Luật của rừng xanh

22/04/2016 09:00 GMT+7

The jungle book (Cậu bé rừng xanh) phiên bản 2016 dự đoán sẽ làm nên một kỷ nguyên mới cho Walt Disney khi mà ranh giới giữa live-action (phim người đóng) và hoạt hình giờ đây đã gần như được xóa nhòa.

The jungle book (Cậu bé rừng xanh) phiên bản 2016 dự đoán sẽ làm nên một kỷ nguyên mới cho Walt Disney khi mà ranh giới giữa live-action (phim người đóng) và hoạt hình giờ đây đã gần như được xóa nhòa.

Ảnh: IMDBẢnh: IMDB
Những năm gần đây, cơn sốt làm lại phim hoạt hình thành live-action đang góp phần thiêu đốt mùa hè vốn rực lửa ở Hollywood, những Red ridding hood, Snow white, Maleficent, Cinderella… và rất nhiều dự án đầy hứa hẹn khác đang chờ ra mắt như Beauty and the Beast có sự tham gia của "phù thủy" Emma Waston là một điển hình. Việc nhai đi nhai lại kịch bản cũ ở Hollywood không còn là chuyện xa lạ gì. Bản thân The jungle book từng được Disney dựng thành phim hoạt hình ăn khách vào năm 1967 và cũng đã được làm lại live-action. Thế nhưng, The jungle book phiên bản 2016 này vẫn đủ sức làm người ta sửng sốt. Ngoài chất lượng xuất sắc với một dàn diễn viên lồng tiếng hoành tráng gồm các tên tuổi: Bill Murray, Scarlett Johansson, Ben Kingsley, Lupita Nyong'o..., phim đã đưa người xem, nhất là người hâm mộ Disney trở lại cái không khí hồi tuyệt phẩm The lion king công chiếu năm 1994.
Đầu tiên, phải kể đến cái tên Jon Favreau. Đây là một đạo diễn hiếm hoi ở Hollywood tuy làm ít phim nhưng được thử nghiệm ở nhiều thể loại và đại đa số là thành công. Sau một, hai phim fantasy ở thời kỳ đầu, Jon Favreau tạo uy tín nhất định để được giao cho bom tấn Iron man. Và cái may mắn nhất không phải là việc anh nắm giữ trong tay sự sống còn của một trong số các siêu anh hùng Marvel mà chính là anh đã kịp tháo chạy sau phần 2, trước khi Iron man trở nên thảm hại. Rồi ngay lập tức, Jon Favreau nhảy sang làm phim độc lập. Chef, bộ phim nói về ẩm thực và tình cảm gia đình cho người ta cái nhìn đa chiều hơn về anh cũng như tài năng của anh. Bộ phim được thực hiện với kinh phí khá thấp và không có bất kỳ bệ đỡ là nhà sản xuất hay phát hành danh tiếng nào đứng sau lưng. Rồi hai năm kể từ Chef, Jon Favreau tiếp tục được thử sức với The jungle book. Dàn diễn viên lồng tiếng hoành tráng là thế, song diễn viên trong phim chỉ có một người duy nhất là cậu bé Neel Sethi lần đầu đóng phim. Còn lại tất cả, cảnh vật rực rỡ và muôn thú sống động đều được tạo ra bởi CGI và vẻ đẹp của nó thì không thua kém gì Avatar hay Life of Pi.
Nội dung của The jungle book phiên bản 2016 không có mấy khác biệt với những bản phim trước nó. Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ấn Độ Rudyard Kipling, câu chuyện xoay quanh cậu bé Mowgli bị ở lại trong rừng sâu thăm thẳm. Cậu lớn lên giữa bầy sói, có kỹ năng của loài sói và bản năng của con người. Rồi Shere Khan, con hổ mang lòng căm ghét loài người và lửa, thứ bông hoa đỏ mà loài người đã dùng phá hủy rừng xanh, xuất hiện. Shere Khan không chấp nhận sự có mặt của Mowgli trong khu rừng. Nó ra sức đuổi giết cậu bé và tạo nên cuộc điêu linh giữa ở chốn rừng sâu. Vẫn nội dung ấy, bằng việc chọn lựa tình tiết để nhấn nhá, Jon Favreau đã có một câu chuyện của riêng mình. Không muốn vượt qua sức nặng của nguyên tác (mà dẫu có muốn thì chưa chắc làm được), đạo diễn sinh năm 1966 quyết định đi theo lý tưởng riêng của anh ta. Sử dụng những chuẩn mực làm phim ở thời đại của công nghệ này, song The jungle book vẫn tuân theo sự mực thước đã làm nên đỉnh cao cho Disney. Cảnh Mowgli nhỏ bé ẩn mình giữa đàn trâu rừng và từ trên cao, con hổ Shere Khan độc ác nhìn xuống, nó gợi nhớ nhiều đến cảnh Mufasa tất tả tìm con giữa đàn thú rừng chạy loạn và cũng từ trên cao, kẻ âm mưu tiếm ngôi ông ta đang phóng mắt quan sát. Hoặc như hình ảnh Mowgli thả mình trôi trên sông hát vang bài ca cuộc sống tươi đẹp với gấu Baloo hồn hậu trong bối cảnh nguy hiểm rình rập, nó làm người ta xúc động cũng như hình ảnh Simba bên lợn rừng Pumbaa và chồn Timon cùng nhau hưởng thụ những ngày tươi đẹp mà không hề hay biết bao sóng gió đang chờ phía trước. Và ở trong thế giới của muông thú, cả The jungle book lẫn The lion king, luôn có một thứ được gọi là "luật" để duy trì được trật tự tự nhiên. Nếu ở The lion king là sức mạnh gia đình, có hơi hướm quan niệm bảo hoàng thì ở The jungle book, chả cần đến rừng luật, luật rừng duy nhất mà mỗi con sói phải giữ chính là "bầy đàn". Hình ảnh sinh động, tiết tấu nhịp nhàng, câu chuyện hấp dẫn… có lẽ, việc đưa Disney trở lại thời hoàng kim, thời mà trẻ em toàn trái đất đếu hướng về hãng phim đó là điều không quá xa xôi.
Ngày xửa ngày xưa, trong khu rừng điện ảnh, có hàng trăm loài thú, mỗi loài thú có hàng chục con, chúng sống lẫn vào nhau. Nhưng những cá thể đặc biệt vẫn có cách tỏa sáng của riêng nó, như Mowgli có thể dùng bản năng của con người để tồn tại ở chốn rừng sâu vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.