Bài học trên đồng nước

23/04/2020 06:21 GMT+7

Tự dưng, lại trào lên nỗi nhớ đồng Tháp Mười . Đã 48 năm rồi, vào mùa nước nổi năm 1972. Ngày ấy, Tháp Mười còn hoang sơ, và mình còn trẻ dại.

Tôi nhớ lần đầu tiên mình cầm chèo để chèo xuồng ba lá trên đồng Tháp Mười. Rất lóng ngóng. Vì nhỏ lớn tôi đâu có biết chèo xuồng. Sinh ra bên một dòng sông nhỏ, nhưng dòng sông ấy không có xuồng, không có thuyền. Tôi đã biết bơi từ năm lên 6 tuổi, nhưng dĩ nhiên không biết xuồng là gì. Năm lên 8 tuổi, lần đầu được ra thị xã Quảng Ngãi, biết cái bóng đèn điện sáng như một niềm kinh ngạc. Nhưng vẫn không biết cái xuồng.
Vậy mà, khi bị la mắng vì sự lóng ngóng của mình, tôi đã nghiến răng để học cho được kỹ năng chèo xuồng. Và tôi đã chèo được. Xuồng băng băng trên đồng Tháp Mười mênh mang mùa nước nổi. Đúng là biết thêm được cái gì, là thêm sự tự tin, thêm một chút trưởng thành. Và dường như, thêm một cảm giác hạnh phúc, vì mình không phải là kẻ vô tích sự, kẻ bỏ đi.
Ngày đi học đại học ở núi rừng sơ tán, tôi cũng đã học để có kỹ năng đi rừng chặt nứa chặt gỗ, bó được những bó nứa gọn gàng, vác từ rừng sâu núi cao về nhà. Tôi lớn thêm một chút, hay nhiều chút, từ đó.
Nếu cả đời chúng ta phải học để là người trưởng thành, thì so với nó, cái học trong nhà trường chẳng đáng là bao.
Tôi muốn trở lại đồng Tháp Mười, dù người ta nói, bây giờ Đồng Tháp không còn như xưa nữa, thậm chí khác hoàn toàn với ngày xưa. Nhưng tôi vẫn muốn đi một chuyến. Và chắc là sẽ đi. Vì đồng Tháp Mười, sau gần nửa thế kỷ, trong ký ức của tôi, vẫn lung linh. Đẹp hoang dã, đẹp mơ hồ, đẹp mà không tự biết, đó chính là đồng Tháp Mười ngày xưa ấy.
Bây giờ, bạn trẻ thèm được đắm mình trong thiên nhiên hoang dã, vì họ đã nhận chân được vẻ đẹp và sự cuốn hút không thể cưỡng của nó. Nhưng thiên nhiên hoang dã đang bị biến dạng, thậm chí biến mất với tốc độ phi mã.
May cho tôi, là năm 1972 đó khi băng qua Tháp Mười mênh mang mùa nước nổi, tôi đã viết được chùm thơ Ghi chép Tháp Mười, như một bút ký bằng thơ. Bây giờ đọc lại để hình dung khoảng thời gian một tháng rưỡi mình qua Đồng Tháp, chợt thấy như mình may mắn.
Ấy là lần đầu tiên tôi gặp Tháp Mười, một Tháp Mười hoang sơ mà sau này nhiều người đã được xem qua bộ phim Cánh đồng hoang, kịch bản của Nguyễn Quang Sáng, Hồng Sến đạo diễn. Với tôi, Tháp Mười mà tôi biết còn đẹp hơn trong phim rất nhiều. Ghi chép Tháp Mười là những bài thơ nhỏ tôi ghi trên đường hành quân qua đồng Tháp Mười, vào những lúc dừng chân ở các trạm giao liên. Ngót năm mươi năm rồi, mà đọc những bài thơ nhỏ về Tháp Mười, vẫn thấy như mới ngày hôm qua.
Bài thơ mở đầu chùm thơ, có nhan đề:
Trạm nổi
như lúa sạ vươn theo tầm
nước lớn
trạm giao liên thả nổi
bềnh bồng
một rặng tràm thưa cập mấy chiếc xuồng
khách mắc võng chông chênh trên nước
gối đầu lên ánh sao Mai
xanh lợt
mắt thâm quầng bỗng chạm hừng đông
không tiếng ong bay mà thoang thoảng hương tràm
cá tớp bóng giữa vùng sen lách chách
địa hình nhỏ nằm trong tầm pháo giặc
khách cắm sào ngồi thong thả buông câu
Trạm giao liên giữa đồng nước nổi Tháp Mười chỉ đơn sơ vậy. Những chiếc xuồng ba lá quần tụ, buộc dây vào những thân cây tràm. Nấu cơm hay nấu nước pha trà thì treo hăng-gô trên cành cây, và kiếm củi khô đốt bên dưới. Nước vẫn sôi, trà pha thơm ngát, và cơm vẫn chín tốt.
Cơm nước xong, “khách” là chúng tôi có thể mắc võng giữa hai cây tràm, và ngủ rất yên giấc. Tôi thì nằm trên võng... làm thơ, với một cảm giác sung sướng. “Ai bảo đi chiến trường là khổ” nào?
Vậy mà cũng có lúc khốn khổ. Khi đã qua gần hết Tháp Mười, đã chuẩn bị vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp về phía bắc lộ 4, thì gặp chuyện.
Có một điều lạ là tự nhiên rất nhiều đoàn công tác từ trên R xuống chiến trường Mỹ Tho thời gian ấy cùng bị kẹt trên con lộ Mới, còn gọi là lộ đất Trần Lệ Xuân. Con lộ này khá dài và rộng, mọc toàn những đám cỏ bàng xanh mù mịt. Khi các đoàn công tác tới đây thì giao liên báo địch đang càn quét bên kia kênh Nguyễn Văn Tiếp, đường bị tắc, không đi được.
Cứ tưởng trận càn chỉ diễn ra trong một ngày, mình chịu khó chờ, rồi đi tiếp. Ngờ đâu, nó kéo dài tới ba ngày ròng rã. Mãi gần đây, gặp và chơi thân với nhà văn Nam bộ Trần Bảo Định, tôi mới biết bên trong câu chuyện. Anh Bảo Định vào thời điểm ấy ở một đơn vị quân giải phóng có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho các đoàn công tác từ R xuống. Chính đơn vị các anh đã đánh giải tỏa cho các đoàn công tác bị vây trên lộ Mới, nếu không chắc chúng tôi sẽ bị chết... đói. Thì đói lâu ngày cũng chết chớ bộ!
Chúng tôi chỉ nhịn đói đúng ba ngày, đã thấy vàng cả mắt ra.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.