Lắt léo chữ nghĩa: 'Truyện Kiều' bản Duy Minh Thị 1872 và phương ngữ Nam bộ

16/02/2020 06:35 GMT+7

Bản Duy Minh Thị 1872 của Truyện Kiều có những chỗ thuộc từ ngữ, cách nói của Nam kỳ mà vì không nắm vững nên hai nhà Kiều học hàng đầu của ta là Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân đã phạm sai lầm khi phiên âm.

Sau đây là một số dẫn chứng (c. là câu, TL là thảo luận, NTC là Nguyễn Tài Cẩn, NQT là Nguyễn Quảng Tuân, HTC là Huình-Tịnh Paulus Của):
Áng bất bằng, c.1635. - NTC, NQT: Án bất bằng. TL: Viết án [按] nhưng đọc áng vì đây là chữ Nôm miền Nam. Đây là một từ cổ, như trong áng can qua, áng công danh, áng đao binh... Chữ áng ở đây tương đương với chữ nỗi trong nỗi bất bằng của nhiều bản khác.
Bạt lụy, c.909. - NTC, NQT: gạt lệ. TL: Nôm ghi hẳn hoi là bạt lụy [拔淚]. Bạt lụy là “chùi lau nước mắt” (HTC). Xin chú ý đây là hai chữ/tiếng có thật trong phương ngữ Nam bộ, không thể đổi thành gạt lệ.
Bằng ngày, c.1723. - NTC: “Có lẽ đọc bằng ngày thì thuận với một cách nói khác, với nghĩa tương đương, đã sẵn có là hằng ngày”. TL: Không phải như thế. Bằng ngày là ban ngày. Bằng ngày, bằng đêm, bằng đêm bằng hôm là những lối nói của phương ngữ Nam bộ (Nguyễn Văn Ái, Huỳnh Công Tín).
Bợm bà, c.882. - trùm bợm. NTC, NQT: bợm già. TL: Chữ Nôm ở đây hẳn hoi là [姂妑] nên chữ bà [妑] không thể đọc thành già được. Bà là một từ của phương ngữ Nam bộ dùng để chỉ ý to lớn, đầu têu như bươm bướm bà, ếch bà, trầu bà...
Chạy ra, c.2772. - NQT: xu ra. TL: Mặt chữ là xu [趨] nhưng thanh phù sô [芻] là do khắc sai từ chữ trãi [豸]. Vậy đây là chữ chạy.
Đã chành, c.516. - NTC, NQT: đã dành. TL: Chành là “mở rộng ra về bề ngang [thường nói về môi, miệng]”(Vietlex). Ở đây là lòi ra một cách méo mó. Chành ra ba góc da còn thiếu (Hồ Xuân Hương). Phương ngữ Nam bộ có từ tổ đẳng lập lòi chành, có nghĩa là để lộ ra vì muốn giấu mà không giấu được. Nôm khắc trình [呈] để đọc thành chành. Ý nói ngay lúc đó thì lòng rẻ rúng đã “lòi” ra một bên rồi.
Đon hỏi, c.191. - NQT: đón hỏi. TL: Đây là đon, không phải đón. HTC giảng đon là “ngăn đón, thăm chừng”, với hai ví dụ: đon ren (cùng nghĩa) và hỏi đon hỏi ren (hỏi thăm hỏi mót, dò đón). Đây cũng chính là chữ đon trong đon đả.
Gành, c.56. - NTC, NQT: ghềnh. TL: Nên nhớ rằng đây là tiếng miền Nam (cầu Gành ở Biên Hòa gần đây đã bị Bắc hóa thành cầu Ghềnh).
Hèn lâu, c.382. - NTC: bấy lâu; NQT: nhàn lâu. TL: NQT đọc thành nhàn lâu; NTC phiên âm bấy lâu đều chưa chuẩn. Thực ra, hèn lâu là lối nói trong Nam, ở đây chữ hèn được khắc Nôm bằng chữ nhàn [闲] và đây là chuyện hoàn toàn bình thường.
Kiểu thơm, c.7. - Do hai chữ phương cảo [芳稿] (bản thảo thơm) - sách hay. NTC, NQT (và các nhà khác): cảo thơm. TL: Đọc kiểu thơm là theo lệ kiêng huý vua Minh Mạng (tên là Cảo), trong hoàn cảnh bản mẫu của bản Duy Minh Thị. Âm kiểu vẫn còn tồn tại bền vững trong danh ngữ đồ kí kiểu, như đã ghi nhận trong HTC. HTC cũng đọc câu này thành Kiểu thơm lần dở trước đèn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.