé. Đi riết tôi nhận ra không thể giàu được với nghề cuốc mướn, làm cỏ thuê dù có cần cù ngày mười hai tiếng.
Bất ngờ gặp lại và bằng hữu cũ là chủ một Mẹc-xê-đì chẳng phải lạ lắm ru?
***
Trong vịt quay Dzìn Ký, chúng tôi rôm rả nhắc lại chuyện xưa tích cũ. Bao nhiêu gian khó một thời được con ma men - là tôi - khai sạch. Tôi kể cho hai chị em nghe những tháng ngày qua. Nay thì một vợ bốn con cũng lê la vé số ở thành phố nầy. Hứng lên tôi nói chuyện bằng thơ. Cũng chả biết thơ ai:
“Ta đi, đi mãi trong đời chết
Một vợ bốn con triệu nỗi buồn
Ta đi, đi mãi trong đời sống
Đi hoài mà chẳng thấy tương lai”...
Thở dài tôi nói với bồi bàn:
- Cho chú xin cái bịch nilon.
- Chi vậy? - Lan hỏi.
- Còn dư tao gói về cho mấy đứa nhỏ. Dư đem đổ uổng lắm.
- Thôi. Để tui mua cho ông hai con đem về. Tội nghiệp ông quá.
Thấy tôi uống rượu như cái hũ quăng xuống sông, Thúy nói:
- Uống vừa thôi anh Minh. Uống vậy nên ông ốm nhách là phải rồi. Ăn đi chứ sao cứ uống không vậy?
- Ừ… anh Minh đang ăn nè… kệ tao đi. Mà bây là sao mà giờ khá vầy? Kể anh Minh nghe với.
Lan cũng làm một cốc rượu Ngũ Gia Bì. Cô uống ngọt không thua chi tôi. Sau đó tâm sự rằng, khi anh bị bắt đi cải tạo, em khóc quá chừng luôn. Cũng may mấy người trong khu Sáu gia đình giúp cho kẻ chén cơm người hộp sữa. Em phải cắt cái võng của anh ra làm hai, khâu lại thành hai cái cho hai thằng nhỏ. Em nhận rẫy làm khoán, treo hai đứa nhỏ lên cây rồi hai chị em vừa làm vừa ru. Con em vừa giáp thôi nôi là em dông tuốt về thành phố.
Lúc đó người đi kinh tế mới bị thất bại trở về phố nhiều lắm. Chị em Lan rúc xuống chân cầu Sài Gòn kiếm một chỗ dung thân. Cô đi cắt rau muống thuê cho một bà già. Bà nầy là chủ nhân của hai sào rau muống bên kênh Nhiêu Lộc. Bà già tên Thắm có bốn con trai nhưng cô quạnh vì ba thằng lớn đi lính Cộng hòa. Cả ba anh biệt mù tăm dạng. Một là chết hai là qua Mỹ rồi - bà Thắm nói vậy - còn gã thứ tư tên Dũng thì tính chuyện vượt biên. Đã mấy năm không tin tức.
- Một mình buồn chết bà luôn con ơi. Hay mày với em mày đến đây ở với tao cho vui - bà Thắm nói.
Lan tuân theo liền. Bộ ngu sao từ chối? Chòi lá dừa nước tốt gấp trăm lần gầm cầu hổ lốn. Bà già đang cô quạnh bỗng nhiên có hai đứa cháu ngoại trai để hun hít nên khoái lắm. Cũng bỗng nhiên chị em Lan có hai sào rau muống, chỉ việc cắt mang ra chợ kiếm cơm. Rau muống chả chăm chi ráo. Nay cắt đầu nầy mai cắt đầu kia mốt cắt đầu nọ chưa giáp quận đã xanh tốt lại rồi. Phải kêu người bán tại ruộng mới kịp. Đời vậy là đẹp quá. Đẹp nhất là khi đưa tiền bán rau cho bà già thì:
- Con giữ mà làm lại cái chòi. Con Thúy lớn rồi cho nó một phòng riêng.
Đùng một phát, Dũng - ông con thứ tư lù lù xuất hiện. Sau ba năm lưu lạc, Dũng trở về tơi như cái mền rách, lại còn bị con ma sốt nó hành. Chị em Lan lo cho ông suốt mấy tháng mới lại hồn người. Khi con mắt hết vàng, da hết xanh xao, ông lại bị tiếp chứng khác. Chứng si tình.
Chả là Thúy đẹp gái quá nên Dũng đắm. Cả hai ra một cặp, sinh con đẻ cái và bà già có thêm cháu để hun.
Còn Lan?
Cô hỏi tôi:
- Hồi trên Tà Lài ông thương tui đúng không Minh Tàn.
- Nói tầm bậy gì đây bà nội? - Có tí rượu nên tôi suồng sã một chút.
- Nhìn mắt ông là tui biết - Lan chắc như đinh đóng cột - không thương ông đâu có lặn lội khuya sớm mua vịt quay về cho tui. Ông đâu có vì tui mà đánh con trai Tư Mứng? Nếu không bị bắt dám tui là vợ của ông thiệt rồi. Đúng không? Mà hồi đó nói thiệt là tui cũng thương ông… Mà thôi. Nói lại cho vui vậy mà. Ông bây giờ đã vợ con đùm đề. Tui thì vẫn vậy. Vẫn độc thân vui tính.
- Sao không bước thêm bước nữa?
- Số tui nó vậy ông ơi. Lúc nào tui cũng nhớ một người đã vì tui mà khổ sở, mà tù tội… Ông thấy đó… trong ba tháng nhà chết năm người nên tui luôn bị ám ảnh những cái gì cơ cực.
- Giờ Lan ở đâu?
- Ở Bình Dương. Sau khi giải tỏa đền bù cả gia đình về Bình Dương cư ngụ.
- Có hai đứa con của Lan?
- Nhờ rau muống và giải tỏa đền bù nên cũng nên người rồi anh. Lúc làm khai sanh cho hai thằng, anh biết em khai tên ai là cha ruột của tụi nhỏ không? Tên anh đó. Khai chính xác: Nguyễn Minh Tàn. Mà thôi. Tạm biệt nghe. Sẽ gặp lại. Cầm một triệu nầy về cho mấy đứa nhỏ con anh...
Tôi bắt tay tạm biệt Lan và Thúy.
Cầm túi vịt quay và túi bánh mì, tôi nhìn theo chiếc Mẹc-xê-đì. Sực nhớ là quên không hỏi địa chỉ cụ thể của Lan. Bình Dương. Nhưng chỗ nào?
Nghĩ lại. Bạn cũ gặp nhau một chút vậy, lúc gọi anh lúc gọi ông là tốt rồi. Quen ngày chầy tháng nghèo như tôi lúc túng ngặt dễ mất đi lòng tự trọng. Chả phải triệu bạc và hai con vịt quay và mấy ổ bánh mì mà tôi thấy đời đẹp hơn lên đó sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.