Viếng Lăng Bác

02/01/2021 06:51 GMT+7

Với tôi, những ngày lớp 6 được viếng Lăng Bác nhiều lúc lại ùa về.

Cuốn phim quay chậm

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng...”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa, nhưng hình ảnh Người luôn là hình ảnh thiêng liêng nhất, cao quý nhất đối với dân tộc Việt Nam ta nói chung cũng như đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ” luôn là vinh dự và cũng là niềm tự hào của mỗi trẻ em nước Việt. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh từng đoàn người xếp hàng, nghiêm trang viếng Lăng Bác trên ti vi thì kỷ niệm về lần lần đầu tiên được ra thủ đô viếng Lăng Bác của tôi lại hiện lên như một cuốn phim quay chậm, trào dâng trong lòng tôi một niềm cảm xúc ngọt ngào, bâng khuâng khó diễn tả.
Đó là mùa thu năm 1992 khi tôi vừa học xong năm lớp 6, với những kết quả xuất sắc trong học tập, tôi được chọn đi thăm Lăng Bác Hồ. Đoàn của xã tôi gồm ba học sinh: Tôi cùng anh Tuấn học lớp 8 và một em tên Hạnh học lớp 5, trưởng đoàn là anh Cảnh Bí thư Đoàn xã. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, bố mẹ tôi lúc đó dù khó khăn cũng may cho tôi một áo sơ mi trắng. Quần “thụng” màu xanh đen là mốt của những năm đầu thập niên 1990. Tôi mặc bộ trang phục mới tinh lòng lâng lâng một cảm xúc vừa vui sướng vừa tự hào hãnh diện và trông cũng lớn hẳn lên.
Khi đoàn chúng tôi đến, chú bảo vệ trong khu di tích Lăng Bác dùng máy kiểm tra an ninh từng người. Chú yêu cầu khách tham quan gửi lại đồ ở phòng gửi. Đoàn học sinh chúng tôi trong trang phục quần đen, áo sơ mi trắng, mũ ca lô chỉnh tề ngay ngắn xếp thành hai hàng dài, đều bước dọc theo con đường ở quảng trường Hồ Chí Minh với tâm trạng hồi hộp lẫn hứng khởi tiến vào Lăng Bác.
Dọc theo đường đi có rất nhiều loài hoa và cây khác nhau, tôi rất ấn tượng với khóm tre vàng. Khóm tre tượng trưng cho làng quê Việt Nam thân thương về thủ đô tỏa bóng, rặng tre xào xạc đung đưa như những cánh tay của bà mẹ Việt Nam khe khẽ quạt cho Bác yên giấc ngàn năm. Đặc biệt mười tám cây vạn tuế uy nghiêm, tượng trưng cho trường thọ và hạnh phúc, ngày đêm cùng với các chiến sĩ canh cho Bác ngủ. Sau này tôi mới được biết “gia đình cây” quanh Lăng Bác có “hộ khẩu” khắp mọi miền Tổ quốc về đây khoe sắc tỏa hương, khoe dáng cùng canh giấc ngủ cho Người. Mỗi loài cây tượng trưng cho một vùng miền của đất nước, gợi lên hình ảnh cả nước quây quần quanh Bác.

Giấc ngủ bình yên

Tôi trào dâng lên nỗi niềm xúc động khi lần đầu được vào Lăng viếng Bác, được thấy Bác đang ngon giấc nghìn thu. Bác Hồ thân yêu với vầng trán cao rộng, bộ quần áo ka ki trắng giản dị. Cả cuộc đời Bác đã hy sinh vì nhân dân vì đất nước. Bác ra đi để lại sự tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân ta, non sông đất nước ta, cho bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp năm châu. Khi đó trong sâu thẳm của lòng biết ơn và sự kính trọng Người, tôi đã thầm hứa sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Những kỷ niệm về lần đầu tiên được vinh dự viếng Lăng Bác ấy không bao giờ phai mờ trong trái tim tôi. Từ lần ấy ngoài những kiến thức thu nạp được về thủ đô ngàn năm văn hiến, những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ, tôi còn có thêm niềm tin và sự quyết tâm cao vượt qua khó khăn để học tập tốt. Ba anh em của xã chúng tôi trong đoàn viếng Bác ngày ấy đều đỗ đại học.
Sau này cũng có nhiều lần tôi ra Hà Nội, nhiều lần rưng rưng xúc động khi viếng Lăng Bác, nhưng những cảm xúc về lần đầu tiên được ra thủ đô viếng Lăng Bác ấy là mãnh liệt nhất, ấn tượng nhất, ngọt ngào như hương cốm Vòng mùa thu. Mỗi lần nghĩ về nó trong tôi lại trào dâng nỗi niềm tự hào, hạnh phúc và cồn cào một nỗi nhớ da diết Hà Nội.
Hà Nội của tôi đầu những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi trong lành yên ả, đẹp đơn sơ bình dị, gần gũi mà thân thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.