Ký ức thời bao cấp - Kỳ 3: Yêu kiểu cưa đường

20/05/2015 05:53 GMT+7

Dù đã cởi mở trong quan niệm nam nữ nhưng nói chung thời bao cấp, các gia đình Hà Nội vẫn rất 'phong kiến'.

Dù đã cởi mở trong quan niệm nam nữ nhưng nói chung thời bao cấp, các gia đình Hà Nội vẫn rất “phong kiến”.

Ký ức thời bao cấp: Yêu kiểu cưa đườngPhương tiện đi lại “sang trọng” của các cặp đôi yêu nhau thời bao cấp là xe đạp
- Ảnh: nhiếp ảnh gia người Đức Reisen
Cưa đường nôm na là tán gái ngoài đường. Thời bao cấp nói chung thanh niên Hà Nội ít dùng từ tán tỉnh mà họ thường dùng từ cưa, tán được em nào họ gọi là “cưa đổ”.
Trước năm 1973, Hà Nội không có cưa đường, trai gái yêu nhau chủ yếu qua hai kênh chính: tự đến và họ hàng, bạn bè giới thiệu, không còn kiểu phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Tự đến với nhau do học cùng phổ thông, cùng đại học, làm cùng nhà máy, cơ quan hay tham gia phong trào thanh niên… Còn giới thiệu thì bà cô, ông bác thấy cháu đến tuổi lập gia đình nhưng chưa có ai đoái hoài thì tìm hộ nhưng cũng có thể là bạn bè gán ghép.
Cưa đường có thể xuất hiện vào khoảng năm 1973, tức là sau khi Hiệp định Paris được ký kết, dân Hà Nội đi sơ tán tránh bom ở các vùng quê trở về thành phố. Có lẽ khoảng thời gian đi sơ tán khiến thanh niên “bức bối” vì con trai thành thị khó có thể yêu các cô thôn quê và con gái thành thị lại càng khó yêu các chàng trai nông thôn. Công cụ đi cưa đường là một chiếc “nghẽo” (từ đường phố chỉ xe đạp), buổi chiều lau sạch bóng và phải sửa chữa cho ngon vì đang cưa mà hỏng xe coi như xong, có thêm bao thuốc lá và thêm đồng bạc vì con trai Hà Nội có tính sĩ diện, nhỡ buột mồm mời các em uống giải khát còn có tiền mà trả.
Thường thì hai hay ba thanh niên đi hai xe đạp song cũng có thanh niên thích làm “con cáo đơn độc”. Họ đi lang thang phố nọ phố kia nhưng thường là các phố chính. Không phải ai, cô gái nào cũng có thể bắt chuyện với con trai ngoài đường nên đám thanh niên không bao giờ cưa các em tóc tết đuôi sam, vẻ mặt nghiêm nghị trông Bôn (có gốc từ Bolsevic - chỉ những người cộng sản Liên Xô), quần lụa áo sơ mi cổ lá sen. Thường họ nhắm vào các em tươi tắn hay “đú” (từ đường phố chỉ các em đua đòi nhưng không phải hư hỏng), mốt quần áo “hắc mô ni” (một loại cá cảnh màu đen ở Hà Nội) hay áo nâu, quần phăng (quần Âu) cũng nâu may ống tuýp đi guốc nhựa, tóc buộc đuôi gà chổng ngước lên. Đầu tiên là đi xe bên cạnh rồi vờ hỏi đường, hay buông ra câu nịnh nọt, tỏ ra hóm hỉnh. Chỉ cần em đang đạp xe quay sang nhìn lại nghĩa là có thể cưa tiếp. Và rất nhiều chuyện hài hước xảy ra. Có khi dọc đường cô gái im lặng nhưng về đến nhà cô ta mới mở miệng: “Chị có chồng rồi các em ạ, để chị gọi chồng chị ra nói chuyện với các em”, chả biết đúng hay không thế là quay xe đạp thẳng. Có cô thì đổ ngay trong lần gặp đầu tiên, đưa cô gái về đầu ngõ rồi dừng xe tâm sự. Thực tế cũng rất nhiều người nên vợ nên chồng. Nói chung cưa đường là vừa tìm kiếm người yêu nhưng cũng là trò chơi.
Thơ con cóc
Sau tháng 4.1975, đồ đạc theo chân bộ đội phục viên, xuất ngũ ra miền Bắc, lại có những nguời nhanh nhạy vào Sài Gòn mua hàng hóa ra Hà Nội bán và đồng hồ Nhật là món đồ có giá trị. Hồi đó có thơ lưu truyền trong thanh niên:
Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugiot cá vàng (xe đạp)
Ba yêu anh có nhà sang
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng thủ đô
Năm yêu không có bà bô (mẹ)
Sáu yêu Văn Điển ông bô (bố) sắp chầu
Hồi tôi đi bộ đội, ở đơn vị tôi cũng có vài anh chép những câu thơ về tình yêu. Dù là thơ con cóc nhưng nó cũng cho thấy ghen tuông, bất lực của đám con trai nghèo và qua đó nó cũng bộc lộ khát khao của các cô gái:
Nó ở Tây về có máy khâu
Ra đường ăn mặc đúngmốt Âu
Chiều chiều Spart (xe máy của CHDC Đức) bay dạt phố
Ai cũng nhìn theo bảo nó giầu
Có lẽ hơn nhau bởi chữ giầu
Nên em yêu nó có gì đâu
Cho dù nó hơn nhiều tuổi tác
Em vẫn cứ yêu chẳng thấy sầu
Hay lại có những bài đại loại
Em bỏ tôi phải lắm rồi
Lính quèn binh phục lại lôi thôi
Gia tài chỉ có ba lô gọn
Nó ở Tây về hẳn hơn tôi.
Và khi yêu
Khi đã yêu nhau và hàng xóm biết rõ anh này yêu chị kia, nhưng ban ngày mà đến nhà người yêu chơi khi nhà cô gái không có ai ở nhà thì nên mở toang cửa, vì nếu khép lại là có chuyện. Hàng xóm sẽ xì xào và sẽ đến tai bố mẹ, lập tức bị phiền hà.
Mới yêu xin đi chơi rất khó, thế nên chàng trai chỉ ngồi nhà nói chuyện, nhà chật, chuyện gì cũng lọt vào tai mọi người, thế nên mới có nhiều câu chuyện vui. Ví dụ như anh chàng ngồi mãi chả biết nói chuyện gì, khi nhìn cái quạt trần liền nói với bố người yêu: “Cái quạt này mà rơi có đứa chết”.
Yêu phải đủ độ tin cậy với cha mẹ thì mới được dắt nhau đi chơi. Mà đi chơi thì chủ yếu vào công viên Thống Nhất hay Bách Thảo, tiền đâu mà vào quán giải khát. Và tất nhiên, chàng trai nào cũng thích vào công viên hơn nhưng đôi khi cũng gặp phiền phức vì anh công an mặc thường phục đi bắt “phò” (gái làm tiền) trà trộn hành nghề trong công viên, không biết hư thực thế nào cứ tách hai người ra, hỏi từng người một, sau đó nếu khớp tên, số nhà, phố thì thôi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.