Gia đình tình báo có bốn bà mẹ Việt Nam anh hùng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/10/2019 07:46 GMT+7

Với Gia đình tình báo có bốn bà mẹ VN anh hùng (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành), nhà văn Mã Thiện Đồng đã đóng góp cho thể loại truyện ký một tác phẩm hấp dẫn, lôi cuốn độc giả qua từng trang viết rất chắc tay.

Lâu nay, người ta thường nghĩ người Hoa đi đến đâu cũng buôn bán và làm ăn, theo những cách riêng của họ. Tuy nhiên qua tác phẩm mới của nhà văn Mã Thiện Đồng, câu chuyện về gia đình người Hoa di cư xuống vùng Đông Nam Á hiện lên hết sức khác biệt. Chính bom đạn chết chóc đã buộc họ phải rời xa quê nhà nhưng điểm đến là VN, một “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, đã được họ chọn làm quê hương thứ hai, tự nguyện đóng góp công sức, thậm chí hy sinh cả máu xương cho độc lập, tự do.
Trong Gia đình tình báo có bốn bà mẹ VN anh hùng, tác giả kể: “Thời kỳ đó là năm 1931, Giang Quảng xuống tàu đi Đông Dương, tới cảng Sài Gòn gặp Sáu Xoan và Hai xe ngựa - hai thanh niên người Hoa, trước hoạt động trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Quảng Châu, do đồng chí Phạm Hồng Thái giới thiệu về Ba Son”. Tại đây, Giang Quảng gặp Trần Mỹ Hạnh và được tổ chức Công hội đỏ ở Nhà máy đóng tàu Ba Son gửi gắm, có thêm đồng chí nữ người Hoa là Trương Mỹ Hoa (ngụ tại Chợ Lớn) giúp an cư trong những ngày đầu mới qua Sài Gòn nên công việc thuận lợi. Núp sau vỏ bọc là tiệm cơm gà xá xíu nổi tiếng, cả hai cùng kết bạn trăm năm với Giang Quảng. Mỹ Hoa lớn hơn 5 tuổi nên làm vợ cả, Mỹ Hạnh làm vợ hai. Vốn giỏi ngoại ngữ, Giang Quảng được Đội trưởng Công hội đỏ ở Ba Son Tôn Đức Thắng quý mến cử làm thông dịch tiếng Hoa, rồi nhận nhiệm vụ sang Campuchia xây dựng cơ sở cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Trước năm 1954, bà Nguyễn Thị Bình cũng thường xuyên đến gặp gỡ, làm việc với ông Giang Quảng và rất tin tưởng vào người cộng sự đặc biệt này.
Từ năm 1960, các thành viên của họ Giang lần lượt được tổ chức đưa lên chiến khu, trên R để học tập chính trị và công tác tình báo. Cả nhà ông Giang Quảng ba thế hệ có tất cả 15 người nằm trong tổ chức Đoàn 22 (Cục Tình báo Miền B2). Họ tham gia rất nhiều trận đánh cân não với địch, thậm chí có người còn bị tra tấn đến chết trong tù. Cho đến ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Giang Quảng được nhà nước công nhận liệt sĩ 13 người và 4 bà mẹ VN anh hùng, gồm các mẹ: Trương Mỹ Hoa, Trần Mỹ Hạnh, Chu Thị Mỹ và Vương Ngọc Hoa. Lúc nghe tin ông Giang Quảng hy sinh trong tù (năm 1972), bà Nguyễn Thị Bình khi ấy vừa sang Paris họp cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông.
Chiến tranh dù đã lùi xa, quá khứ tạm khép lại vì vậy mà những câu chuyện như Gia đình tình báo có bốn bà mẹ VN anh hùng như lời nhắc nhở hậu sinh về những mất mát, đau thương của một đất nước, nơi có bao bà mẹ “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ”, trong đó có những người Hoa yêu nước trong dòng chảy của cách mạng VN. Như tâm niệm của nhà văn Mã Thiện Đồng khi viết cuốn sách: “Đề tài chiến tranh cuốn hút tôi viết say sưa bằng tình cảm và trách nhiệm, với lòng nhiệt thành, sự trân trọng các nhân chứng lịch sử mà tôi viết. Đây là đề tài lớn, đòi hỏi phải được phản ánh nghiêm túc, chân thực - phương châm đó đã giúp tôi làm việc miệt mài nhằm giúp cho thế hệ mai sau đọc và hiểu: để có được non sông thống nhất, máu xương của cha ông ta đã đổ xuống như thế đấy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.