Khách thuê như người thân
Khách sạn tôi lưu trú mở ra được khoảng vài năm nay. Trước đó, anh chủ khách sạn là thành viên trong một ngôi nhà tứ đại đồng đường. Năm tháng trôi qua, ngôi nhà bốn thế hệ cùng chung sống ngày càng nhiều thành viên. Vợ chồng anh cùng hai con xin ra ở riêng, kinh doanh khách sạn.
Dù là khách thuê, nhưng thấy tôi đến lưu trú một mình, lại đến từ nơi xa lắc, nên vợ chồng anh xem tôi như người thân. Tới bữa ăn, hễ biết tôi có ở phòng là đều gọi mời dùng cơm.
Chị nấu ăn ngon. Bún thang, chả cá, bún riêu cua..., món nào cũng đúng điệu, đậm đà. Tôi cảm giác những bữa ăn ở đây ngon hơn cả những quán ăn vốn nức tiếng thủ đô. Chị cười, khoe là nhờ mẹ chồng hướng dẫn.
Cũng từ những bữa ăn ấy, tôi nhận ra, đã lâu lắm rồi, mới lại được nghe những lời “con mời bố”, “con mời mẹ”. Hóa ra, lối sống khuôn phép, trọng nếp nhà vẫn còn hiển hiện.
Và chính cách đối xử niềm nở, ân tình của anh chị giúp tôi nhận ra người Hà Nội thân thiện, dễ thương thật sự. Ở giữa thành phố lạ, nhưng tôi cảm thấy ấm áp quá chừng.
Khách sạn của anh chị có khoảng chục nhân viên, cả nam lẫn nữ, quê chủ yếu ở các tỉnh phía bắc Trung bộ. Họ kể, họ là dân ngụ cư, từng làm nhiều nghề: đánh giày, cửu vạn, bán hàng rong... Sau những lần gặp gỡ, được ông bà chủ thương tình, nhận về làm việc.
Kể thêm, họ bảo tuy là những người làm công, còn ông bà chủ giàu có, nhưng họ được đối xử hòa đồng, bao dung, lịch thiệp. Từ ngày làm việc ở đây, họ chưa một lần cảm thấy tủi thân, chạnh lòng. Trước đây, họ lang bạt, bữa no bữa đói. Giờ đây, cuộc sống ổn định hơn nhiều. Chưa kể, họ được học nhiều điều hay lẽ phải từ ông bà chủ...
Nụ cười giọng nói thanh quý
Con gái anh đang học lớp 11, có gương mặt khả ái, nụ cười rạng rỡ. Giọng nói cô bé truyền cảm, trong veo nhưng cũng đầy sang trọng, thanh quý. Hôm đến nhận phòng, tôi ấn tượng mãi khi nhìn thấy cô bé ngồi dưới sảnh, bên hộp khâu, tỉ mỉ đan từng đường chỉ.
Nghe giọng tôi lạ, cô bé hỏi han đủ điều: “Anh quê ở đâu ạ?”, “Anh chỉ đi một mình thôi ạ?”, “Anh đã đi Hà Nội nhiều lần chưa ạ?”... Tôi như ngọt lịm cả tâm can với những từ “ạ” đầy lịch thiệp, trọng lễ như thế...
Con trai anh 25 tuổi. Ngày đầu tiên đến, nghe tôi có ý định đi thăm nhà đồng nghiệp ở quận Bắc Từ Liêm, dù chỉ là những người vừa mới quen, nhưng chàng trai ấy bảo, để em chở anh đi, cho đỡ tốn tiền. Sự ân cần ấy làm tôi cảm kích và xúc động.
Lúc qua đường Cổ Nhuế, có đám tang đi ngang. Xe chúng tôi tấp sát lề. Em đứng dậy, tháo nón bảo hiểm, khoanh tay và khẽ cúi đầu chào tiễn. Xe tang qua hẳn, chúng tôi mới tiếp tục hành trình. Em bảo, đó chỉ là thói quen, là phản xạ tự nhiên. Tôi bất ngờ và chợt nghĩ, không phải người trẻ nào, ngay cả tôi, cũng có được thói quen đáng trân trọng ấy...
Nếp nhà
Ngày sắp sửa về, tôi kể câu chuyện về hai con anh. Anh nói, tất cả điều ấy là từ nếp nhà của người Hà Nội.
Anh kể, người Hà Nội rất coi trọng nề nếp, gia phong. Nhất là đối với gia đình tứ đại đồng đường như gia đình anh. Thế hệ trước luôn là tấm gương mẫu mực về cách cư xử, văn hóa, lối sống, đạo đức... cho thế hệ sau kế tục. Anh bảo, cốt cách ấy không chỉ hiển hiện ở gia đình anh, mà ở hầu hết gia đình người Hà Nội.
Dẫu giờ đây, anh và những người ruột thịt đã không sống chung nhà. Nhưng mỗi thành viên trong họ tộc luôn coi gia đình là bến đỗ an yên nhất. Để rồi đều đặn hằng tuần, mọi người từ lớn tới nhỏ, lại sum vầy đoàn tụ.
Hơn hết, dù mỗi người mỗi nơi đi chăng nữa, thì nếp nhà của người Hà Nội vẫn còn đó. Cháu con trong nhà vẫn trân trọng và luôn tâm niệm mãi gìn giữ những giá trị tốt đẹp về truyền thống văn hóa của gia đình.
Nghe anh kể, tôi đã hiểu vì sao con gái anh, một thiếu nữ người Hà Nội lại biết may vá, thêu thùa. Tôi nhận ra, chuyện con trai anh biết dừng xe, khoanh tay, cúi đầu tiễn chào người quá cố chẳng phải là sự bột phát tự nhiên. Tôi cũng tìm được câu trả lời lý do vợ chồng anh được nhân viên dùng nhiều mỹ từ, là nghĩa tình, bao dung, khi nhắc đến... Mọi thứ bắt đầu từ nếp nhà của người Hà Nội.
Tôi lưu trong danh bạ điện thoại tên của anh là Người Hà Nội thứ thiệt, là vì vậy!
|
Bình luận (0)