Kho báu nghệ thuật đương đại dưới hầm Nhà Quốc hội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
20/11/2018 05:33 GMT+7

Được 'đặt hàng' sáng tác riêng cho không gian hành lang hầm Nhà Quốc hội, cụm tác phẩm ở đây là những cuộc đối thoại với di sản lịch sử văn hóa của nghệ sĩ đương đại . Trưng bày vừa khánh thành chiều 19.11.

Chuyện của lịch sử, chuyện của nghệ sĩ
Các tác phẩm trưng bày tại Nhà Quốc hội được thực hiện trong
3 tháng. Tham gia dự án có 15 nghệ sĩ và hơn 100 trợ lý kỹ thuật. Bên cạnh đó có hệ thống 10 xưởng phụ trợ làm việc liên tục từ Hà Nội đến Thừa Thiên-Huế. Đường hầm chính có 16 tác phẩm; Đường hầm lớn, tầng B1 gồm 4 tác phẩm. Đường hầm nhỏ gồm 15 tác phẩm bao gồm 15 tác phẩm đại diện của 15 họa sĩ.

Ông Trần Hậu Yên Thế (ĐH Mỹ thuật Hà Nội) đã nhiều năm gắn với nghiên cứu mỹ thuật cổ và di sản kiến trúc đương đại. Với ông, nhiều đồ án hoa văn đã quen thuộc đến mức “nằm mơ” cũng vẽ lại được. Giờ đây, ông Thế đã mang một đồ án trang trí trên bia tiến sĩ Văn Miếu như thế vào tác phẩm sắp đặt tại hành lang đường hầm Nhà Quốc hội. Tác phẩm gồm 3 chiếc gương lớn mô phỏng 3 tấm bia tiến sĩ với câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Cụm tác phẩm ở hai hành lang đường hầm Nhà Quốc hội là những cuộc đối thoại liên tiếp với di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc như thế. Chúng được làm theo đơn đặt hàng để kết nối không gian giữa hai tầng hầm hiện đang là bảo tàng “Những phát hiện khảo cổ dưới lòng Nhà Quốc hội”. Như thế, lịch sử không bao giờ ngừng lại trong bảo tàng, vì những người đương thời luôn soi vào văn hóa lịch sử, để học lại những ngụ ngôn trong đó. “Không gian thể hiện cách nhìn di sản qua nghệ thuật đương đại. Nối từ không gian cổ đại đến đương đại, trưng bày giống như chuyến du hành từ những địa tầng lịch sử huy hoàng trong quá khứ tới cách nhìn sáng tạo của những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại hôm nay”, giám tuyển triển lãm Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Những câu chuyện của những thời đại khác nhau được lựa chọn khá đa dạng. Nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến thể hiện huyền thoại về dân tộc Việt qua hình tượng trăm trứng. Các nghệ sĩ Vũ Xuân Đông và Phạm Khắc Quang kể chuyện về chiến thắng của Đại Việt, chiến thắng bắt nguồn từ lòng quyết tâm trong Hội nghị Diên Hồng. Ông Lê Đăng Ninh tái hiện điện Kính Thiên - nơi thiết triều bàn quốc gia đại sự nhưng nay chỉ còn lại bậc thềm xây dựng thời Lê Sơ. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn kể những câu chuyện về từng giai đoạn lịch sử, chẳng hạn 1901 - 1911 là quãng thời gian 10 năm Nhà hát Lớn được xây dựng tại Hà Nội để rồi giờ đây đã thành một biểu tượng văn hóa nghệ thuật quốc gia...
Tác phẩm Hóa thạch sống của nghệ sĩ Vương Văn Thạo Ảnh: NSCC
Các tác phẩm cũng mang những thông điệp đa dạng. Với nghệ sĩ Lê Đăng Ninh, bậc thềm điện Kính Thiên là “Xin hãy nhìn ngắm để đắm chìm vào màn đêm hoàng cung, để cảm nhận sự kỳ vĩ của những triều đại thịnh trị xa xưa”. Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến vẽ các công trình kiến trúc tiêu biểu là chùa Báo Ân (Hà Nội), điện Cần Chánh (Huế), thương xá Tax (TP.HCM) trên nắp capo để cảnh tỉnh về khả năng tồn tại mong manh của di tích lịch sử trước tốc độ phát triển hôm nay. Vương Văn Thạo “hóa thạch” chợ Bến Thành, ga Huế trong composite để nói rằng quá khứ cần được sống trong hiện tại và tương lai…
Mở đường cho di sản
Di sản trong trưng bày không bị “đóng khung” trong những cách nhìn xưa cũ. Những cuộc đối thoại đương đại này có nhiều dấu ấn của lối nghĩ mới, cách làm hiện đại. Chẳng hạn, tranh Vinh hoa Phú quý của dòng tranh Đông Hồ không còn chỉ là những em bé ôm gà vịt như xưa nữa. Thay vào đó, các em ôm những vật liệu kiến trúc đã tìm thấy rất nhiều ở Hoàng thành Thăng Long như gạch lá đề có hình rồng, đầu hình phượng đất nung… Các hiện vật này cũng đang được trưng bày trong không gian bảo tàng của Nhà Quốc hội.
Ở tác phẩm về cội nguồn dân tộc, 100 quả trứng được dát vàng trên chóp mô phỏng cấu trúc vảy cá, tựa như sóng nước, hàm chứa khởi nguyên của văn minh lúa nước. Hoa văn trang trí qua nhiều thời đại được các nghệ nhân làng nghề mộc, cẩn trứng, dát vàng thực hiện cùng nghệ sĩ. “Đây cũng là minh chứng về hướng đi khả quan cho các làng nghề thủ công truyền thống trong nhịp sống hiện đại, làm phong phú thêm ngôn ngữ tạo hình độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc của chất liệu sơn mài VN”, nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến cho biết.
Triển lãm có rất nhiều chất liệu và cách thể hiện như: khắc gương, phun sơn trên nắp capo, khắc mica, hộp gỗ lồng mica và vẽ giấy washi, in khắc, sơn dầu, sơn mài, nhiếp ảnh phù điêu, composit, trúc chỉ, sắp đặt hàn sắt chuyển động, sắp đặt mộc bản...
“Tổng chỉ huy dự án” Nguyễn Thế Sơn không giấu nổi xúc động: “Có lẽ, đây là không gian đầu tiên ở VN có bộ sưu tập đa dạng về loại hình và chất liệu được thiết kế dành riêng cho không gian chuyên biệt. Bóng dáng của một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở VN dường như đang hiện hữu. Kết quả ấy làm cho trái tim chúng tôi đập nhanh hơn thường lệ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.