Bán bánh thu tiền lẻ
Xe máy bình bịch, loa rè oang oang. Chẳng hiểu sao ông bán bánh bao thích đội cái mũ to rộng vành làm bằng một loại lá nào đó. Lên mạng hỏi ông Google, không có câu trả lời. Tôi đã hỏi câu đó với rất nhiều người. Đáp lại chỉ là một cái lắc đầu hay nhún vai hờ hững. Không ai quan tâm đến một vấn đề bé xíu xìu xiu. Hơi đâu. Để sức còn làm việc khác.
Ông bánh bao hiện ra ngay trước mặt, nhìn thằng to béo là tôi với con mắt trông mong, hy vọng. Đúng rồi, tôi đang thèm bánh bao. Cũng chỉ còn đủ tiền để mua một chiếc bánh. Đúng hơn, số tiền chẵn phải cất đi để làm sinh hoạt phí cho tháng tiếp theo. Chỉ còn lại mười ngàn tiền lẻ.
Xe bánh bao có một cái nồi hấp bằng nhôm cũ kĩ, rỉ ri, mà cũng đủ để phản chiếu màu vàng chói của mặt trời lúc hoàng hôn. Trời nóng như thiêu, ai thèm mua bánh bao? Món này chỉ bán chạy vào sáng sớm hoặc buổi tối. Chỉ cần trong nhà, trong ngõ có tiếng gọi ới ra “bánh bao ơi” là ngay lập tức chiếc xe phăm phăm lao đến, mở nắp nồi cái xoẹt. Có thêm mười ngàn, thêm chút tiền đủ để làm bữa cơm.
Đèn cao áp chói lóa. Phản chiếu một khuôn mặt xù xì, khắc khổ. Lang thang ngoài đường với chiếc mũ rộng vành, mặt ông hằn lên đủ dấu tích của thời gian. Cũng có thời ông che mặt đấy. Nhưng rồi cũng chả buồn. Để thế này, rồi giới thiệu là mình bốn lăm tuổi, hẳn người ta có chút động lòng. Cộng thêm mười tuổi vẫn chưa đủ tương xứng với nét mặt hiện giờ của ông. Mưu sinh, hẳn cũng là lý do để tìm kiếm thêm chút cảm thông của mọi người? Đúng chứ? Ông chính là người nói ra câu đó. Chiếc loa rè vẫn ồm ồm từng tiếng rao vang qua lớp bụi.
Bên hồ Tây lộng gió, ông cố gợi lại hình ảnh chàng gầy bán bánh bao nhiệt huyết. Lạm phát quá hả ông. Tâm trí tôi vẫn vẹn nguyên thuở trổ mã lang thang trong gió hồ Tây lăn tăn sóng. Xe bánh bao đi qua. Giọng ông rao còn trong lắm, chưa ồm ồm thế này đâu. Ông là anh gầy khi đó. Bánh bao ông chỉ hai ngàn. Vẫn cảm giác được thịt băm và miếng lạp xưởng to đùng ngòn ngọt. Ông vẫn tự hào về miếng lạp xưởng to nhất trong các xe bánh bao dạo quanh hồ Tây này.
Thằng bé học sinh móc hầu bao ra hai ngàn quý giá để được cầm trong tay chiếc bánh bao đặc biệt đó không hề do dự. Bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây! Ông rao hào hứng. Không quan tâm gì đến cuống họng quý giá. Nói như thời nay thì ông chém gió phần phật. Người chém gió trong gió thổi. Thằng nhỏ đang đói, nghe chém gió xong cũng ăn xong cái bánh mà không buồn cảm nhận. Cũng ngố. Ông bán xong mà không đi ngay. Ông ở lại chém gió cho một thằng bé nghe. Chẳng biết ông làm thế để giữ khách, hay ông tự hào về nghề nghiệp của mình.
|
Chiếc bánh ký ức
Hoá ra ông có thằng con trạc tuổi tôi. Hai mươi năm sau mới nhớ lại thằng bé đen nhẻm, lúp xúp ngồi sau bố. Hai mươi năm, tôi nhận ra ông qua cái "lỗ xâu kim" bé nhỏ. Cái lỗ đóng vai trò nhụỵ hoa, ở góc trên tấm bảng làm bằng gỗ ép, dán một lớp phoóc mica đủ để ghi lên con chữ nghuệch ngoạc. Tấm biển cũ kỹ là thứ duy nhất kích hoạt ký ức và cảm giác của tôi.
Hồi đó, ông vừa phe phẩy mũ vừa khoe đó là con trai ông vẽ. Chém cũng ghê, cậu con tự hào về nghề của bố lắm. Đúng thật. Khi một người vươn đến đỉnh cao trong một lĩnh vực nào đó, con cái họ có quyền tự hào. Dù chỉ là một người bán bánh bao. Dù chỉ lang thang, cúi mặt trước đời, trước đủ mọi mặt người. Lần thứ hai tôi gặp cậu là một tối học thêm về muộn. Khăn cậu quàng trên cổ đầy mồ hôi. Đứa học thêm, có tiền ăn xế. Đứa phụ bố, bữa đói bữa no. Chẳng giống. Cùng cười bên chiếc bánh bao.
Tối mờ ánh điện hàng quán bên hồ. Ông với tay, bật chiếc loa sau khi nhận tờ tiền. Ông không nói, không kể, không để ý thằng bé năm xưa. Ông nhận ra chứ, dù đã bán cho hàng ngàn, hàng vạn khách. Giờ, chiếc bánh bao chẳng được như xưa. Bột dày trúc, miến chiếm gần hết nhân. Vẫn còn miếng lạp xưởng, nhưng nó đã mỏng tang. Cố nhấn nhá, nhâm nhi. Thật may, vị vẫn thế.
Không biết bánh này có phải ông làm? Chắc là không, vì nó y hệt các xe bánh bao khác. “Cậu con chú giờ thế nào?” “Nó vẫn thợ xây. Chưa vợ”. Giả sử gặp lại, chẳng biết cậu còn cười với một thằng xa lạ? Chắc vẫn thế thôi. Còn lòng tự hào về nghề của bố? Tôi băn khoăn lắm, bởi khi trưởng thành, con người ta thường nhạt phai cảm xúc thời thơ trẻ.
|
Bình luận (0)