Hà Nội ngày nay có thể là cú sốc văn hóa đối với người tỉnh khác...

09/02/2021 16:00 GMT+7

Trong trái tim của mỗi người con đất Bắc, dẫu có an cư lạc nghiệp ở đâu, vẫn mang một “trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Thương nhớ đất Thăng Long

Trong quyển album gìn giữ những khoảnh khắc đẹp nhất của bố mẹ, bức ảnh cả nhà cùng bước đi trên cầu Long Biên đã khiến tôi cứ mãi tò mò về Hà Nội - nơi tôi đến lần đầu khi mới vừa tròn 16 tháng.
Hà Nội với bố tôi là một niềm tự hào bất diệt, 2 tiếng thủ đô luôn được ông nhắc đến thật trang trọng, có lẽ trong trái tim của mỗi người con đất Bắc, dẫu có an cư lạc nghiệp vẫn mang một “trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Riêng với mẹ, những phận người của vùng U Minh từng bám đất giữ làng để nuôi giấu cách mạng, Hà Nội đã và luôn được nhân dân miền Nam yêu quý.
Theo thời gian, tôi dần thôi hết hiếu kỳ về Hà Thành sau những mùa hè về thăm nội. Quốc Tử Giám, hồ Gươm, tháp Rùa… những địa danh tôi từng thấy trên truyền hình lần lượt hiện ra trước mắt. Thế nhưng Hà Nội vẫn ở đó và chờ tôi trong cuộc hạnh ngộ đầy cảm xúc. Một ngày tháng 10 năm 2019, một cuộc điện thoại từ trường đại học Thăng Long đã trao cho tôi cơ hội về với thủ đô một lần nữa. Tôi và Hà Nội lần này thật khác, không phải là chuyến đi thăm bà ngày hè, cũng không phải cuộc du ngoạn ngày thu sang, tôi đến để được nhận một vinh dự trên đất Kinh Kỳ - giải thưởng văn học Hàn Quốc.
Sau buổi trao giải, tôi cùng những người bạn mới rong ruổi trên các ngõ phố, hôm ấy Hà Nội êm đềm trong từng khoảnh khắc, cái giăng mắc của làn mưa thu thấm đẫm màu xanh của lá, màu đen sẫm của thân cây, màu thâm nâu của phố cũ, ngỡ như tay có thể chạm lấy và ôm trọn sắc thu vào lòng. Khi đi đến con đường Điện Biên Phủ, cô bạn thủ đô ngậm ngùi kể về con đường này ngày trước với hai hàng sấu già rợp bóng, mùa thu thì nhẹ mát, mùa hạ kéo giao hưởng ve sầu qua đêm; chỉ tiếc nay đã nhường lại cho các cửa hàng, cửa hiệu, khuất lấp kiến trúc Pháp cổ sau các bảng hiệu nhấp nhoáng màu.

Vòng tay hiếu khách

Cậu bạn người tỉnh lẻ đến trọ học và sống ở thủ đô gần 10 năm qua cũng tiếp lời về một Hà Nội ngày nay đã khác. Thành phố bây giờ ồn ã, nhếch nhác. Thậm chí cậu cáu gắt vì tắc đường, vì ô nhiễm, vì sự thay đổi nhanh chóng khiến Hà Nội không thể sánh với quê hương yên bình của cậu. Có lẽ cậu bạn của tôi không biết rằng, 10 năm qua, Hà Nội đã yêu cậu đến thế nào.

Hà Nội đã hiện đại hơn, nhưng tôi mong Hà Nội vẫn giữ được nét hào hoa thuở trước

Ảnh Lưu Quang Phổ

Hà Nội cứ thế bụi, thêm một hơi thở, thêm một chỗ ngồi và sẻ chia yêu thương cho người tìm đến. Hà Nội biết cậu và những người tỉnh xa chẳng thể quên được bóng hình của quê cũ, bởi lẽ dù quê có nghèo khó vẫn là ký ức êm ấm và ngọt lành. Kể cả khi ai đó chỉ cần Hà Nội làm bàn đạp để tiến ra hải ngoại, đi du học, thậm chí trở thành công dân xứ khác, họ vẫn được Hà Nội rộng lòng nhón một khoảng trống nhỏ nhoi dù Hà Nội chật và ngột ngạt trong khoảng không ngày càng nhỏ hẹp.
Hà Nội ngày nay có thể là cú sốc văn hóa đối với người tỉnh khác nhưng vẫn là nơi người người tìm đến vì tương lai, là mảnh đất dân tứ xứ đêm đêm vỗ về nhau trong mỏi mệt cơ hàn. Dù không thể đón chào người đến bằng sự hoa lệ như Seoul hay New York, Hà Nội lại luôn biết cách tặng cho người rời đi một cuộc chia tay nhiều hi vọng và níu dài trong tâm tưởng về sau. Hà Nội của những ngày mưa bom bão đạn, sơ tán đi rồi lại về mà vẫn luôn thanh lịch, khiêm nhường, một Hà Nội ngàn năm văn hiến vẫn ở đó trong ngày người ta vinh quy, như tôi, như cô bạn thủ đô và cậu bạn mới.

Rộn ràng sau tổn thương

Vào cái đêm cả nước nháo nhào vì bệnh nhân covid số 17, Hà Nội khi ấy như một cuốn phim với những mảng màu u tối. Những cán bộ y tế màn trời chiếu đất, những hốc mắt đen đau đáu của lực lượng chiến sĩ tuyến đầu, những dãy phố ngăn rào trong yên ắng và lo sợ. Nhưng bác tôi - người Tràng An cả đời gắn bó với thủ đô vẫn điềm nhiên như chính cốt cách của họ. Với bác, những con phố vắng vẻ ngày cách ly có khác chi Hà Nội của 12 ngày đêm lịch sử. Ngày ấy, Hà Nội dù có tổn thương vẫn vượt qua và lại rộn ràng cốm xanh, ngô rang, hạt dẻ.
Dẫu Hà Nội của thời lãng mạn đã dần sang trang mới, tôi vẫn mong ngày về của những đứa con vùng đất Kinh Kỳ, dựng xây một Hà Nội đĩnh đạc và hào hoa hơn cả Hà Nội ngày xưa cũ. Một Hà Nội đủ sức nuôi dưỡng ước mơ của những đứa con Việt Nam ngay tại quê nhà, không còn phải tha phương kiếm tìm những giấc mộng đẹp, những giấc mộng đẹp treo lơ lửng trong những ngày buồn xa quê.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.