Khai mạc triển lãm mỹ thuật 'Sắc màu cảm xúc' tại đường sách Nguyễn Văn Bình

Thế Sang
Thế Sang
24/01/2021 20:00 GMT+7

Chiều ngày 23.1, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, triển lãm mỹ thuật Sắc màu cảm xúc chính thức khai mạc. Đây là dịp để những họa sĩ khuyết tật giới thiệu đến khán giả tác phẩm của mình.

Triển lãm mỹ thuật Sắc màu cảm xúc diễn ra từ ngày 23.1 đến ngày 29.1.2021. Tranh vẽ của các họa sĩ câm điếc được trưng bày tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP. HCM) là dịp để người xem hiểu hơn về thế giới nghệ thuật của những người khuyết tật. Bằng tất cả sự cố gắng, những họa sĩ đã thể hiện thế giới nội tâm của mình không chỉ qua 110 bức tranh được mà còn qua 100 tác phẩm gốm trưng bày tại buổi triển lãm. 
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lê Xuân Chiểu, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM đánh giá cao chất lượng của các tác phẩm đồng thời không quên nhấn mạnh công lao của họa sĩ - thầy Võ Văn Y trong việc giúp các học viên khuyết tật làm quen với màu sắc để có được những bức tranh như ngày hôm nay. "Tôi hy vọng sang năm ở các đợt tiếp theo, sẽ có thêm nhiều tác phẩm của nhiều chất liệu khác nữa. Có thể sang năm tới, các em có thể học thêm chất liệu sơn mài chẳng hạn", ông Lê Xuân Chiểu nói. 

Các tác phẩm sơn dầu của các học viên lớp Âm thanh hội họa được trưng bày tại đường sách Nguyễn Văn Bình

Ảnh: Thế Sang

Các tác phẩm gốm của các học viên khuyết tật được trưng bày tại đường sách

Ảnh: Thế Sang

Thầy giáo - họa sĩ Võ Văn Y, Phó Chủ nhiệm CLB Mekong Art (Hội Mỹ thuật TP. HCM) trong một lần đi dạo ở công viên đã bắt gặp một số em khuyết tật đang múa kí hiệu để xin tiền từ người qua đường. Cảm động trước tình cảnh đó, thầy đã cưu mang các em, dạy những học viên chưa từng tiếp xúc với hội họa trở nên thuần thục hơn loại hình này trong một phòng tranh rộng chừng 50m tọa lạc tại một con hẻm ở quận Phú Nhuận. Tháng 3.2017, lớp học miễn phí Âm thanh hội họa ra đời trong sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò. 
Khóa học đầu tiên có 20 học viên. Do là lớp học hoạt động độc lập nên vấn đề tài chính là trở ngại lớn của lớp. Hàng tháng, tiền ăn là 5 triệu đồng và tiền thuê mặt bằng là 8 triệu đồng. Thầy Văn Y đã cố gắng xoay sở để lo cho các em không chỉ bữa ăn mà ở từng cây cọ, màu vẽ. 
Thầy giáo - họa sĩ Võ Văn Y tâm sự, buổi triển lãm lần này có mục đích không chỉ giới thiệu tranh của các học viên khuyết tật mà còn là sự kiện "tốt nghiệp" của những học viên khóa đầu tiên để từ đó các bạn có thể nuôi sống bản thân bằng tài năng của mình. 
Các tác phẩm tranh vẽ, gốm được trưng bày tại buổi triển lãm có đính kèm thông tin cụ thể về tên học viên, tên tranh, kích thước, chất liệu cũng như giá bán để khán giả tham quan đường sách tiện tham khảo.

Niềm tự hào

Phía phụ huynh của các học viên mong muốn rằng từ khóa học tiếp theo, các bạn có thể học thêm nhiều chất liệu mới để vẽ tranh

Ảnh: Thế Sang

Lớp học Âm thanh hội họa - Hội họa dành cho người câm điếc không chỉ là nơi học viên học để trở thành họa sĩ, nuôi sống bản thân bằng tài năng của mình mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn. 
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hai bức tranh Fighting Against Corona của tác giả Vũ Gia Huy và Corona Circle của tác giả Nguyễn Lộc đã xuất sắc vượt qua nhiều tác phẩm của các học viên khác để lọt vào vòng trong của cuộc thi Đoàn kết chống lại corona - Thể hiện qua nghệ thuật (ICCR) của Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda (SVCC) - Đại sứ quán Ấn Độ ngày 29.4.2020. 
Được sự cho phép của Hội Mỹ thuật TP. HCM và Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, lớp học Âm thanh hội họa của thầy Võ Văn Y cũng đã tổ chức triển lãm tranh Đất Phú trời Yên từ ngày 27.7.2020 đến ngày 31.7.2020 tại Phú Yên. Nhân sự kiện này, các học viên của lớp cũng đã đến một số trường tiểu học, trung học cơ sở ở Gia Lai và tặng quà cho các em học sinh Ja'rai có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.