Hàn Mặc Tử xuất bản sách xuân, tặng thơ Chế Lan Viên

13/02/2021 11:45 GMT+7

Nơi đất Qui Nhơn, nhà thơ Hàn Mặc Tử nhân dịp Tết đến xuân về, cũng xuất bản một cuốn sách xuân mà có lẽ đến nay, ít người biết đến hoặc quan tâm: Sách chơi xuân năm Đinh Sửu (1937).

Kể từ khi cuốn sách Tết đầu tiên được Tân Dân thư quán của nhà viết kịch Vũ Đình Long ấn hành đầu năm 1928 với tên gọi Sách xem Tết năm Mậu Thìn, đã mở ra trào lưu làm sách Tết của nhiều đơn vị xuất bản những năm 1930 và nửa đầu những năm 1940.
Giữa những "ông lớn" định hình riêng cho mình dòng sách Tết như Tân Dân thư quán với Sách xem Tết, Nam Ký thư quán với Sách chơi Xuân thì ở tỉnh lẻ Qui Nhơn thuộc Trung Kỳ dạo ấy, có Nguyễn Trọng Trí cũng mừng xuân đón tết với cuốn sách mang tên: Sách chơi xuân năm Đinh Sửu (1937).
Nguyễn Trọng Trí là ai? Ông là nhà thơ "bán trăng" Hàn Mặc Tử nổi tiếng trên văn đàn dạo ấy.
 Sách chơi xuân năm Đinh Sửu có gì?
Sách chơi xuân năm Đinh Sửu gồm 32 trang, được in tại Qui Nhơn do Nguyễn Trọng Trí (Hàn Mặc Tử) xuất bản, bán với giá 10 xu một cuốn. Sách không có "lời phi lộ" hay một lời tỏ bày nào cụ thể cho việc xuất bản, nhưng ở phần đầu sách có bài Xuân về (Anh Hoa) và bài Nắng xuân (Trọng Minh; bút danh của Nguyễn Minh Vỹ, còn ký tên khác là Tịnh Nhơn) có thể cho thấy phần nào tinh thần chung của Sách chơi xuân năm Đinh Sửu.
Đó là những háo hức của một mùa xuân đầm ấm, tươi nồng nhưng cũng còn những trăn trở về cảnh đời, cảnh người trong bài Xuân về; đó là tinh thần lạc quan xua bao sầu muộn trong bài Nắng xuân với phương châm "Sống, vui vẻ mà bước tới".
Là sách Tết nên Sách chơi xuân năm Đinh Sửu bày đủ món hương vị xuân cho độc giả thưởng lãm, thể hiện được sự phong phú về nội dung, thể loại với truyện ngắn, thơ, tổng luận, phóng sự...
Điểm lại năm cũ đã qua với ý thức "trong lúc vui vẻ đón tiếp xuân mới ta nên bỏ nhảng tí thì giờ ôn lại những việc đã xảy ra trong năm cũ, cũng chẳng phải là uổng phí", bài Năm 1936 vừa qua (Lạc Quan) tổng kết một năm đã qua từ chuyện thế giới với nguy cơ chiến tranh cho đến việc vua Anh Edounard VIII thoái vị... vì tình; rồi quay về chuyện nước nhà đủ khoản kinh tế, chính trị... như việc văn thơ thì lối văn thơ mơ mộng đang "hấp hối", lối văn tả chân đang lên ngôi.
Không chỉ nhìn về một năm đã qua, Sách chơi xuân năm Đinh Sửu còn nhìn về cả tiền nhân hàng thế kỷ qua sự kiện vua Quang Trung đánh bại quân Thanh ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu trong bài Cũng thì chơi xuân... (Chính Tông) với nhận định rất độc đáo: "Chúng ta nên chú ý nhất là cái ngày mồng năm tháng giêng. Giữa cái ngày mà theo lệ thường, người ta đang còn ham vui với xuân, thì vua Quang Trung đã nghĩ một cách chơi xuân oanh liệt vô ngần".
Tác giả góp mặt chủ đạo trong sách có thể điểm những tên tuổi quen thuộc trên văn đàn dạo ấy là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Phần đa những tác giả còn lại khi viết bài dùng bút danh khá hài hước như Cụt Hứng, Trật Sên, Lạc Quan...
Những bài đinh của Sách chơi xuân năm Đinh Sửu được thể hiện ngay trên bìa 1 của sách với Ngày xuân (Trọng Minh), Năm 1936 vừa qua (Lạc Quan), Xuân xanh (Đài Trang), Lời trối của dân Chàm (Chế Lan Viên), Lạnh hơn Bắc cực (Bạch Bình Giang).
Ngoài ra, có thể kể đến truyện ngắn Đi tìm xuân (Lệ Thanh), Ngày xuân (Tịnh Nhơn), phóng sự vui Quan nghị... gật (Trật Sên), Chuyện vui ngày Tết: Tự tử (Cụt Hứng)... cũng gây ấn tượng tốt về nội dung.
Phần thơ chiếm dung lượng chủ đạo. Ngoài thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, còn có các thi phẩm Xuân tới (Mai Sinh), Bưng mắt (Tô Đông).
Sách chơi xuân năm Đinh Sửu chú trọng vào phần nội dung, nên toàn bộ giai phẩm này không có bất cứ hình minh họa nào. Ngay cả bìa 1 cũng chỉ có phần chữ thể hiện một số tác phẩm, tác giả có mặt trong sách như đã đề cập ở trên.
Nội dung chuyên về vui xuân đón Tết, nhưng sách còn có những mẩu tin nhỏ dành cho... quảng cáo, nào xà phòng, khách sạn, nha khoa, sách vở, báo chí. Chẳng hạn như dòng quảng cáo cho xà bông Xuân Sanh, được giới thiệu là "một thứ xà phòng tốt đặc biệt", hay báo Nhành lúa ở Huế là tờ báo "của bình dân", "của bạn trẻ"...

Sự xuất hiện lần đầu của Mùa xuân chín

Bài thơ Mùa xuân chín nổi tiếng của Hàn Mặc Tử được nhiều nhà nghiên cứu, độc giả yêu thơ biết khi xuất hiện trong tập Thơ điên in năm 1937. Nhưng trong Sách chơi xuân năm Đinh Sửu tại trang 4, đây là lần đầu tiên bài thơ nổi tiếng này hiện diện.

Bài thơ Mùa xuân chín in trong Sách chơi xuân năm Đinh Sửu

Ảnh: T.Đ.B

Với Mùa xuân chín, nếu như lâu nay ta quen thuộc với câu thơ "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi" thì trong Sách chơi xuân năm Đinh Sửu, "ngày mai" được in là "đến mai". Và ở câu thơ cuối “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?", tính từ "chang chang" được in là "chan chan"...
Những dị biệt ấy cũng là điểm lý thú khi tìm về nguyên gốc của bài thơ ở bản in đầu.
Sách chơi xuân năm Đinh Sửu cũng là nơi mà mối tương giao của hai người bạn thuộc nhóm "Bàn thành tứ hữu" Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên được thể hiện khi thi sĩ "bán trăng" có bài thơ Thi sĩ Chàm với lời đề tựa "tặng Chế Bồng Hoan". Còn Chế Lan Viên góp mặt qua hai bài thơ: Lời trối của dân Chàm Đêm xuân sầu đều trích từ tập thơ Điêu tàn.
Cái tên Chế Bồng Hoan, thực ra là của Hàn Mặc Tử đặt cho Chế Lan Viên, được tác giả của Điêu tàn tỏ bày trong bài Tựa cho cuốn Chế Lan Viên thơ văn chọn lọc (do Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1988): "Có một bài Hàn Mạc Tử tặng cho tôi. Bài Thi sĩ Chàm tặng Chế Bồng Hoan. À, thì ra còn cả cái tên đó nữa. Có lẽ Tử đặt cho chăng? Với chữ Chế, dù là Chế Lan Viên hay Chế Bồng Hoan tôi đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc".
Nơi bài Thi sĩ Chàm, Hàn Mặc Tử tỏ rõ mối đồng cảm tương tri với Chế Lan Viên qua tứ thơ cảm sầu thảm thiết cho một quá khứ vàng son của một dân tộc đã qua, cho những nức nở đau thương của "thi sĩ của dân Chiêm", như đoạn thơ dưới đây:
"Ngươi lắng nghe, lắng nghe trong đáy giếng
Tiếng vàng rơi chìm lỉm xuống hư vô
Tiếng ngọc địch nhớ nhung còn uyển chuyển
Bên cầu sương lưu đọng ánh trăng mơ...
Ngươi thổn thức tiếc buồn bao cảnh sắc?".
Là người chịu trách nhiệm xuất bản Sách chơi xuân năm Đinh Sửu, Hàn Mặc Tử có phần ưu ái cho bản thân khi dành riêng một trang để giới thiệu tập thơ Gái quê của mình qua phần điểm nội dung phê bình của các báo khắp ba kỳ (Hà Nội báo, Ích hữu, Trường An báo, Sao Mai, Sông Hương, Nghe thấy) đối với Gái quê. Chẳng hạn như lời bình đầy dí dỏm trên báo Nghe thấy: "Gái quê của Hàn Mặc Tử hay Sự thắng lợi của thơ mới nhơn vụ ly dị của Hàn Mặc Tử với làng thơ cũ để bước qua làng thơ mới tôi nhận thấy sự thắng lợi rõ rệt của lối sau nầy. Gái quê, một tập thơ có thể bảo là hay".
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.