Lay động những sô diễn cuộc đời

Nguyên Vân
Nguyên Vân
24/02/2021 06:59 GMT+7

Khi mặc cảm khiếm khuyết, gánh nặng một mình nuôi con hay nỗi lo toan cơm áo gạo tiền... tạm xếp lại, ánh đèn sân khấu sáng lên, cũng là lúc những “nghệ sĩ ẩn danh” và khán giả của họ rưng rưng cảm nhận về một giấc mơ có thật!

Xúc cảm này có lẽ không còn lạ với những ai từng xem hay dõi theo Sô diễn cuộc đời - chương trình truyền hình thực tế kết hợp livestream dành cho những “nghệ sĩ ẩn danh”, những người có tài năng trong lĩnh vực ca hát, chơi nhạc cụ… nhưng chưa hoặc ít có điều kiện được công chúng biết đến, phát vào tối thứ tư hằng tuần trên HTV7. Không đề cao chuyên môn, tài năng trong mỗi lĩnh vực, Sô diễn cuộc đời chạm đến cảm xúc người xem bởi những câu chuyện đong đầy rung cảm.

Chạm đến ước mơ

Trải qua 4 tập phát sóng với 4 nhân vật mỗi người một câu chuyện, mỗi tài năng một nỗi niềm, Sô diễn cuộc đời đã và đang mang đến cho khán giả đa dạng những cung bậc cảm xúc nhưng trên hết chính là niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống. Đó có thể là câu chuyện đầy thương cảm về người đàn ông khiếm thị cùng tiếng đàn thau da diết gắn với Bến phà Cồn Khương (Cần Thơ) hơn 50 năm qua - ông Hai Liêm; là hạnh phúc của nghệ sĩ guitar khiếm thị Thanh Điền (Cần Thơ) trong lần đầu tiên biểu diễn và sở hữu một cây đàn guitar mới toanh khi cả đời chưa bao giờ có cây guitar tươm tất; là niềm rưng rưng của giảng viên âm nhạc về hưu - thầy Nguyễn Trường (Đắk Lắk) với sô diễn để đời, hay là đêm sống lại cùng âm nhạc của tay guitar Hùng Hero (TP.HCM) sau nhiều năm mưu sinh không còn thời gian dành cho đam mê, nay được “tỏa sáng trên sân khấu mà cả đời tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được như vậy” …
Trong Sô diễn cuộc đời, không ồn ào những tên tuổi khách mời hay hào nhoáng kỹ thuật của âm thanh, ánh sáng, khán giả xem trực tiếp (khi livestream) cũng chỉ 100 - 200 người, nhưng những câu chuyện âm nhạc mà các nhân vật lần đầu đứng trên sân khấu dành cho mình dường như ngày càng lay động và lan tỏa, từ cộng đồng người xem (thể hiện qua lượng người xem tăng dần sau đó trên YouTube). Nghệ sĩ guitar Hùng Hero trong Sô diễn cuộc đời tâm sự: dù yêu thích đàn guitar từ nhỏ, từng theo đuổi niềm đam mê chơi đàn nhưng đến tuổi trưởng thành, vì áp lực kinh tế sau khi lập gia đình khiến anh phải tạm gác đam mê... Khi kinh tế gia đình ổn định thì tóc đã pha sương và “tay chân nó đã cứng lại rồi” do anh “xếp đàn” cũng suýt soát 20 năm. “Được đánh đàn trở lại, được sống với nghề mình yêu thích khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, Hùng Hero bày tỏ.
Cũng tại Sô diễn cuộc đời, thầy Nguyễn Trường (cựu giảng viên âm nhạc Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk) từ cảm giác lo lắng ban đầu “sợ không đủ đô” để có thể thực hiện một đêm nhạc, cuối cùng chương trình Lời của tre mà anh và các học trò, nghệ sĩ của núi rừng Tây nguyên mang đến lại đậm đà dư vị… Gần 40 năm gắn với công việc giảng dạy, thầy Trường còn có niềm đam mê chế tạo nhạc cụ từ những nguyên vật liệu tự nhiên như tre, nứa... Trong số các loại nhạc cụ mà thầy từng sáng chế, cây violin tre chính là một trong những sản phẩm tâm huyết nhất của thầy.
Lay động những sô diễn cuộc đời1

Anh Trần Nên trong Sô diễn cuộc đời

Cùng tạo nên những kỷ niệm để đời

Đó là mong muốn của nhà sản xuất và cũng là người dẫn chương trình Sô diễn cuộc đời - cựu biên tập viên Đài truyền hình TP.HCM Bửu Điền (còn được khán giả biết đến với nghệ danh: Color Man). Anh cho biết vì tính chất công việc vốn đi nhiều, biết - thấy cuộc sống quanh mình còn quá nhiều mảnh đời, phận người có tài năng nhưng thiếu may mắn, hay có những nhân vật truyền cảm hứng hoặc lay động cần được chia sẻ nhiều hơn đến cộng đồng, anh đã nghĩ ngay đến ý tưởng và bắt tay thực hiện Sô diễn cuộc đời. “Đơn giản là cùng nhau tạo nên kỷ niệm để đời cho họ - những người có tài năng, đam mê nhưng thiếu cơ hội để được nhiều người biết đến”, anh nói. Ví như thầy Nguyễn Trường, bao nhiêu năm giảng dạy, nghiên cứu và sáng chế cây violon tre độc đáo như thế nhưng có lẽ cũng không nghĩ rằng mình sẽ có một chương trình biểu diễn riêng như vậy…
Với anh, mỗi nhân vật của chương trình đều mang lại cho mình - người đồng hành suốt với họ từ khi tìm hiểu thông tin - tìm kiếm - gặp gỡ - trò chuyện đến khi thực hiện show trực tuyến..., những cảm xúc khác nhau, từ cảm thông, sẻ chia đến ngưỡng mộ. “Nhưng có một điểm chung mà tôi nhận thấy được ở họ, đó chính là sự lạc quan, vui vẻ dù cuộc sống còn nhiều lắm những khó khăn”. Anh Trần Nên ở Hậu Giang (trong tập phát sóng tối nay 24.2) là một nhân vật như thế. Cuộc đời đã lấy đi ánh sáng từ đôi mắt anh nhưng bù lại cho anh một thứ ánh sáng - là tiếng cười của bé Trâm - con gái anh. Tình yêu thương con của một ông bố mù đa tài là nguồn động lực rất lớn giúp Color Man mang đến cho nhân vật Trần Nên một sân khấu đầy ý nghĩa với tiếng đàn và giọng hát thấm đẫm “tâm sự đời tôi”.
Là giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình thực tế, show ca nhạc truyền hình, chị Tú Uyên cho rằng: “Sô diễn cuộc đời có lẽ là chương trình cực nhất mà cũng ấm lòng nhất với chúng tôi, đến thời điểm này. Tuy sân khấu quy mô nhỏ, nhưng niềm vui, tinh thần mà các nhân vật lan tỏa đến khán giả, cũng như chính ê kíp sản xuất, dường như rất mênh mang. Có nhân vật sau khi kết thúc show, cứ cầm tay, ôm mình đầy xúc động…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.