Ký ức Tháp Mười: Chân trời là lưng người đi trước

26/04/2020 07:00 GMT+7

Nhưng đoàn công tác chúng tôi qua Tháp Mười không chỉ ngồi trên xuồng. Có những lúc, gặp những đêm nước giựt trên đồng, phải đẩy xuồng băng qua những trấp, tạm “dịch” là “vùng đồng lầy”.

“có những đêm mưa quất bốn bề
giữa Tháp Mười không mái lá nương che
nước đã giựt phải đẩy xuồng băng trấp
lúc ấy chân trời là lưng người đi trước
vụt lóe lên qua ánh chớp màn mưa”
 (Một người lính nói về thế hệ mình)
Đẩy xuồng bằng tay băng qua những trấp bùn sình lầy lội, cứ 5 người đẩy một chiếc xuồng, quả thật không dễ dàng. Nhưng đi kháng chiến thì chấp nhận những tình huống khó khăn như vậy thôi, chả ai kêu ca gì.

Hoa sen Tháp Mười

Ảnh: Công Huân

Cũng như những đêm lội nước ở đoạn cuối Tháp Mười, bùn sình ngập quá đầu gối, nhấc chân lên rất khó, đồng lầy thì cứ mênh mông, không có chỗ nào khô ráo đặt chiếc bòng nghỉ tạm, cứ phải lội sáng đêm như thế, mỏi quá thì dừng nghỉ đứng tại chỗ, có vài anh đã... khóc. Vì mệt mỏi quá. Nhưng khi đã qua được đoạn đường ấy rồi, chợt thấy như người khỏe hẳn. Phải bây giờ thì người ta gọi đó là môn thể thao phối hợp, lúc bơi, lúc chèo xuồng, lúc lội bùn, xem ai về đích sớm nhất. Tất cả chúng tôi hồi ấy đều về đích, chả ai sớm ai muộn, vì có phải cuộc thi thể thao đâu.
Đời tôi gắn bó nhiều với những dòng sông. Từ nhỏ có con sông Thoa trước nhà. Lớn lên một chút, tập kết ra Bắc thì có nhiều con sông, từ sông Hồng mênh mang phù sa đỏ tới sông Đáy nơi tôi đã học mấy năm ở Trường Học sinh miền Nam, rồi những dòng sông nhỏ trong xanh, kể cả những dòng suối trên Việt Bắc ngày đi học sơ tán.
Tới khi vào chiến trường Nam bộ, chao ôi là sông nước, khiến cho mình như thỏa nguyện. Dọc đường xuống chiến trường Mỹ Tho đã bơi qua bao nhiêu con sông, lúc về lại trên R thì cơ quan đóng ngay bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Thôi thì tha hồ bơi lội, tha hồ vớt lục bình về làm rau ăn, tha hồ nghe những câu chuyện thâu đêm suốt sáng về hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tôi cũng đã có may mắn vượt sông Vàm Cỏ Tây vào một buổi chiều cuối xuân năm 1973. Đó là một kỷ niệm thật vui và thật đẹp, khi lần đầu tiên mình nhìn ngắm ngọn cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên một ngọn cây trâm cao ngất bên bờ bắc sông Vàm Cỏ Tây, trong khi thuyền tuần duyên của đối phương bắn đại liên xối xả lên ngọn trâm, hòng tiêu diệt ngọn cờ. Nhưng ngọn cờ Mặt trận vẫn đứng vững, vẫn tung bay. Còn đoàn công tác chúng tôi thì men theo bờ sông tìm chỗ ẩn nấp và chờ cơ hội vượt sông. Khi sao Hôm đã mọc xanh rực rỡ trên đầu, chúng tôi tạm biệt sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục cuộc hành trình.
Đồng Tháp ngày ấy hoang dại, không điểm trang, đầy im lặng. Nhưng đẹp một cách kỳ lạ, đẹp lung linh. Nhìn vào đâu cũng đẹp, đi tới đâu cũng gặp cái đẹp, hồn nhiên phát lộ hay chìm khuất âm thầm. Những đồng sen Tháp Mười ngày ấy, phải đặt trong bối cảnh biển nước mênh mông mới thấy vẻ đẹp sang trọng đầy quyến rũ của nó.
Những đồng sen bát ngát đã làm nên cả một chân trời hoa sen và hương sen. Nhiều đêm, chúng tôi bơi xuồng cả đêm trong hương sen. Kỳ tuyệt!
Ngày ấy, không ai tác động vào Tháp Mười, trừ bom đạn Mỹ. Những người dân sống trên đồng nước nổi khai thác được chút ít gì những sản vật từ biển nước mênh mông này cũng là khai thác để nuôi gia đình qua ngày, theo kiểu “tự cấp tự túc” vậy thôi, chứ không hề vì mục tiêu “kinh tế thị trường” hay “chinh phục thiên nhiên” gì cả.
Bây giờ thì đã khác.
Có một nghịch lý đáng buồn: con người càng giàu có, càng bành trướng lên, thì thiên nhiên hoang dã càng co hẹp, càng đi vào những góc khuất. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.