|
Báu vật Plei Tao
Từ trung tâm TP.Pleiku (Gia Lai) vượt lên ngọn núi lửa Hàm Rồng nguội lạnh hàng triệu năm qua, xuôi về phía nam là vùng bình nguyên rộng lớn. Nơi ấy, từ hàng trăm năm qua đã định hình cho những khu vực dân cư bản địa trù phú và đọng lại trong mình phong vị văn hóa bản địa đặc sắc. Làng Plei Tao, xã Ia Phang, H.Chư Pưh (Gia Lai) là một địa chỉ văn hóa “ẩn danh” như thế. Dẫu chỉ là một ngôi làng Jrai như bao ngôi làng khác nhưng đối với văn hóa Tây nguyên, mỗi cộng đồng làng được ví như một trạch nữ ẩn chứa bao điều thú vị.
Siu Lol - già làng Plei Tao nói: “Làng mình là nơi các “vua nước” ở nên nhận được nhiều sự tôn trọng của các làng khác. Ở đây, các “vua nước” sống với dân làng, cúng cho cả làng bình an và cho các làng khác. Từ hồi còn nhỏ, mình đã nghe ông bà dặn những điều kiêng cữ như không được đến gần nơi người lớn đang cúng, không bước chân lên nhà của vua ở. Nhưng vua cũng đi làm rẫy, uống rượu với người già trong làng. Vua chẳng có quân lính, chỉ có vài người phụ việc để làm lễ…”.
Tất cả những tài liệu của nhiều học giả, những nhà dân tộc học của Pháp hay VN mà chúng tôi tiếp cận được đều khẳng định chỉ có sự hiện diện về mặt thần quyền của các Pơtao, hoàn toàn không có pháp trị. Qua bao dâu bể, những câu chuyện như sử làng được truyền khẩu, dù nhiều phần là huyền sử. Duy có điều những Pơtao Ia là có thật. Họ không được “truyền ngôi” theo kiểu cha truyền con nối mà sau khi “vua” mất, người làng sẽ chọn trong dòng họ này một người có uy tín, chấp nhận đảm đương công việc để làm Pơtao Ia.
Chẳng ai muốn làm vua
Trong tác phẩm Tôi gặp các Ơi, GS Nguyễn Tấn Đắc kiến giải về các Pơtao như sau: “Người Jrai chỉ gọi họ là Ơi (ông). Nhưng nhiều nước khác lại quen gọi sai họ thành Pơtao (vua), như người Khmer gọi họ là Samdet, Lào gọi Sadet, Pháp gọi Roi, Anh gọi King, VN xưa gọi là Hỏa Xá, Thủy Xám nay gọi là Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió”.
|
Các Pơtao Ia ở Plei Tao được truyền qua 9 đời, và đến nay chẳng ai muốn… làm vua. Lý giải về điều này, thầy giáo Kpah Măng, người đang giữ một số kỷ vật của Pơtao Ia nói: “Làm vua cực lắm, lệ đặt ra là không được nhảy múa, uống rượu phải uống với người già hoặc một mình, tối kỵ uống với người trẻ. Vua không được ăn các loại thịt chó, mèo, rắn, trăn, bò. Giờ khác rồi, không ai muốn làm nữa. Rơchâm Chút là đời Pơtao Ia thứ 9 vì làm trái lời ông bà nên có một thời gian bị điên, không được làm nữa. Nó đi khỏi làng, ở làng khác với vợ thứ hai rồi”.
Thầy giáo Kpah Măng còn kể: “Ngày xưa vua đi tới các làng bằng voi. Ngày đó vùng này nhiều voi lắm, buôn bán với người Lào, vì thế mang địa danh Plei Lao - làng người Lào - vì có nhiều người Lào đến giao thương. Kỷ vật còn lại chỉ là một lưỡi gươm hoen gỉ và cái dây có lục lạc đeo ở cổ voi”.
Thanh gươm được thầy Măng cất giữ từ nhiều năm nay, được giấu trong một hang đá ở rặng núi xa Ia Sur. Cứ mỗi năm một đôi lần, thầy lại lên núi xem lại thanh gươm. “Muốn mọi người xem gươm phải cúng heo, gà, rượu”, thầy Măng nói. Theo truyền thuyết, thanh gươm này đã có lần được đưa về làng nhưng nó cứ cựa quậy, rung lên mỗi khi đêm xuống. Căn nhà cũng rung theo. Khi đem gươm lên núi mới yên.
Theo truyền thuyết của Plei Tao, một năm trời hạn nặng, đất khô nứt nẻ, nóng lên như chảo rang. “Yàng ơi! Cứu người thôi!”, nhiều người trong làng gọi to. “Vua nước” bàn với già làng và các người già phải cúng gọi thần nước cứu cả làng đang lả đi vì cơn nóng, cơn đói, cơn khát. Mọi người lục tục đem heo, gà, rượu tới. Lễ vật sẵn sàng. Pơtao Ia làm lễ gọi mưa và chỉ hai ngày sau, cơn mưa lớn đã cứu làng. Còn nhiều giai thoại về Pơtao Ia trong các cộng đồng làng về tài hô mưa gọi gió. Chẳng hạn theo truyền thuyết, trẻ con không được nhìn các Pơtao Ia, nếu không sẽ bị đau bụng. Còn nếu lỡ nhìn, bị đau bụng, cha mẹ chúng phải dắt tới nhà vua, lấy nước miếng của vua xoa vào bụng mới khỏi…
Pơtao Ia đời thứ 9 kết thúc. Và ở Plei Tao cũng đã không còn ai kế vị kể từ gần 20 năm trở lại đây. Rơchâm, dòng họ được chọn làm Pơtao Ia có lẽ chỉ được nhắc đến trong quá khứ với những câu chuyện huyền bí từ hồng hoang.
Những nhà dân tộc học người Pháp lẫn các sứ giả triều Nguyễn đều ngạc nhiên với những ông vua không ngai, chỉ tồn tại ở mặt thần quyền, quy ước. Pơtao Ia hay nhiều người gọi là “Vua nước” đã được nhắc đến như thế, với địa vị, có lẽ là một thầy cúng không hơn. Trong Đại Nam chính biên nhị tập đã gọi vùng đất này là Thủy Xá, kể về sự qua lại và ban ơn của các vua triều Nguyễn với những Pơtao. Nói về Thủy Xá có đoạn: “Đất ấy đông giáp nước Hỏa Xá, tây giáp H.Sơn Bốc, nam giáp man Đen Đen, bắc giáp man Lai. Chỗ ở ba mặt có núi ngăn trở, một mặt là cánh đồng rộng, trong có nhà dân ước 100 nóc. Quốc trưởng có 7 gian nhà lợp tranh, ở phía đông chỗ dân cư, chẳng đặt thành quách gì, trong nhà đóng giả thờ thần, gia quyến, nô bộc độ 14, 15 người thôi”. |
Trần Hiếu
>> Tôn vinh một bản sắc Tây Nguyên
>> Tuần phim chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây nguyên - Đà Lạt
Bình luận (0)