Khám phá 'Câu chữ Truyện Kiều'

17/09/2017 06:27 GMT+7

Những tìm tòi, khám phá thú vị của học giả An Chi (83 tuổi) về câu chữ xung quanh kiệt tác văn chương của đại thi hào Nguyễn Du vừa được công bố qua tác phẩm Câu chữ Truyện Kiều , do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Mã giám sinh có râu?
Nhiều thắc mắc về câu: “Trăm năm trong cõi người ta” thì hai chữ “trăm năm” là bao nhiêu năm? Tại sao quyển Kim Vân Kiều tân truyện do Abel des Michels dịch sang tiếng Pháp ghi là: De tout temps, parmi les hommes? Tại sao trăm năm lại không phải cent ans mà là De tout temps (tạm dịch “bao giờ cũng…”, “luôn luôn”)? An Chi lý giải: “Tôi cho rằng ở đây người hiểu đúng ý của Nguyễn Du chính là Abel des Michels. Trong bài viết Trăm năm trong cõi người ta nghĩa là gì, Cao Xuân Hạo đã giải thích: “Mấy chữ “trong cõi người ta” khó lòng có thể hiểu thành “trong vòng một đời người”, trước hết cõi chỉ một khoảng không gian, một nơi chốn, chứ không bao giờ chỉ một khoảng thời gian. Còn hai chữ trăm năm thì hiểu là thời gian của một đời người nhưng cũng có thể hiểu theo cách dùng số từ thông dụng trong các tiếng: Việt, Hán, Nhật và nhiều tiếng Á Đông khác, như một thời gian dài không hạn định, có nghĩa xưa nay trong cõi thế gian chứ không phải trong vòng một trăm năm của một kiếp người”.
Tác giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa. Ông còn có bút danh khác: Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Tuy nhiên, ông vẫn thích nhất bút danh Huệ Thiên vì: “Nhiều người cứ hỏi tôi Huệ Thiên là sao? Rất đơn giản, Thiện Hoa - tên của tôi nói lái ra thành Họa Thiên, mà nghe cả trời tai họa thì… ghê quá! Nhờ trong nam cũng nói Hoa thành Huê nên tôi mới lái Thiện Huê thành Huệ Thiên”.

Mã Giám Sinh có râu hay không râu? Học giả An Chi phân tích: “Đáng tiếc có người cho rằng mày râu nhẵn nhụi ở đây là trụi lủi vì bị cạo, nên mới phát sinh thắc mắc là: Họ Mã có cạo cả lông mày hay không? Nếu có thì kỳ cục quá nhưng nếu không thì tại sao Nguyễn Du lại viết như vậy? Cuối cùng cũng ra được cách hiểu “đờ mi” cho rằng, tuy viết thế nhưng họ Mã chỉ cạo trụi râu thôi chứ lông mày thì ngài còn chừa lại, khác nào nói rằng đại thi hào quá kém cỏi trong việc sử dụng từ ngữ. Nếu nói rằng “Mã Giám Sinh làm gì có râu mà cạo” thì thật là chẳng hay biết gì đến ý nghĩa và công dụng của hai tiếng nhẵn nhụi. Khi người ta nói “thằng ấy thua nhẵn túi” thì có nghĩa trước đó trong túi hắn ta đã có tiền… Vậy nếu họ Mã không có râu thì lấy đâu mà… nhẵn nhụi. Đúng như Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, Từ điển từ láy tiếng Việt của Hoàng Văn Hành và VN tự điển của Lê Văn Đức đều giảng rằng mày râu nhẵn nhụi là mày râu đã được chăm chút ngay ngắn, dễ coi”.
Đoạn Sở Khanh nói với Kiều: “Rằng ta có ngựa truy phong”, trong khi một số bản chú giải của Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang (NXB Văn học 1965), Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đều có đại ý rằng ngựa truy phong là ngựa chạy thật nhanh, có thể đuổi theo gió. Ở Thúy Kiều truyện tường chú của Chiêm Vân Thị, thì chú: Vua Thủy Hoàng nước Tần có 7 con ngựa tốt, con tốt nhất gọi là Truy Phong (chạy nhanh đuổi kịp gió), còn học giả An Chi nhận định: “Thành ngữ truy phong - nhiếp cảnh bắt nguồn từ tên hai con ngựa giỏi của Tần Thủy Hoàng, do đó trong ngữ đoạn danh từ ngựa truy phong của tiếng Việt không phải là một ẩn dụ của động từ truy phong (đuổi gió) trong tiếng Hán mà từ tên con ngựa Truy Phong”.
Luôn đến cùng sự thật chữ nghĩa
Xung quanh các tranh luận để có tác phẩm Câu chữ Truyện Kiều, ông An Chi phải đụng chạm tới những “tượng đài” như: Nguyễn Quảng Tuân, Hoàng Xuân Hãn, TS Đào Quang Huy, Nguyễn Tài Cẩn... thậm chí có người ở Hội Kiều học như Nguyễn Khắc Bảo còn phản ứng gay gắt.
Tuy nhiên, học giả An Chi khẳng định: “Mặc dù không dám tự nhận mình là tài giỏi hoặc thâm sâu về chuyên môn nhưng Huệ Thiên đã làm thì sự thật phải là cái đích luôn vươn tới. Nhờ có thể tra cứu ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, chữ Hán và Sanskrit (ngôn ngữ cổ ở Ấn Độ) nên tôi gặp thuận lợi hơn trong khi biện luận. Với học giả Hoàng Xuân Hãn, tôi không tán thành ông ở nhiều chỗ được in trong cuốn Câu chữ Truyện Kiều: Chuyện “bát Kiều” của Hoàng Xuân Hãn hãy còn là một nghi án; Nhận xét bài “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về truyện Kiều trên tạp chí Văn học”; Về quyển Kiều mà học giả Hoàng Xuân Hãn dự định công bố… nhưng không vì thế mà làm cho danh tiếng của ông bị ảnh hưởng”.
Cũng chính vì quá thẳng thắn, đấu tranh đến cùng cho ngữ nghĩa con chữ như thế nên gần 15 năm trời lo bếp núc Chuyện Đông, chuyện Tây trên tạp chí Kiến thức ngày nay, ông từng có lúc bị “lên bờ xuống ruộng”, phải ngưng phụ trách tới… 5 kỳ báo. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đề nghị ông tiếp tục viết thì phải ký tên khác để tránh rắc rối.
Lúc ấy chủ biên Hàn Tấn Quang đặt bút danh mới là Lão Ngoan Đồng (tên nhân vật trong Anh hùng Xạ Điêu) nhưng ông không thích lắm. Cuối cùng Huệ Thiên tự chọn cho mình tên mới là An Chi như sự an nhiên tự tại, không muốn sinh sự với ai nữa nhưng ông muốn nhắn với mọi người là Huệ Thiên (An Chi) vẫn… y chang chứ không thay đổi gì hết.
Vậy là nhờ tiếp tục được công việc nghiên cứu mà trên 100 kiến giải trong Câu chữ Truyện Kiều được An Chi khám phá rất độc đáo, khoa học, với mỗi bài viết của ông như một lời bình Kiều, lẩy Kiều sâu sắc. Một công việc bền bỉ mà theo học giả muốn giúp độc giả hiểu thêm về các câu chữ, điển tích của Truyện Kiềucũng như sự tài hoa trong sử dụng ngôn ngữ tài tình của đại thi hào Nguyễn Du.
“Đọc Câu chữ Truyện Kiều để thấy rằng, lâu nay đã có nhiều văn bản Kiều và nhiều học giả giải thích, chú giải… Thế nhưng với An Chi, qua cách lý giải thấu đáo, uyên bác, ông đã “lật ngược vấn đề” một cách ngoạn mục và rất bất ngờ. Ông đã có cái nhìn khác các học giả tầm cỡ như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Huệ Chi, Vũ Văn Kính… Câu chữ Truyện Kiều của An Chi có sức hấp dẫn là ngoài tài liệu “nói có sách, mách có chứng”, còn ở chỗ ông chọn cách diễn đạt trầm tĩnh, thân mật như đang trò chuyện cùng bạn đọc”. Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.