Lối ra cho phim nghệ thuật

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
20/07/2019 06:16 GMT+7

Sau 3 tuần công chiếu, bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng Ký sinh trùng (Hàn Quốc sản xuất, tựa tiếng Anh: Parasite) vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn khi bám trụ ở phòng vé, hiện có doanh thu hơn 63 tỉ đồng.

Đây là con số ngang ngửa với các phim giải trí ăn khách, và cũng là con số ấn tượng đối với tác phẩm thuộc dòng phim nghệ thuật nói chung tại thị trường VN, bởi lâu nay dòng phim này vẫn bị cho là “khó xem”, “kén khách”.
Theo chuyên trang điện ảnh Moveek thống kê, phim Ký sinh trùng có lúc đạt được mức 1.800 suất chiếu/ngày ở thời điểm khi vừa công chiếu tại các rạp VN - một con số không nhỏ nói lên sức hút của bộ phim.
Trước đây, các phim từng giành giải quốc tế thường bị nhà phát hành phim tại VN “ngán”, không dám nhập chiếu rộng rãi tại rạp Việt vì đa số thường rất vắng người xem, tiền bán vé không đủ bù tiền mua bản quyền phim. Những tác phẩm gây tiếng vang ở các liên hoan phim thế giới như Thích khách Nhiếp Ẩn Nương, Cuộc đời của Pi, Sicario, Love & Mercy hay The Tree of Life… đều bị văng khỏi rạp chiếu trong chưa đầy hai tuần phát hành ở VN. So với các bộ phim thương mại - đặc biệt là phim bom tấn, những phim nghệ thuật được đề cử hoặc đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín đều có doanh thu khiêm tốn khi chiếu tại rạp Việt.
Mặc dù phim nghệ thuật khó thu lợi nhuận tại VN, nhưng các đơn vị phát hành như CGV, BHD, Galaxy, The Green Media… đều chia sẻ họ nhập phim về với ưu tiên giới thiệu tác phẩm hay và có giá trị thẩm mỹ cho người xem, nâng cao thị hiếu của khán giả về lâu về dài.
Lý giải về độ “hot” bất ngờ của Ký sinh trùng tại phòng vé Việt, chị Hồng Ngân - đại diện Hãng CJ HK Entertainment, cho biết: “Phần đông khán giả đại chúng tại VN tò mò muốn xem Cành cọ vàng đầu tiên của Hàn Quốc thế nào. Ký sinh trùng là phim nghệ thuật, nhưng nghệ thuật kể chuyện của phim lại thỏa mãn mọi đối tượng khán giả, ai cũng dễ dàng cảm nhận được câu chuyện, thông điệp của phim. Khi đi xem, họ thực sự choáng ngợp về các tình tiết bất ngờ, cùng những ẩn ý của phim về những vấn đề toàn cầu như khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Yếu tố truyền miệng cũng khiến bộ phim càng tăng sức nóng. Tôi nghĩ nếu không nhập những phim nghệ thuật hay như thế này về VN thì sẽ là một thiệt thòi cho người xem trong nước”.
Lối ra cho phim nghệ thuật1

Cảnh trong phim Cha cõng con

Ảnh: TL

Động lực cho phim nghệ thuật Việt

Đạo diễn Lương Đình Dũng, từng thành công với bộ phim nghệ thuật Cha cõng con, cho biết: “Những yếu tố giải trí một cách rất nghệ thuật của Ký sinh trùng quả thật đã hấp dẫn khán giả VN. Thế thì đương nhiên phim Việt nào làm được như thế sẽ có khán giả và thành công ở phòng vé”.
Những yếu tố giải trí một cách rất nghệ thuật của Ký sinh trùng quả thật đã hấp dẫn khán giả VN. Thế thì đương nhiên phim Việt nào làm được như thế sẽ có khán giả và thành công ở phòng vé
Đạo diễn Lương Đình Dũng
Phải nói, việc Ký sinh trùng thành công tại phòng vé VN thực sự là một tín hiệu đáng mừng, minh chứng rằng khán giả Việt không hề thờ ơ với phim nghệ thuật, chỉ là vì chưa có tác phẩm nào thuộc dòng phim này đủ sức chinh phục họ. Điều này cũng sẽ thúc đẩy việc sản xuất, phát hành phim nghệ thuật VN, trong thời điểm thị trường đang bùng nổ hiện nay.
Nhìn lại điện ảnh Việt khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm “phim nghệ thuật kén khán giả” tồn tại như một điều tất yếu và giới làm nghề cũng mặc nhiên chấp nhận điều đó; khi họ cố làm những đề tài được cho là mới, thu hút giám khảo tại các liên hoan phim quốc tế nhưng lại xa rời, quá cũ đối với khán giả VN. Thực tế cho thấy, hàng loạt phim nghệ thuật Việt, kể cả những phim đoạt không ít giải thưởng ở nước ngoài như: Bi ơi đừng sợ, Đảo của dân ngụ cư, Song lang, Đập cánh giữa không trung, Chơi vơi… ra rạp đều không ăn khách. Thế nên, các nhà làm phim nghệ thuật Việt cần phải thay đổi tư duy về đề tài làm phim nghệ thuật, đừng nên quanh quẩn với các đề tài hủ tục phong kiến, nạn tảo hôn, trọng nam khinh nữ... thì may ra mới thu hút khán giả Việt.
Bà Bích Liên, Giám đốc điều hành Công ty truyền thông giải trí Mega GS, cho rằng: “Thời nay nên làm phim nghệ thuật có chất giải trí chứ đừng triết lý lỗi thời, nhàm chán như lâu nay thường thấy trong nhiều tác phẩm xưng danh phim “nghệ thuật” của VN. Tôi tin thị trường sẽ luôn có chỗ cho phim nghệ thuật Việt nếu được làm một cách hấp dẫn, bằng chứng là phim nghệ thuật giành nhiều giải thưởng lớn của quốc tế nhưng có câu chuyện gần gũi, dễ cảm như Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột), Black Swan (Thiên Nga đen), The Theory of Everything (Thuyết yêu thương)... vẫn thu hút khán giả VN khi chiếu trước đây ở các rạp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.