'Hiến kế' bảo tồn Dinh Thượng Thơ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
29/09/2018 07:21 GMT+7

Ngày 28.9, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức hội thảo Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc tại địa điểm số 59 - 61 Lý Tự Trọng, Q.1, cùng bàn bạc và tìm những ý kiến tâm huyết để gìn giữ Dinh Thượng Thơ - một di sản kiến trúc văn hóa độc đáo của Sài Gòn xưa.

Vì sao cần bảo tồn ?
“Phải tiến hành lập dự án bảo tồn tổng thể công trình này như với một kiến trúc nghệ thuật để những kết quả nghiên cứu sẽ là căn cứ khoa học cho việc xếp hạng di tích và các cấp liên quan xem xét, xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hoặc cấp TP đối với trụ sở này. Có như vậy thì việc giữ gìn công trình Dinh Thượng Thơ mới thực sự khả thi”.
Th.S Nguyễn Chiến Thắng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

So với nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, Tòa án và Bảo tàng Thành phố hiện nay thì Dinh Thượng Thơ (do KTS Marie-Alfred Foulhoux) thiết kế có lịch sử lâu đời hơn. Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM: “Đây là công trình kiến trúc rất cá biệt trong vùng Đông Nam Á, do người Pháp thực hiện từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình đã gần 160 tuổi nên lịch sử, ký ức của dinh nằm trong tổng thể khu vực cảnh quan trung tâm”.
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến qua nghiên cứu các bản đồ cổ và sách sử lại có phát hiện thú vị: “Nền đất Dinh Thượng Thơ không chỉ là dấu tích quan trọng của Thành Gia Định mà còn của làng Tân Khai, chiếc nôi của người Việt thời kỳ bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn. Từ 1861 - 1879, Pháp thiết lập chính quyền quân quản ở Sài Gòn và sau đó ra toàn Nam kỳ. Người Việt gọi là “soái phủ”, đứng đầu là đô đốc thống đốc nhưng
4 năm đầu chưa có bộ máy riêng về hành chính dân sự. Năm 1864, Thống đốc Nam kỳ mới ra quyết định thành lập Direction de I' Interieur (Bộ Nội vụ), viết tắt là DI - hiện hai chữ này còn nguyên trên cửa sắt ở cổng 61 Lý Tự Trọng và trở thành dấu tích mở đầu lịch sử hành chính đô thị và hành chính quốc gia hiện đại...”.
Ông Phúc Tiến đưa ra một số tài liệu tham khảo tại Thư viện Quốc gia Pháp vẽ quy hoạch Sài Gòn năm 1900, cho thấy sự gắn kết vô cùng mật thiết giữa kiến trúc Dinh Thượng Thơ trong khu trung tâm hành chính của Nam kỳ và Sài Gòn tạo nên cảnh quan hoàn hảo. “Trên sân tòa nhà, hiện có một cây hoa bò cạp vàng, ở cuối tòa nhà phía giáp đường Đồng Khởi có một cây đa lâu năm... làm tăng vẻ đẹp cho tòa nhà, chưa kể dưới tầng hầm chưa được khảo sát đầy đủ. Nếu có được bản vẽ gốc kiến trúc của tòa nhà và có cuộc khảo sát toàn diện, hẳn chúng ta còn tìm được nhiều điều thú vị ở kiến trúc Dinh Thượng Thơ, “hàng quý hiếm” ở thế kỷ 21”, ông Tiến chia sẻ.
Chắt chiu gìn giữ cho đời sau
Giải pháp nào để bảo tồn bền vững và phát huy được hết những giá trị của di tích địa điểm số 59 - 61 Lý Tự Trọng luôn tạo không khí “nóng” cho hội thảo. Trước tiên, theo GS-TS-KTS Nguyễn Trọng Hòa, phải có sự “pháp lý hóa” ngay công trình này vì hiện nay tòa nhà này vẫn không nằm trong danh sách đã được xếp hạng di sản để bắt buộc phải bảo tồn. Sau đó mới tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng, rồi tìm các giải pháp để dịch chuyển dinh vào bên trong khu hành chính mới để phát huy hết công năng. “Phương án tháo dỡ và phục chế ở vị trí mới khá tốn kém nhưng về mặt kỹ thuật, trên thế giới đã có nhiều công trình lịch sử cũng đã được áp dụng”, ông Hòa nói. Tiếp lời, chuyên gia Steven Hsun Lee (ĐH Harvard, Mỹ) và đại diện của TS-KTS Tô Kiên (Nhật Bản) cũng mang tới hội thảo nhiều kinh nghiệm quý báu về bảo tồn các công trình cổ của châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Với kinh nghiệm của một KTS đang tham gia trùng tu TAND TP.HCM, ông Cao Thành Nghiệp cho biết: “Dinh Thượng Thơ xuống cấp không nặng lắm và cũng chẳng có vấn đề gì phải lo về kết cấu, chịu lực. Tất cả đều do cơi nới để sử dụng bị thời gian làm cho nứt nẻ, chứ công nghệ xây dựng của Pháp đều giống nhau cả. Phần mái ngói âm dương cũng như ở Dinh Gia Long. Nhiều chi tiết bị hồ vữa che lấp do mưa nắng nhưng phía bên trong vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc ban đầu nên việc trùng tu không khó lắm”.
Th.S Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM) cho rằng: “Qua đánh giá chung, công trình có giá trị bảo tồn về mặt cảnh quan kiến trúc đô thị TP. Vì vậy, đề nghị trong quá trình bảo tồn nên tu bổ, phục dựng lại về kiến trúc mặt ngoài công trình cho phù hợp như sau: Thay mái ngói 22 viên/m2 (ngói tây) bằng mái ngói âm dương. Hạ giải phần cơi nới ban công và phục dựng các cửa sổ mặt tiền tầng 1. Riêng phần nội thất thì nên căn cứ vào công năng trong tương lai mà có phương án cải tạo cho phù hợp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.