Khách quê chồng - Truyện ngắn của Hoàng My

29/10/2017 06:06 GMT+7

Nhà bé tí, nằm trong một con hẻm nhỏ xíu, đi xuyên qua phía bên kia là bệnh viện nhi. Trạm xe buýt từ bến miền đông về dừng ngay trước đó.

Cứ khoảng bốn năm giờ sáng, vợ chồng Trà hay bị giật mình thức dậy vì tiếng chuông điện thoại réo rắt. Những lần đầu, Trà còn lo sợ chuyện bất trắc của người thân ở xa. Sau quen dần, chỉ còn lại cảm giác âm thầm khó chịu vì bị làm phiền. Lại là bà con họ hàng lối xóm của chồng từ ngoài quê đi xe đêm vào, kêu chồng Trà ra đón đây mà…
Phía bên chồng Trà đa phần quê mùa, nghèo và đông con. Ba chồng tên Chín, đặt theo thứ cho dễ nhớ và đỡ phải tìm tên, nên những người con của ông bác thứ Hai, thứ Ba có khi chẳng thua ba má Trà được mấy tuổi. Đi biển, làm muối, nuôi cá chua cá mè là các nghề nghiệp chính. Khách mỗi khi vào thường mang theo quà “của nhà trồng được” như là mắm mực, mực muối hoặc khô mực. Loại mực bèo nhỏ xíu được phơi heo héo, Trà mang ngâm nước cho mềm ra, làm sạch rồi kho chung với ba rọi. Lắm khi là vài con cá chua lừng danh còn tươi xanh, đựng trong bịch nước đá, qua một hành trình xuyên đêm tới tận chốn này. Những người đàn ông đi biển, thứ Mười, thứ Dư, cục mịch, e dè hỏi vợ chồng Trà: “Chú thím có thư thư thì cho vay chút đỉnh sửa tàu, chừng mấy trăng thì trả lại. Dạo này ghe đói quá, bạn cũng bỏ đi, làm chẳng đủ tổn”. Câu này dịch ra… tiếng Kinh là ghe đi biển dạo này đánh bắt được ít tôm cá nên không đủ chi phí, người làm thuê trên tàu nản nên bỏ qua chỗ khác, có tiền thì cho họ mượn, mấy tháng sẽ trả lại.
Thuở đó Trà vừa về làm dâu, tiền bạc chẳng dư bao nhiêu. Mẹ chồng nói vào, Trà đành rứt ruột cho vay, với lời giao hẹn dứt dạc, là khi nào vợ chồng Trà sinh con thì lấy lại. Biết sao bây giờ, không thì nhà cửa lạnh lẽo, mẹ chồng cứ ra vô lại thở dài thườn thượt. Miệng than là thằng Tư hay chú Sáu mày số khổ, chịu cực mà trời không thương, làm ăn mãi chẳng thoát khỏi cảnh nghèo. Mình giúp người ta thì cũng như của để dành, tích đức để cho con cái… Trà thay vội vàng bộ đồng phục công sở, nấu cơm đãi khách. Vợ của anh Tư cũng ngồi phụ, vừa làm vừa ngưỡng mộ nhìn cái vòng được kết bằng hạt pha lê lấp lánh trên cổ tay Trà. Mãi rồi chị Tư cũng buột miệng hỏi: Cái này chắc mắc tiền dữ thần hả thím nó?
- Dạ không, nó là món trang sức giả, đeo cho vui đó chị, có vài trăm ngàn thôi!
Nhìn vào ánh mắt ấy, Trà biết chị Tư sẽ không tin đâu. Có khi, chị nghĩ Trà đang cố tình diễn bài nghèo khổ để thoái thác. Trên nhà, chồng Trà với chồng chị Tư, thêm ba chồng và cháu trai kêu Trà bằng mợ đang ngồi chễm chệ bên mâm. Anh Tư chắc quên mất mình là khách, luôn miệng réo vợ, cộc cằn gọi vợ bằng “nó” và không ngại ngần gì mà chẳng giơ tay lên dọa tát khi chị Tư lề mề. Để khỏa lấp, chị Tư tỉ tê với Trà khi cả hai ngồi trong căn bếp hẹp rí rửa chén. Là chị thường hay đọc tiểu thuyết và ghi nhật ký cho đỡ buồn. Chị viết nhiều lắm, cả mấy cuốn luôn. Cái duyên cái số của mình nó vậy… Trà nghe tai này rớt ra tai kia, một phần cũng không nắm hết nội dung bởi chất giọng địa phương đậm đặc của chị. Phần kia, vì cảm thấy quá mỏi mệt sau cả ngày dài lắm việc ở cơ quan, giờ còn rị mọ chờ tàn cuộc nhậu...
Trong đám đàn bà hay dắt con vô khám bệnh dạo ấy, Trà thân với vợ anh Bảy nhất. Bởi ngoài sự vui vẻ chân chất ra, là cái ấn tượng bằng tuổi nhau, mà chị đã bốn con trong lần đầu Trà gặp mặt. Lâu lâu chị vào, Trà nhất định phải hỏi thăm một câu rằng, chị có thêm đứa nào chưa? Ôi cái thằng này lần trước em chưa gặp, đúng không chị? Trời ơi chị cứ ăn rồi đẻ miết thiệt sao? Em giờ mới mang bầu nè. Sinh càng nhiều thì đàn bà mình nhanh xấu nhanh già nhanh đau ốm xuống sắc thôi chị ơi!
Trà nhiệt tình hướng dẫn chị Bảy cách uống thuốc tránh thai theo vỉ. Trên đó đã ghi sẵn thứ mấy thứ mấy rồi, dễ lắm, không quên được đâu. Khổ nỗi nó là bằng tiếng Anh, nên phải nghĩ cách làm sao để chị Bảy phân biệt được thứ hai với thứ sáu. Mà ngày nào mình cũng phải uống à? Chi cực vậy? Anh Bảy không có nhà, tại sao ta không nghỉ uống vài bữa cho khỏe? Cái gì mà lạ dữ bây? Trà cười ngất, giải thích mãi mà chị vẫn cứ lẩm bẩm như là hoài nghi…
Con gái đầu lòng của Trà chào đời, mấy món nợ ở quê thu về không đủ. Trà hờn dỗi mẹ chồng không biết thương con trai con dâu, toàn lo chuyện bao đồng, nên giờ Trà nằm ổ mà phải thấp thỏm lo tiền để dành bị mất mát. Liệu họ có trả không, Trà biết lấy gì lo cho con chứ? Chồng Trà rít lên trong miệng, rằng không ai quỵt tiền của em đâu mà sợ! Trà nằm quay mặt vào vách, ôm đứa trẻ còn chưa ra tháng, nước mắt tủi thân cứ trào ra, không sao ngăn được…
Trà đi làm trở lại sau giai đoạn nghỉ sinh, cương quyết nói với chồng, cũng là để cho mẹ chồng nghe thấy. Là từ nay không có cả nể cho ai mượn mõ gì nữa. Ai ở quê vào muốn chê bai là không mặn mà nhiệt tình hiếu khách thì cứ nói thẳng. Úp mở sau lưng coi như không chấp, nhé. Ai trách đành chịu!
Tình cờ làm sao, hôm ấy có người chị họ dắt con trai bị bệnh tim vào tái khám, đang ngồi ở cửa nhà tỉ mẩn chẻ mấy con sò ốc gì đó bé li ti như đầu ngón tay, gọi là chang chang, khen rằng nấu lên ngọt nước lắm. Trà đi làm về chóng mặt lên phòng nằm chút, lúc leo xuống lưng chừng cầu thang gỗ, nghe lọt được nửa câu: “Thím nó sướng thật, chẳng như đàn bà ngoài quê mình…”. Trà bực mình lẳng lặng quay lên.
Lúc Trà có bầu đứa thứ hai thì khách ở quê quen mặt là mấy mẹ con nhà Ngọc. Ngọc nhỏ hơn Trà vài tuổi, chuyên môn chính là nội trợ, sinh đứa con đầu tiên bị bại não. Lên ba mới có thể ngồi ngoặt ngoẹo, cầm nắm thì rớt lên rớt xuống, miệng nhễu nhão các thứ được Ngọc nhọc nhằn đút vào. Ngọc quyết sinh đứa thứ hai để bù đắp cho chồng, thầm ăn chay cầu nguyện cho nó đừng vướng vào cái mệnh của chị nó. Siêu âm kiểm tra thai từng tháng một. Vậy mà…
Ngọc khóc với Trà khi kể thêm, hai bên ông nội ông ngoại xưa kia đều đi lính, chịu ảnh hưởng chất độc da cam, luôn đổ thừa trách cứ lẫn nhau. Sui gia vì đó mà cạch mặt nhau luôn. Đứa sau bị nặng hơn cả đứa trước. May mà chồng Ngọc cũng chịu khó đi làm, không bỏ rơi ba mẹ con tội nợ. Đời em coi như bỏ đi rồi chị Trà ơi! Chỉ thương hai đứa con gái, vì sao mà nó nỡ đầu thai làm người với số kiếp thế này!
Trà chẳng biết an ủi cô em họ xa của chồng như thế nào. Chỉ lặng lẽ mở tủ soạn mớ quần áo đã mặc qua của con gái Trà, cùng với giày vớ sữa hộp, giúi theo một khoản tiền be bé khi Ngọc ôm con ra trạm đón xe buýt quay về. Vài lần như thế, Ngọc cương quyết không nhận mấy tờ tiền Trà đưa cho nữa. Ngọc bảo, chị Trà cũng có sung sướng gì đâu, nhà chồng nặng gánh thế này, chị lại sắp sinh…
Ừ thì, đoạn ấy mẹ chồng Trà nằm liệt giường gần nửa năm trước khi mất. Những khoản dành dụm suốt chừng đó năm đi làm của vợ chồng Trà đổ vào thang thuốc và tang ma cho mẹ, là hết. Căn nhà bé xíu trong cái hẻm chật chội dẫn ra cổng sau của bệnh viện nhi, trước đây ba má chồng có xa gần là sau này cho vợ chồng Trà, được bán ra chia chác. Trà im lặng trước thái độ cam chịu của chồng, bất giác có sự so sánh khá buồn cười. Rằng so với việc làm bố của hai đứa con gái bại não suốt ngày ê a ngoài quê, thì sống ở một thành phố đắt đỏ với những lo toan và bổn phận, trong một căn nhà nhỏ xíu gần bệnh viện nhi quanh năm có khách ở quê vô, thì ai đáng thương hơn nhỉ?
Vợ chồng Trà dọn ra một quận vùng ven. Từ bến miền đông, muốn đến nhà Trà phải qua hai tuyến xe buýt ngoằn ngoèo, thêm hai chục phút xe ôm thì mới tới. Có lẽ vì thế mà nhà Trà thưa hẳn khách. Chỉ họa hoằn mới có người phải vào khám bệnh lâu ngày thì mới tá túc. Như chú Mười Thi chẳng hạn.
Trà khó mà quên được bữa cơm chiều hôm ấy. Chú Mười đi bệnh viện ung bướu cả ngày về. Một mình. Người ở quê có một tư chất thần kỳ trong việc lần ra trạm xe buýt thì phải. Nên thường tự tin bảo, cứ để họ xoay xở, đừng lo. Vợ chồng Trà thật ra cũng không thể tách mình ra khỏi cái guồng hàng ngày để mà đưa đón được. Chú Mười quay lại khi cả nhà đang ăn cơm tối. Vẻ bình thản. Chỉ khi đưa chén cơm lên chuẩn bị ăn, thì chú bỗng đặt bát xuống, trầm ngâm một câu rất nhỏ. Như tự nói với mình: Cái bệnh viện đấy đúng là địa ngục trần gian. Kiếp người sao nhiều khổ nhục quá!
- Bác sĩ bảo bị cái mụn nhọt ở sau gáy. Không cần chữa trị đâu. Chú Mười ngắn gọn vậy thôi. Khoảng hơn tuần thì chú về. Chưa đến tết năm đó đã nghe tin chú mất. Trà thẫn thờ nhớ cái mâm cơm tuềnh toàng tối hôm ấy, chú Mười gầy gò khắc khổ và bình thản. Người ta đến rồi đi sao mà đơn giản đến lạ lùng.
Bây giờ, Trà là mẹ của hai đứa trẻ, đã trải qua nhiều được mất trong đời. Những hệ lụy phiền toái xáo trộn do vài người khách ở quê vô không còn đủ sức tác động lên Trà nữa. Đời còn nhiều thứ cần bận tâm hơn. Phần vì Trà nghĩ, giúp được ai chuyện gì thì giúp. Cuộc sống vô thường ngắn ngủi lắm, chi đâu phải nặng nề. Từ ngày chuyển nhà đi xa, không còn mấy cuộc gọi lúc hừng sáng, cảm giác như thiêu thiếu. Trong tủ lạnh lâu lắm cũng không còn thấy mực bèo nằm co ro trong góc nữa…
Cầu được ước thấy. Hơn mười giờ đêm, chồng Trà dắt xe ra, bảo đi đón bà con. Ai thế? Chị Hai con của bác Sáu, tức là cháu kêu ông nội của con mình bằng chú. Nghĩa là cũng gần. Chị Hai không có ai là người thân trong này, ngoài nhà mình. Cho chị ở nhờ mấy hôm tìm việc nghen em?
Người đàn bà nhà quê chừng hơn năm mươi tuổi, nhìn khá buồn cười với cái túi xốp lớn đựng vật dụng cá nhân, ăn mặc không rõ đồ bộ hay quần tây, lùng thùng màu sắc. Đứng gần thì toát ra cái mùi hôi của người lười tắm gội. Trà hâm lại chút đồ, nhìn chị ăn ngon lành tự nhiên, dặn chị cứ ngủ chung phòng với bà giúp việc. Có gì tính sau.
Chị Hai muốn đi phụ quán rửa chén. Chị khỏe lắm đó, bưng bê nặng nhọc gì cũng làm được hết. Thím nó nhớ xin việc cho chị nghe! Trà gật đầu, nhắc tới bạn bè đồng nghiệp đang quẩn quanh bế tắc tìm người giúp việc. Chồng Trà gạt đi, chị Hai không làm nổi các công việc nhà đó đâu. Coi chừng mang tiếng. Sao vậy? À thì… Chồng có gì giấu Trà à? Ừ, hồi trẻ người yêu của chị Hai bỏ đi, chị quẫn nên uống dầu hôi tự tử. Rồi sao nữa? Nên đầu óc không được bình thường đâu. Chồng Trà luống cuống.
Hèn chi, con trai nhỏ kể, có gì vui mà cô Hai cả ngày ngồi cười hoài vậy mẹ? Hễ nghe tiếng xe cứu thương là cô Hai hớt hải chạy ra chạy vào, kỳ cục lắm.
- Trời ơi, thế mà anh dám rước về nhà. Anh muốn mang họa vào thân hay sao? Chúng ta vất vả chưa đủ ư, còn gánh thêm cục nợ ngang hông thế này? Trà gào lên, tức tưởi trước vẻ khó xử của chồng.
Hôm đấy là tối thứ năm. Cố lắm thì cũng tới cuối tuần là phải xử lý dứt điểm vụ dở người kia. Đêm dài lắm mộng. Trà sợ hãi, dỗ mãi mới khó nhọc đi vào giấc ngủ muộn màng. Thương thì cũng thương, tội thì cũng tội, nhưng có một người lúc tỉnh lúc điên trong nhà, thật còn hơn chứa bom nổ chậm, biết lúc nào sẽ gây họa. Trà không dám nghĩ thêm, nhưng lòng cứ nhớ về mấy bài báo kể về người tâm thần được chủ quan “nuôi thả” trong gia đình, bỗng một hôm bộc phát giết người, đốt nhà. Ai biết đâu khi nào…
Người tính không bằng trời tính. Xế chiều của ngày thứ sáu, Trà đang ở chỗ làm thì nhận được cuộc gọi hớt hải của hàng xóm. Về gấp, ở nhà xảy ra chuyện rồi. Vô thẳng bệnh viện quận nhé.
Tóm tắt lại, là con gái lớn của Trà bật bếp gas chiên bánh rán bằng loại bột pha sẵn. Thằng em bưng đĩa hí hửng đứng chầu bên cạnh. Bà ôsin không có nhà, chỉ có cô Hai dở người đang vạ vật ở ghế nệm mà thôi. Lửa phựt lên, bén vào chảo dầu, bốc lên ngùn ngụt. Con bé hoảng hốt la hét, hất đổ tung tóe các thứ, khiến cho thằng em bị bén lửa. Cô Hai lao vào kéo hai đứa ra, lấy thân mình dập lửa cho chúng. Bà hỏa bắt vào quần áo, phỏng nặng. Con gái Trà tông cửa ra sân la làng. Khi mọi người xúm vào thì cô Hai đã rừng rực như một ngọn đuốc sống. Cũng bởi cái thói quen mặc ba bốn lớp áo khô cong sùm sụp trên người đây mà.
Hai đứa nhóc được mang gởi vài hôm bên ngoại. Trà dặn các con chào và cảm ơn cô Hai đi. Tụi con nợ cô Hai nhiều lắm đấy. Rồi Trà theo xe đưa chị Hai về quê. Đất trên đồi hoang của phía bên nhà chồng Trà còn rộng lắm, đủ chỗ cho chị Hai nằm ngơi nghỉ. Ba mẹ chồng Trà, cả ông Mười Thi đều sum vầy ở đấy. Đời người ta, chẳng phải rồi cũng chỉ mong có một chỗ để tìm về yên ổn đó sao? Người đàn bà không con không cái, mồ côi cha mẹ lâu rồi, anh em tứ tán kiếm cơm nuôi vợ con, quên mất mình còn người chị gái tội nghiệp sống lang thang đây đó. Gia tài cả đời không có gì ngoài cái túi xốp đựng mấy bộ áo quần, cái nón vải và hộp kem dưỡng da rẻ tiền không thương hiệu mà bà ôsin nhà Trà từng mang ra cười cợt “già xấu còn điệu đà”. Trà mua thêm cho chị Hai thỏi son môi và hộp phấn hồng ở cái chợ gần nhà. Có khi món quà muộn ấy sẽ khiến chị thấy vui, không chừng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.