Gian nan lộ trình phục dựng điện Kính Thiên

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/03/2021 06:23 GMT+7

Sẽ còn phải có rất nhiều cuộc khai quật, hàng loạt nghiên cứu mới có thể tìm ra hình dáng và phục dựng điện Kính Thiên.

Còn chưa biết quy mô nền điện

Nhiều năm gắn bó với những cuộc khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS-TS Tống Trung Tín nắm rất rõ khu vực này. Ông cũng biết rõ để có thể phục dựng điện Kính Thiên tại đây, chúng ta còn thiếu những gì. “Vị trí của điện Kính Thiên thì ngay thềm rồng vừa được công nhận bảo vật quốc gia rồi. Nhưng cái nền điện đó rộng bao nhiêu, có bao nhiêu gian, bao nhiêu cột mình chưa khai quật nên chưa xác định được. Tức là hiện nay ta đang thiếu toàn bộ bước gian, bước cột và quy mô nền điện”, PGS-TS Tín cho biết.
Cũng còn một cái khó nữa khi phục dựng điện Kính Thiên là tòa nhà của Cục Tác chiến. Từ cổng Đoan Môn nhìn vào, tòa nhà này đang che khuất tầm nhìn chính vào điện Kính Thiên. Chưa kể, theo PGS-TS Phan Ý Thuận (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội), nó sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu làm liền mạch trục trung tâm từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên. Chính vì thế, ông Thuận cũng đã đưa ra ý kiến về việc dời tòa nhà này đi.
GS Lâm Thị Mỹ Dung, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), cũng cho rằng thiếu tư liệu là cản trở lớn cho việc phục dựng điện Kính Thiên. “Muốn phục dựng công trình, chúng ta phải có mặt bằng, mà giờ cũng chưa có mặt bằng chi tiết. Còn phần công trình ở trên chắc phải dựa vào các di tích, di vật chỗ khác và mô tả thôi. Dựng lại một cung điện là việc lớn”, GS Mỹ Dung nói.
Cũng theo GS Lâm Thị Mỹ Dung, việc xác định dựng điện Kính Thiên nào là một vấn đề. “Điện Kính Thiên ở đó từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Chọn thời nào để dựng cũng là vấn đề”, bà nói. Chưa kể, sản xuất nguyên vật liệu sẽ rất vất vả. Bà Dung cho biết ở Huế, khi trùng tu, việc sản xuất gạch, ngói, ngói lưu ly là lượng việc khá lớn.
Gian nan lộ trình phục dựng điện Kính Thiên1

Thềm rồng điện Kính Thiên vừa được công nhận bảo vật quốc gia

ẢNH: NGỮ THIÊN

Dự án liên ngành khổng lồ

Mặc dù vậy, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, lại lạc quan về khả năng phục dựng điện Kính Thiên, miễn là làm đúng cách. “Có mấy bước. Thứ nhất, tiếp tục khai quật khảo cổ để lấy thêm dữ liệu. Sau đó lục tìm lưu trữ Việt, lưu trữ Pháp để bổ sung. Tiếp theo đến bước phục hồi bằng bản vẽ, rồi bằng 3D để mọi người góp ý. Quan trọng là lấy được ý kiến của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực có liên quan. Cái này phải làm liên ngành. Sau đó, người có quyền quyết định phải quyết định. Ở đây, Hội đồng khoa học của Hoàng thành Thăng Long phải quyết định lựa chọn. Họ cũng phải chịu trách nhiệm với lịch sử”, ông Bài nhấn mạnh.
Về điều này, PGS-TS Tống Trung Tín cho biết khi phương án phục dựng điện Kính Thiên được thiết lập thì việc đầu tiên là khai quật tiếp, tìm tiếp những dấu tích của nền, nghiên cứu bộ khung gỗ. “Ngói thì chúng ta đã thấy rồi. Bây giờ chỉ nghiên cứu khung của nó. GS Tiêu (Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia) có nói đến việc nghiên cứu hình thức của nó, còn muốn y hệt như ngày xưa thì khó. Tức là nghiên cứu xem khoảng thế kỷ đó cấu trúc khung thế nào”, ông Tín giải thích.
Ông Tín cũng nêu ý kiến, việc phục dựng điện Kính Thiên không thể 99% như cái đã có. “Các nơi trên thế giới đều thế cả, như khi phục dựng Nara thế kỷ 8 cũng vậy. Họ phải tổng hợp nhiều loại tư liệu, xem kiến trúc cổ nơi này nơi khác, chỗ này còn cột, chỗ kia còn cửa... Cũng có việc kết hợp nghiên cứu tranh vẽ, mô hình chứ không có tài liệu nào vẽ y nguyên để làm theo. Họ khai quật để tìm dần quy mô, móng cột, vật liệu xây dựng, trang trí, hình thái, sau đó có hệ thống chuyên gia kết hợp”, ông Tín nói.
Ông Bài cho rằng cần khởi động việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên sớm và không nên quá cầu toàn. Theo ông: “Chúng ta dựa vào tài liệu gốc, tư liệu khảo cổ, so sánh với những công trình có yếu tố tương tự. Chứ muốn có đầy đủ 100% thì chả bao giờ có đủ được”.
Với điện Kính Thiên, ông Tín cho biết hiện khảo cổ học đã dò được một số yếu tố quan trọng. “Xung quanh đã dò ra hành lang rồi. Xung quanh và sát thềm rồng cũng đã tìm thấy những móng cột rất lớn. Tuy nhiên, có thể còn phải khai quật hàng chục nghìn mét vuông nữa. Việc tìm tư liệu nhanh cũng phải mất hàng chục năm. Nếu thật tập trung thì có thể nhanh hơn nữa”, PGS-TS Tín chia sẻ.
Việc phục dựng điện Kính Thiên là nối tiếp sức sống cho di sản này cũng như di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo PGS-TS Đặng Văn Bài: “Trung tâm quyền lực ngàn năm là ở đó. Tinh hoa thời đại Hồ Chí Minh cũng có dấu ấn ở đó. Dựng điện Kính Thiên là nhằm cấu kết cộng đồng, nhằm duy trì dòng chảy của hào khí Đông A, để thực hiện trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức xây dựng đất nước cường thịnh”. Ông Bài cũng khẳng định: “Hội đồng di sản quốc gia chắc chắn ủng hộ hoàn toàn việc phục dựng điện Kính Thiên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.