Cái chết bí ẩn
Đến tận bây giờ, đi dọc dòng Ô Lâu hỏi ai là người phụ nữ tài sắc bậc nhất của vùng quê kiểng này, hẳn người am tường vẫn còn nhắc tên bà Dương Thị Ngọt. Bà được ví như sinh ra từ dòng nước sông mát lành.
Dương Thị Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, người từng giữ đến chức Bố Chính tỉnh Khánh Hòa (quan trông coi tài chính cho tỉnh). Sử xưa kể lại rằng trên con đường hoạn lộ, dù làm gì, ở đâu ông Xứng cũng mang cô con gái rượu là Dương Thị Ngọt theo cùng.
Càng lớn lên, Dương Thị Ngọt càng xinh đẹp. Chính vì thế, bà nhanh chóng lọt vào mắt xanh của vua Thành Thái. Bà Ngọt được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, bậc chín, được hưởng lương 180 quan tiền và 48 vuông gạo. Bà sinh được một hoàng nam nhưng bị đau chết, khi mới một tuổi.
|
Cái chết của phi tần Dương Thị Ngọt gắn liền với những giai thoại bí ẩn. Chuyện rằng, khi đã là người của vua, bà Ngọt được sủng ái muôn phần, nên bị các bà phi khác đố kỵ. Có tích rằng, những người này đã lừa cắt của bà Ngọt một nắm tóc (điều cấm kỵ đối với phi tần thời phong kiến) rồi mật báo cho vua Thành Thái. Vua nổi giận lôi đình nên đưa bà Ngọt ra xử chém.
Nhưng cũng có một tích khác do ông Dương Quang Diêu (sống ở làng Hội Kỳ, cháu họ của bà Ngọt đời thứ 3) kể thì có vẻ như bà Ngọt chết chỉ bởi… một câu nói. Chuyện rằng, vua Thành Thái thường cắt tóc ngắn, dạo đó sau khi cắt tóc, vua đi hỏi các bà phi xem có đẹp không. Trong khi các bà đều ve vuốt, khen đẹp thì bà Ngọt lại nói trớ ra rằng: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Chỉ vì câu nói này, bà Ngọt phạm tội khi quân, đã bị nấu trong vạc dầu đến chết. Tuy nhiên, cũng có người phản đối tích này vì cho rằng triều Nguyễn ngày xưa không sử dụng hình thức vạc dầu để xử tử.
Dù ra lệnh xử tử bà Ngọt nhưng cũng chính vua Thành Thái lại tổ chức hậu sự cho ái phi của mình hết sức trọng thị, đúng lễ nghi. Theo lời kể đầy tự hào của ông Diêu thì quan tài bà Ngọt được đưa từ kinh thành Huế về làng Hội Kỳ bằng đường sông, trên thuyền rồng. Khi lên bờ, các phu phen gánh quan tài đi đến đâu thì rải chiếu hoa đến đấy. Sau khi an táng, nhà vua còn cử 4 từ phu coi lăng và cấp ruộng đất cho những người này như cách để trả công.
|
Cho đến hiện nay, nhiều người vẫn coi câu chuyện của bà Ngọt là “tình sử Ô Lâu”. Còn theo nhà báo Nguyễn Hoàn, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị (người từng có chuyến điền giả để lần theo dấu vết cuộc tình này) thì còn nhiều hoài nghi trong các chết của bà Ngọt.
“Nguyên nhân dẫn đến cái chết thảm khốc của bà Ngọt có liên quan sâu xa gì đến tâm sự u uất của vua Thành Thái không? Ông vua yêu nước Thành Thái đã từng giả điên để che giấu mưu đồ chống Pháp (bởi thế mà ông từng được mệnh danh là “vua điên”). Quyền hành nhà vua bị thực dân Pháp thu hẹp dần, mọi cải cách nhà vua đưa ra đều bị cản trở. Cả đến những cử chỉ “duy tân” của nhà vua như tự lái xe hơi, lái xuồng máy, cắt tóc ngắn... cũng bị khâm sứ Pháp và bọn bồi Tây dò xét, nghi ngại. Thậm chí, chúng còn phao tin nhà vua điên thật để kiếm cớ truất phế. Vậy cái chết của bà Ngọt có liên quan gì đến chuyện “giả điên” của vua Thành Thái không, có liên quan gì đến một khúc quanh của lịch sử không?”, ông Hoàn đặt vấn đề.
Xót xa bên mộ người xưa
Một ngày giữa tháng giêng năm Mậu Tuất 2018, men theo con đường mòn dẫn ra một khoảng đất trống hoang vắng phía sau làng Hội Kỳ, chúng tôi đến được khu vực mộ của bà Dương Thị Ngọt. Qua thời gian, ngôi mộ vợ vua Thành Thái đã xuống cấp nghiêm trọng, làm cho những ai chứng kiến đều không khỏi xót xa.
|
Dẫu rằng, qua những gì còn sót lại có thể thấy so với ngày trước, đây là một lăng mộ bề thế, lại được đặt ở vùng thôn quê như Hội Kỳ thì hẳn không thể có cái nào lớn hơn vào thời kỳ đó. Lăng được xây tường gạch bao quanh, có cổng vòm, diện tích bên trong chừng 20 m2, phía chính giữa là ngôi mộ bà Ngọt cùng bia đá. Hiện nay, hầu như các hạng mục của khu vực mộ bị xuống cấp nặng, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Chúng tôi phải lấy khăn chùi lớp bụi trên bia đá mới thấy được những Hán tự khắc bên trên: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy Thục Thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại”.Tạm dịch: “Lăng của bà họ Dương, bà phi của nhà vua được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, có tên thụy là Thục Thuận, lăng được dựng vào ngày lành, tháng 8, năm Thành Thái thứ 13”.
|
Được biết, trước đây gia đình bà Dương Thị Ngọt có lưu giữ một tờ sắc phong cổ nhưng sau đó có nhà báo đến tìm hiểu, mượn tờ sắc phong cổ đó nhưng không trả lại nên giờ thất lạc đâu không rõ.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, giới nghiên cứu lịch sử tại Quảng Trị cho rằng xét về nhân vật, bà Ngọt chưa đủ tầm để trở thành một nhân vật lịch sử, khi chưa có đóng góp gì cho dân cho nước nhưng xét ở góc độ kiến trúc ngôi mộ của bà thì hoàn toàn có thể lập hồ sơ để được trùng tu.
“Nôm na hiểu là bảo vệ tôn tạo ngôi mộ đó không phải vì chủ của ngôi mộ mà là kiến trúc của ngôi mộ, là sự ghi nhận kiến trúc lăng mộ thời Nguyễn. Theo tôi, việc cũng nên làm và việc trước tiên hậu duệ của bà Ngọt cần có đơn từ gửi lên chính quyền và ngành văn hóa để được xem xét”, ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Ban quản lý di tích Quảng Trị nói.
Bình luận (0)