Cùng Tám Hùng lang thang suốt vùng nam lộ Bốn, có những đêm mấy anh em tôi… nhậu cách đối phương khoảng 150 m, nhậu im lặng, mà vẫn an toàn, vì Tám Hùng rất có kinh nghiệm khi tiếp cận địch, khiến tôi cảm thấy vui và bình tĩnh vô cùng. Đi với một người bạn từng trải trong chiến tranh như vậy, một người bạn vừa chân tình vừa có tố chất “giang hồ” như vậy, đối với tôi là một cái gì giống như hạnh phúc.
Gần nửa thế kỷ qua mà tôi vẫn không quên một buổi chiều Tám Hùng đón vợ từ Bến Tre qua Mỹ Tho, vừa đi công tác vừa thăm chồng. Nhìn người chị Bến Tre ngồi làm cá thát lát nhồi khổ qua để nấu cho chồng một bữa ăn gia đình chỉ có hai vợ chồng, tôi thật không cầm lòng. Vợ Tám Hùng là giao liên mật của Binh vận, chị thường xuyên đi công tác lúc công khai lúc bí mật từ tỉnh này sang tỉnh khác ở Nam bộ để mang tài liệu và những chỉ thị của cách mạng. Công việc đó hết sức nguy hiểm. Mà chị vợ Tám Hùng lại trông thật mảnh mai, hiền lành, với gương mặt thánh thiện của một người phụ nữ Bến Tre. Cả hai vợ chồng đều làm những công việc nguy hiểm. Nhưng làm sao khác được.
Còn nhớ, trong lần vợ chồng Tám Hùng gặp nhau, chị vợ đã cho chồng hai chiếc áo sơ mi vải pô-pơ-lin mới cáu cạnh. Tám Hùng cho tôi một chiếc, có lẽ vì thấy áo tôi rách quá. Tôi mặc được vài hôm thì gặp “người lính phượt” tên Dũng vượt lộ Bốn dùi qua, áo còn rách hơn cả áo tôi, nên tôi tặng Dũng chiếc áo Tám Hùng cho tôi lúc tiễn Dũng lên đường. Thì “áo rách thương nhau” mà.
Sau khi Tám Hùng và tôi cùng đoàn công tác về lại chiến khu R ít lâu, thì vào năm 1974, được tin chị vợ Tám Hùng trong một lần đi giao liên mật đã bị địch phục kích bắn chết. Người phụ nữ Bến Tre ấy hy sinh, Tám Hùng mồ côi vợ từ đó. Những nỗi đau trong chiến tranh, làm sao nói hết được. Sau hòa bình, có dịp tình cờ tôi được đọc một bài báo trên tờ Sài Gòn giải phóng viết về tấm gương trong sáng, lành sạch của bạn tôi - Tám Hùng, khi anh làm giám đốc ở Bến xe Miền Đông hay Miền Tây gì đó. Tôi xúc động và tự hào về bạn mình. Tám Hùng là người bạn trong chiến tranh mà tôi vừa yêu thương vừa kính trọng. Anh đã mất sau chiến tranh không lâu, vì bạo bệnh.
Tôi đã tìm thấy sự an tĩnh cho tâm hồn mình trong những tháng năm chiến tranh ấy. Bây giờ nghĩ lại, hóa ra, đó là những tháng năm đẹp nhất trong đời mình, những tháng năm mình chỉ nghĩ làm sao được xuống chiến trường, chỉ nghĩ chuyện làm thơ, chỉ mong được sống gần nhất giữa lòng nhân dân mình. Và để được bà con đùm bọc, che chở. Tôi đã được, cả sự đùm bọc yêu thương, và được những bài thơ mình viết ngay thời điểm ấy, cho mãi sau này. Nếu không có những năm tháng đi chiến trường, tôi không biết phần sau đời mình sẽ ra sao, mình sẽ sống và làm việc như thế nào. Dù những năm tháng ấy, mình bị hành không ít, nhưng cuối cùng, lại kết thúc như có hậu. Cảm ơn trời phật. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng có biết bao mơ ước, lại phải tự mình vạch lối tìm đường cho mình giữa những ngã ba rừng heo hút, không khác mấy với những ngã năm ngã bảy của cuộc đời.
Ngày chúng tôi qua Trường Sơn, anh em vẫn thường động viên nhau: “Coi như mình được học thêm một trường đại học nữa: đại học Trường Sơn”. Nói chơi mà đúng thật vậy. Chiến tranh là một trường đại học vô cùng khắc nghiệt. Nhưng ai đã học qua trường này, lại may mắn còn sống, thì sẽ thụ đắc được bao nhiêu điều mà không một trường đại học chính quy nào dạy được.
(còn tiếp)
Bình luận (0)